Bảo tồn dân ca các dân tộc gắn với phát triển du lịch

Thứ hai - 25/11/2019 16:13
Dân ca các dân tộc trên địa bàn tỉnh là loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc, quý báu của cha ông để lại bao đời nay. Trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội với xu thế hội nhập ngày nay, dân ca luôn là giá trị tinh thần vô giá phục vụ đời sống cộng đồng và phát triển du lịch. Bảo tồn dân ca gắn với phát triển du lịch là một trong những định hướng quan trọng, có ý nghĩa thiết thực của tỉnh.
Hát giao duyên tại Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô huyên Bảo Lâm
Hát giao duyên tại Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô huyên Bảo Lâm
       Dân ca các dân tộc phong phú, đa dạng gắn với quá trình hình thành và phát triển của mỗi dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chay, Lô Lô, Kinh, Hoa cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh. Mỗi dân tộc, mỗi ngành tộc đều có loại hình dân ca đặc trưng riêng, là những viên ngọc sáng trong kho tàng văn hóa dân tộc. Các làn điệu dân ca danh tiếng thường gặp trong đời sống xã hội, như: Hát Then - đàn tính, lượn Then, lượn Slương, lượn Cọi, lượn Nàng ới, Phong slư, Pựt lằn, Xà xá, Dá Hai, Hà Lều, Sli Giang…, của các dân tộc Tày, Nùng; các làn điệu: Gầu plềnh, Khâu xìa, Phìa phá, Lù tẩu, Páo dung, Tộ dung, Coóng phây, Phầy sáng…, của các dân tộc Mông, Dao. Đã có đề tài nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn cấp tỉnh của Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc  tỉnh thực hiện từ năm 2013 - 2015, bước đầu thống kê được 78 làn điệu dân ca của 4 dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao. Đó là chưa kể đến vốn dân ca của các dân tộc khác, thậm chí còn nhiều loại hình dân ca chưa được nghiên cứu, khai thác. Dân ca các dân tộc Cao Bằng là tài sản dày tầng vô giá, ẩn chứa giá trị văn hóa truyền thống trầm tích sâu rộng trong nhân dân.
       Từ nhiều năm nay, tỉnh ta đã chủ động tích cực bảo tồn, phát huy dân ca các dân tộc và đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng thông tin toàn cầu, bên cạnh các yếu tố thuận lợi tạo sự phát triển thì cũng kéo theo những tác động gặm nhấm, xói mòn văn hóa truyền thống, trong đó có vốn dân ca các dân tộc đang mai một nhanh chóng từng ngày. Trước thực trạng đó, bảo tồn và phát huy vốn dân ca các dân tộc đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và tất yếu trong lĩnh vực văn hóa của tỉnh.
        Đảng ta luôn khẳng định mối quan hệ tương quan chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với coi trọng đồng bộ phát triển văn hóa nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng đất nước, trong đó, văn hóa được coi là động lực của sự phát triển. Thực chất, hoạt động du lịch - ngành kinh tế “không khói” này là hoạt động văn hóa, đặc biệt nội dung của nó hoàn toàn thuần chất văn hóa. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, coi trọng phát triển du lịch, dịch vụ là một trong những mục tiêu cần tập trung thực hiện của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Khách đến tham quan, du lịch để thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, tìm hiểu phong tục, tập quán đồng bào các dân tộc, các loại hình di sản văn hóa tâm linh vật thể, phi vật thể… Đặc biệt là thưởng thức văn hóa, văn nghệ dân gian, nhất là dân ca các dân tộc - “món ăn” tinh thần vô giá của du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, nhiều đoàn khách đến với Cao Bằng đã tự tìm đến các đội văn nghệ dân ca nghe hát Then - đàn tính và tìm hiểu các làn điệu dân ca dân tộc. Các làn điệu dân ca cùng với nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ đã phát huy vai trò chuyển tải giá trị văn hóa dân tộc trong việc đẩy mạnh và phát triển ngành du lịch của địa phương.
Hát Dá Hai tại Lễ hội du lịch thác Bản Giốc Ảnh: Thế Vĩnh
Hát Dá Hai tại Lễ hội du lịch thác Bản Giốc. Ảnh: Thế Vĩnh

       Các hoạt động văn hóa, du lịch là môi trường dung dưỡng và bảo tồn, phát huy các giá trị dân ca dân tộc, thông qua các hoạt động biểu diễn tại những thắng cảnh, các điểm dừng chân theo tuyến tham quan; sản phẩm lưu niệm băng, đĩa dân ca..., cùng với văn hóa ẩm thực, những bài hát dân ca, dân vũ của các nghệ sĩ sẽ giữ chân du khách lâu hơn và để rồi “đến hẹn lại lên” Cao Bằng với một tình cảm sâu lắng, ngọt ngào như trái chín dân ca. Hơn nữa, mỗi tuyến du lịch rất cần đến từng loại hình dân ca đặc trưng, thế mạnh của địa phương. Tuyến du lịch xuất phát từ Thành phố đến thác Bản Giốc (Trùng Khánh) sẽ là làn điệu Hèo Phươn của người Nùng An, các làn điệu dân ca Nùng tại Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên); tiếp đó là làn điệu Dá Hai, xã Thông Huề (Trùng Khánh); các làn điệu hát Then - đàn tính, lượn Then tại thắng cảnh Ngườm Ngao, thác Bản Giốc. Tuyến du lịch Pác Bó cần đến sự phát huy loại hình hát Then - đàn tính, dân ca Nàng ới, Pựt lằn, Xà xá. Tuyến du lịch đến hồ Thang Hen (Trà Lĩnh) sẽ mang đến cho du khách các bài hát Dá Hai, lượn Then, Hà Lều, Sli Giang. Tuyến du lịch đường số 4, Đông Khê (Thạch An) lại níu chân du khách bởi những làn điệu ngọt ngào lượn Slương, hát Then - đàn tính. Trải nghiệm tuyến du lịch lên vùng Phja Đén (Nguyên Bình), du khách sẽ được thưởng thức các làn điệu Páo dung, Tộ dung, Coóng dung... Tuyến du lịch lên với vùng cao Bảo Lâm, các làn điệu dân ca Mông: Gầu plềnh, Khau xìa, Phìa phá..., và dân ca Sán Chay, Lô Lô sẽ là ưu thế để trình diễn cho khách tham quan. Mỗi tuyến du lịch là một cung đường trải đầy hoa dân ca dân tộc, đặc trưng của từng địa phương chào đón khách quý.                  Những điểm dừng chân lâu hơn của du khách như trung tâm các huyện lỵ, thị trấn, thành phố, du khách sẽ được thưởng thức tổng thể các loại hình dân ca dân tộc đa dạng, phong phú, sinh động, hấp dẫn và các sản phẩm băng, đĩa dân ca. Tại nơi đây, đã đến lúc chúng ta nên hình thành các chiếu dân ca, như: “Chiếu hát Then”, “Chiếu Dá Hai”, “Chiếu Nàng ới” có sức hấp dẫn, lan tỏa và cuốn hút khách tham quan du lịch.
        Hoạt động du lịch còn là môi trường, điều kiện thuận lợi để giao lưu, giới thiệu, quảng bá dân ca Cao Bằng đến đông đảo khách lữ hành trong nước và quốc tế ở mỗi thành phần, lứa tuổi khác nhau. Có thể nói rằng, du lịch là “mảnh đất màu mỡ” để dân ca được bảo tồn, phát huy. Và chính dân ca lại trở thành nhân tố quan trọng thu hút khách lữ hành, mang đến cho du lịch nguồn thu đáng kể, góp phần vào ngân sách chung của tỉnh. Trên cơ sở đó để xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn và phát triển dân ca các dân tộc. Đó là sự tương tác gắn bó trong mối quan hệ kinh tế - văn hóa. Mặt khác, dân ca trong thời kỳ đương đại, bên cạnh những bài hát cổ rất cần những bài hát mới về lời ca hoặc sáng tác mới phát triển trên chất liệu dân ca phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Những năm qua, Đoàn Nghệ thuật tỉnh, Trung tâm Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã sử dụng những tác phẩm nâng cao, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân ca, dân vũ truyền thống và đương đại tham dự và giành được thành tích cao tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp cấp khu vực và toàn quốc. Điều đó minh chứng tỉnh ta không chỉ khai thác, phát huy dân ca mà còn lưu tâm phát triển dân ca.
         Nhận thức sâu sắc điều đó, ngành Văn hóa cùng các ngành chức năng hữu quan, các địa phương đã quan tâm đầu tư cho phát triển du lịch gắn với việc khai thác, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc, trong đó có dân ca. Huyện Trùng Khánh là một trong những điển hình trong tổ chức quảng bá văn hóa du lịch và hình thành các đội văn nghệ dân ca phục vụ du khách tham quan. Hiện nay, bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống đã xuất hiện đa dạng hình thái du lịch mới như: du lịch cộng đồng, du lịch xanh…
         Cùng với sự tăng trưởng của ngành du lịch cả nước, số lượng khách đến Cao Bằng ngày càng tăng cao. Điều đó đặt ra sự cần thiết phải tạo lập nhanh chóng mối gắn kết giữa du lịch với các hoạt động dân ca, văn hóa truyền thống để đón những cơ hội “vàng” đã và đang đến, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh và gìn giữ vốn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc mãi mãi trường tồn.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây