Độc đáo Lễ hội miếu Long Vương phố Thông Huề

Thứ ba - 01/04/2025 09:08
Miếu Long Vương là ngôi miếu cổ thuộc phố Thông Huề, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Theo thông lệ, cứ vào năm nhuận, Lễ hội miếu Long Vương lại được tổ chức với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc của cư dân bản địa. Đây là lễ hội đặc sắc và duy nhất ở miền Đông tỉnh Cao Bằng có nghi lễ thả đèn hoa (hoa đăng), với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cầu tự, cầu an, cầu tài, lộc…
cb

Thầy tào và bà bụt làm lễ trong miếu Long Vương

cb

Nhân dân dâng lễ tại miếu Long Vương

Miếu Long Vương được dựng bên sườn núi Tam Tiên (núi Ba Cô Tiên), phía trước là dòng sông Bắc Vọng trong xanh, tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình cho phố cổ Thông Huề. Tương truyền, vị trí dựng miếu có phong thủy tốt, hội tụ đầy đủ “long - huyệt - thủy - sa”. Miếu thờ thần Nam Hải Long Vương - một vị thủy thần cai quản sông nước, đem lại mùa màng tươi tốt, cuộc sống yên lành cho người dân địa phương. Năm 2018, miếu Long Vương đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, là một điểm di sản trong tuyến trải nghiệm phía Đông của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Theo thông lệ, cứ vào năm nhuận, Lễ hội miếu Long Vương lại được tổ chức với nhiều nghi lễ và hoạt động đặc sắc. Năm nay, Lễ hội miếu Long Vương diễn ra từ ngày 24 - 25/3/2025 (tức ngày 25 - 26/2 âm lịch). Các nghi lễ chủ yếu được thực hiện trong miếu, còn hoạt động văn nghệ, thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian được tổ chức tại khu vực sân miếu và khu chợ Thông Huề. Trong ngày đầu tiên của Lễ hội, bà con nhân dân phố Thông Huề thực hiện nghi thức ăn chay, các đồ cúng, mâm lễ cũng đều là đồ chay. Vào ngày chính hội, thầy tào và bà bụt tiến hành nghi thức tế lễ tại miếu, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gia đình hạnh phúc... Sau đó, buổi chiều là lễ rước thần Nam Hải Long Vương. Đoàn rước kiệu thần Nam Hải Long Vương đi khắp phố Thông Huề, lần lượt đến từng nhà để chúc phúc. Trước mỗi gia đình trong phố đều có một mâm lễ chay để nghênh đón kiệu thần. Đoàn rước kiệu thần đến từng nhà, ban cho gia chủ một lá bùa bằng giấy, chủ nhà sẽ dán lá bùa đó lên cửa để trừ tà ma và đón phúc lộc vào nhà.

cb

Lễ rước kiệu thần Nam Hải Long Vương diễn ra trang trọng. Kiệu và lọng che được trang trí cầu kỳ, màu sắc nổi bật

cv

Đoàn rước kiệu thần trong trang phục truyền thống đi khắp phố Thông Huề

Tối cùng ngày là nghi lễ thả đèn hoa trên sông Bắc Vọng. Đây có lẽ là nghi lễ được mong chờ nhất của Lễ hội. Khoảng 8h tối, sau khi làm lễ tại miếu, thầy tào và bà bụt thực hiện nghi thức thả đèn hoa trên sông Bắc Vọng. Đèn hoa được tập hợp trên thuyền, chiếc thuyền đưa thầy tào, bà bụt cùng hàng trăm chiếc đèn hoa ra giữa dòng sông. Trong không khí vừa huyền ảo, vừa linh thiêng, những chiếc đèn hoa sáng lấp lánh như mang theo cả nguyện ước của nhân dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc được thầy tào, bà bụt thả xuống dòng sông Bắc Vọng. Những chiếc đèn hoa trôi đi trong ánh mắt trông đợi của người dân hai bên bờ. Bởi vì, ai cũng mong vớt được đèn hoa để gặp may mắn và ước muốn của bản thân trở thành hiện thực. Người may mắn vớt được đèn hoa sẽ mang đèn lên miếu thắp hương trình báo với thần Nam Hải Long Vương (suốt quãng đường đi phải giữ đèn sáng, không để đèn tắt, vì quan niệm nếu đèn tắt thì điều nguyện ước sẽ mất thiêng).

cb

Thả đèn hoa trên sông Bắc Vọng – Nghi lễ được mong chờ trong Lễ hội miếu Long Vương

Bên cạnh các nghi lễ độc đáo, Lễ hội còn tổ chức chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc quê hương Trùng Khánh, với các tiết mục hát Then, Dá Hai, Phong Slư, dân ca, dân vũ… Cũng trong thời gian diễn ra Lễ hội, chợ quê Thông Huề còn mở bán với nhiều sản vật địa phương như: đậu phụ chao, tương Mẹc Cảng, thạch Mác Púp, thịt lợn quay,… Chợ quê dường như tấp nập, đông vui hơn thường nhật, bởi những ngày này, người dân phố Thông Huề được đón du khách phương xa đến trẩy hội.  

Vì vậy, Lễ hội miếu Long Vương không chỉ là lễ hội văn hóa mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, mà còn là không gian giao lưu tình cảm, tăng cường tinh thần đoàn kết của cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Hoàng Thơm - Lương Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây