Là tỉnh có thế mạnh về du lịch, Cao Bằng xác định việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trên địa bàn duy trì và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng một cách bài bản, hiệu quả thông qua việc thành lập các câu lạc bộ (CLB) hát Then, đàn Tính, dân ca, dân vũ; hỗ trợ tập luyện và phục dựng những làn điệu cổ truyền… Qua đó, tiếp thêm sức sống cho phong trào văn hóa cơ sở, đồng thời khơi dậy niềm tự hào, tình yêu với văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Thời gian qua, phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng diễn ra sôi nổi, thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân. Trong đó, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh phát huy vai trò nòng cốt trong công tác gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đến nay, Hội đã phát triển 10 chi hội tại các huyện với tổng số 2.192 hội viên; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm được 45 bài dân ca các dân tộc; sáng tác và đặt lời mới cho hơn 200 bài hát; xây dựng 96 chương trình văn nghệ dân ca từ các chi hội cơ sở. Công tác truyền dạy và phổ biến dân ca được triển khai mạnh mẽ, với hơn 600 hội viên thuộc nhiều lứa tuổi trong và ngoài tỉnh tham gia các lớp học. Đồng thời, Hội đã thành lập 4 câu lạc bộ hát Then, đàn Tính, dân ca tại cơ sở gắn với phát triển du lịch; xây dựng và ra mắt mô hình điểm nhóm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then tại thành phố Cao Bằng và huyện Hòa An.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 800 CLB văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên. Trung bình, mỗi CLB có từ 10 đến 50 thành viên, trong đó có nhiều nghệ nhân, người cao tuổi am hiểu sâu sắc về âm nhạc dân gian. Công tác hướng dẫn, tập luyện và ra mắt các mô hình CLB hát Then, đàn Tính, dân ca, dân vũ tại cơ sở luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần và tạo điểm nhấn cho du lịch cộng đồng, tiêu biểu như: CLB hát Then, đàn Tính, hát dân ca xóm Bản Um, xã Tam Kim (Nguyên Bình); xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh); xóm Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Quảng Hòa)...
Qua nhiều năm duy trì hoạt động, các CLB văn nghệ quần chúng đã góp phần khôi phục các làn điệu dân ca cổ truyền và đóng góp cho kho tàng nghệ thuật phục vụ đời sống tinh thần cộng đồng tại địa phương. Hàng năm có trên 100 buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng và các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ truyền thống được đầu tư nội dung, dàn dựng đẹp mắt, hấp dẫn người xem.
Một trong những mô hình văn nghệ quần chúng tiêu biểu tại cơ sở là CLB hát Then, đàn Tính và hát dân ca xóm Minh Thanh, xã Vũ Minh (Nguyên Bình). Được thành lập từ năm 2009, CLB hiện có 58 hội viên với độ tuổi từ 5 - 83 tuổi, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày đang sinh sống tại địa phương. Với tình yêu sâu sắc dành cho dân ca và sự nhiệt huyết của các thành viên, CLB duy trì sinh hoạt, tập luyện thường xuyên. Theo chia sẻ của Nghệ nhân Ưu tú Đinh Văn Thức - Chủ nhiệm CLB: Hoạt động của CLB nhằm phát hiện và bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ tại địa phương. Thông qua đó, đóng góp vào công tác bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và lan tỏa tinh thần yêu văn nghệ trong cộng đồng.
Nhằm tiếp tục giữ gìn, phổ biến và trao truyền những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số, năm 2025, Sở VHTTDL xây dựng kế hoạch truyền dạy mô hình bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc của người Dao Đỏ xã Vũ Minh và người Dao Tiền xã Quang Thành (Nguyên Bình)… Cùng với đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị và địa phương trên toàn tỉnh chú trọng triển khai nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, nghệ thuật trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển phong trào văn hóa, thể thao quần chúng rộng khắp, điển hình như: Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII năm 2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội); Liên hoan Văn nghệ quần chúng và Trình diễn trang phục dân tộc vùng Đông Bắc năm 2024; Hội thi Hát dân ca – Trình diễn trang phục dân tộc – Thi đấu thể thao trên địa bàn các huyện… Những hoạt động này không chỉ tạo sân chơi bổ ích, phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật trong cộng đồng mà còn góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Cao Bằng.
Phong trào văn nghệ quần chúng đã và đang đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Việc duy trì và phát triển các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc góp phần hình thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, gắn liền với đời sống văn hóa cộng đồng. Từ đó, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng và đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Tác giả bài viết: Lương Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn