Ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các Sở quản lý du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch các tỉnh, thành phố; đại diện Lãnh đạo các doanh nghiệp đầu tư du lịch, hàng không, kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch. Thành phần tỉnh Cao Bằng có bà Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đại diện Lãnh đạo Trung tâm Văn hoá và Thông tin du lịch.
Toàn cảnh Hội nghị công tác xúc tiến du lịch năm 2024.
Để du lịch phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, công tác xúc tiến cần song hành và giữ vai trò chủ đạo. Đánh giá đúng vai trò của công tác xúc tiến, Hội nghị đã thống nhất cao Kế hoạch xúc tiến du lịch năm 2024. Trong nội dung thảo luận, Hội nghị nhận được nhiều ý kiến phát biểu sôi nổi, tâm huyết của các đơn vị tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch về kết quả, kinh nghiệm, trăn trở và định hướng trong quá trình tham gia thực hiện xúc tiến du lịch.
Đại biểu tham gia thảo luận tại Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo, ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, du lịch là động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển, trong đó xúc tiến quảng bá (XTQB) đã đạt kết quả tốt, tuy nhiên vẫn còn bỏ ngỏ nhiều thị trường tiềm năng. Thứ trưởng chỉ đạo, Quản lý nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp đồng hành thực hiện xúc tiến; nhưng xúc tiến phải đúng trọng tâm, đúng thị trường, phù hợp dòng khách; huy động hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hoá và XTQB trong nước.
Hội nghị nhấn mạnh giải pháp phát triển công tác xúc tiến là: Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch số, sử dụng hiệu quả các công cụ, nền tảng số; xây dựng và phát triển hệ sinh thái xúc tiến du lịch số. Triển khai các hoạt động XTQB có trọng tâm, trọng điểm; nâng tầm hoạt động XTQB xuyên quốc gia; tập trung triển khai theo chiến dịch; định vị điểm đến chất lượng, bền vững. Đa dạng hóa loại hình, cách thức tiếp cận thị trường thông qua quảng cáo, văn phòng xúc tiến du lịch, chương trình giới thiệu điểm đến; truyền thông, báo chí, Marketing số, bảo trợ, liên minh thương hiệu. Huy động nguồn lực phối hợp triển khai XTQB.
Với sự đồng lòng của Nhà nước, doanh nghiệp, cùng tất cả các thành phần tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch, hứa hẹn xúc tiến du lịch năm 2024 sẽ có nhiều khởi sắc.
Tác giả bài viết: Bảo Khanh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn