Các hoạt động Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc năm 2023 gồm: Lễ rước nước cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa; không gian trưng bày, giới thiệu sản vật, đặc sản, ẩm thực; các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian; triển lãm ảnh “Vẻ đẹp miền Non nước”; chương trình “Hát Then - đàn Tính với sự tham gia 1.000 người”; trưng bày sách nghệ thuật, xe Thư viện lưu động tỉnh; tuần lễ trải nghiệm vườn dẻ...
Nghi thức rước nước: Nước được lấy từ dòng sông Quây Sơn, tại chân thác Bản Giốc về chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc.
Lễ rước nước cầu quốc thái dân an diễn ra vào sáng 06/10 tại Khu du lịch thác Bản Giốc và chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Tham dự Lễ rước nước cầu quốc thái dân an có đại diện Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng; lãnh đạo UBND huyện Trùng Khánh, xã Đàm Thủy; tăng ni, phật tử chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc cùng đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương. Nước được lấy từ dòng sông Quây Sơn dưới chân thác Bản Giốc, sau đó rước về chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc để thực hiện nghi thức niên hương cầu cho quốc thái dân an, bày tỏ lòng thành kính tri ân tới các bậc tiền nhân khai quốc, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Các tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng; các thành viên Ban Tổ chức dâng hương thực hiện Lễ cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc 2023 khai mạc vào tối 06/10, tham dự có Trung tướng Nguyễn Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội; lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại biểu lãnh đạo huyện Đại Tân, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc… cùng hàng nghìn du khách trong và ngoài nước.
Đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội phát biểu khai mạc.
Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc với chủ đề “Dòng thác kể chuyện văn hóa” được dàn dựng, trình diễn công phu. Chương trình nghệ thuật được chia làm 2 chương: Chương 1: “Bản Giốc kể chuyện”, Chương 2: “Bản Giốc - Hành trình trải nghiệm”. Các tiết mục nghệ thuật thực cảnh đặc sắc, độc đáo kết hợp với công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại đã làm nổi bật vẻ đẹp thác Bản Giốc và văn hóa Cao Bằng - xứ xở thần tiên. Chương trình nghệ thuật được thể hiện bởi các nghệ sĩ nổi tiếng như: ca sĩ Anh Thơ, ca sĩ Gemma Nguyễn và nghệ sỹ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng. Chương trình còn có sự tham gia biểu diễn của đoàn nghệ thuật đến từ huyện Đại Tân, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã mang đến cho khán giả chương trình nghệ thuật hấp dẫn, sôi động.
Tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại đêm khai mạc.
Tiết mục biểu diễn của đoàn nghệ thuật đến từ huyện Đại Tân, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Không gian trưng bày, giới thiệu sản vật, đặc sản, ẩm thực địa phương có 21 gian trưng bày, giới thiệu sản vật của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trùng Khánh và các gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt có gian trưng bày, quảng bá du lịch Cao Bằng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tham gia Lễ hội, du khách được tham quan, trải nghiệm các sản vật, ẩm thực, các sản phẩm OCOP; tham khảo thông tin văn hóa, du lịch qua các ấn phẩm, video của tỉnh; trải nghiệm không gian văn hóa, lễ hội hào hứng, sôi nổi với các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian như: Tung còn, đẩy gậy, kéo co, lày cỏ… Tham dự Lễ hội, chị Chu Quỳnh Trang, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến Cao Bằng, tôi thấy ở đây có nhiều điều thú vị, mới lạ, nhiều hoạt động liên quan đến truyền thống văn hóa dân tộc, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Qua các ấn phẩm quảng bá du lịch, giúp tôi hiểu biết hơn về văn hóa, lịch sử, du lịch Cao Bằng. Nay được tận mắt trải nghiệm tôi rất vui và hạnh phúc khi chọn đi du lịch Cao Bằng đúng vào dịp Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc.
Du khách nước ngoài tham quan không gian trưng bày, quảng bá du lịch tỉnh Cao Bằng.
Thi lày cỏ tại Lễ hội diễn ra sôi nổi.
Du khách checkin, tham quan tại khu trưng bày sách nghệ thuật, xe Thư viện lưu động tỉnh.
Ngay tại cổng vào Khu du lịch thác Bản Giốc, du khách có dịp được tham quan, tìm hiểu về văn hóa, di tích lịch sử, ẩm thực, du lịch miền Non nước Cao Bằng qua triển lãm ảnh “Vẻ đẹp miền Non nước”. Triển lãm gồm 50 ảnh đẹp của các cuộc thi ảnh đẹp Công viên địa chất Non nước Cao Bằng lần 1, lần 2, cuộc thi ảnh đẹp “Non nước Cao Bằng” năm 2023.
Du khách tham quan triển lãm ảnh “Vẻ đẹp miền Non nước”.
Chương trình được nhiều người mong đợi là sự kiện 1.000 người xác lập kỷ lục hát Then đàn Tính với chủ đề “Cội nguồn và Bản sắc Then Tính Cao Bằng” tại chân thác Bản Giốc. 1.000 người gồm các nghệ nhân, người yêu hát Then đàn Tính, học sinh, sinh viên… nhiều lứa tuổi trong bộ trang phục dân tộc Tày, Nùng truyền thống đã cùng hòa vang tiếng hát bên dòng thác Bản Giốc hùng vĩ, gồm 3 ca khúc Then Tính: Ánh trăng Bản Giốc (sáng tác: Phạm Tịnh); Đường về bản em (sáng tác: Đàm Thanh); Hoa rừng quê em (sáng tác: Hoa Cương). Tiếng tính trầm bổng, điệu hát dập dìu hòa quyện cùng thiên nhiên, non nước biên cương. Tham gia sự kiện 1.000 người xác lập kỷ lục hát Then đàn Tính, nghệ nhân Văn Phú (huyện Nguyên Bình) chia sẻ: Là một người con dân tộc Tày Cao Bằng tôi rất vui và tự hào hôm nay được tham gia màn đồng diễn xác lập kỷ lục hát Then đàn Tính, góp một phần nhỏ cho sự thành công của sự kiện, giúp quảng bá Then Tính Cao Bằng đến bạn bè trong cả nước. Tại chương trình, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao Bằng chứng nhận Xác lập kỷ lục Màn đồng diễn hát Then đàn Tính có số lượng người tham gia đông nhất Việt Nam với chủ đề “Cội nguồn và Bản sắc Then Tính Cao Bằng” cho lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng.
Màn đồng diễn 1.000 người xác lập kỷ lục hát Then đàn Tính với chủ đề “Cội nguồn và Bản sắc Then Tính Cao Bằng” tại chân thác Bản Giốc.
Đại diện lãnh đạo Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao “Xác lập kỷ lục màn đồng diễn hát Then đàn Tính có số lượng người tham gia đông nhất Việt Nam” cho lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng.
Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc năm 2023 là dịp để tỉnh Cao Bằng tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất, con người Cao Bằng nói chung, đặc biệt là giới thiệu, quảng bá danh thắng quốc gia thác Bản Giốc đến với bạn bè trong nước và quốc tế; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo đảm an ninh - quốc phòng, thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động du lịch, thương mại biên giới; làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Cao Bằng nói chung, huyện Trùng Khánh nói riêng.
Tác giả bài viết: Hoài Nam, Hoàng Thơm, Hồng Diễm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn