Đền Vua Lê thờ vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi Cao Hoàng Đế), đền nằm trong quần thể di tích thành Na Lữ, được dựng trên một gò đất cao phía Bắc thành, gò này gọi là gò Long (tức gò rồng). Đền cũng là nơi thờ cúng các vị tướng sĩ anh hùng dân tộc có công lao to lớn trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm phương Bắc, là nơi lưu giữ nền văn hóa lâu đời của các dân tộc trong vùng, là nơi các cụ bô lão có chức sắc bàn việc trọng đại mỗi khi tết đến xuân về.
Trong thời kỳ chống Pháp, đền vua Lê là trung tâm hoạt động bí mật của Đảng ta, điểm hội tụ của những người dân yêu nước. Năm 1995, đền Vua Lê được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, là nơi tập trung lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của nhân dân trong vùng.
Đền Vua Lê còn là một trong 5 điểm di sản của huyện Hòa An nằm trong tuyến du lịch trải nghiệm “Hành trình về nguồn cội” của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Từ năm 2019, Lễ hội đền Vua Lê được nâng cấp thành lễ hội cấp huyện nên mọi nghi thức, hoạt động được tổ chức quy mô, bài bản hơn, trang nghiêm, tiết kiệm. Việc quảng bá Lễ hội được thực hiện rộng rãi.
Hằng năm, Lễ hội đền Vua Lê được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Phần lễ được tiến hành ngay từ sáng sớm với các nghi thức: dâng hương, dâng mâm lễ vật. Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian… Lễ hội năm nay, UBND huyện Hòa An tổ chức công bố quyết định công nhận Cụm cây Di sản Việt Nam (cây Đa, cây Ngọc Lan tại đền Vua Lê), các gian hàng văn hóa ẩm thực của các xã, thị trấn trong huyện với nhiều sản vật, đặc sản địa phương, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến trẩy hội.
Tác giả bài viết: Hồng Son
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn