Ở Cao Bằng, các dân tộc cũng gọi Tết Đoan Ngọ là "Tết diệt sâu bọ" vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh. Tết Đoan Ngọ cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp đầm ấm. Ngoài ra, ngày Đoan Ngọ là ngày dân chúng cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng, đồng thời để cầu bình an.
Các món ẩm thực phổ biến và không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ có thể kể đến như: bánh gio, rượu nếp, thịt vịt và hoa trái đặc trưng của ngày hè như mận, vải.
Với quan niệm thịt vịt có tính mát và ngọt, người dân cho rằng ăn vịt giúp cân bằng nhiệt và bồi bổ cơ thể, đặc biệt trong những ngày khí trời nóng nực.
Bánh tro là một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày này. Bánh được làm từ gạo nếp ngâm với nước tro. Đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, Tết Đoan Ngọ còn có ý nghĩa là “ngày diệt sâu bọ”. Nhiều người tin rằng buổi sáng khi ăn bánh tro, hoa quả thì một số loại bệnh trong người cũng sẽ khỏi được phần nào.
Vào dịp này, người chuyên bán bánh tro sẽ làm bánh với số lượng nhiều hơn. Trước Tết Đoan Ngọ khoảng 2 tuần, họ bắt đầu chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh như gạo, lá dong, lá chít… Từ ngày 1/5 nhiều khách đã bắt đầu đặt mua bánh, người ít thì chục chiếc, người nhiều cũng 40, 50 chiếc. Bánh gio có giá bán khoảng 5.000 đồng/chiếc, có kèm mật mía.
Cơm rượu nếp cũng là một trong những món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ, được quan niệm là sẽ giết sâu bọ trong cơ thể.
Rượu nếp tiếng Tày Nùng gọi là “lẩu voan” | Rượu nếp cẩm có vị cay nồng, dịu ngọt và chua nhẹ do quá trình lên men. |
Giống như bánh gio, rượu nếp là món không thể thiếu trong dịp này. Rượu nếp còn giúp phòng được nhiều bệnh tật như tim mạch, huyết áp, tiêu hóa…
Bà con các dân tộc ở Cao Bằng luôn nhớ về tổ tiên, khi có của ngon vật lạ hay hoa trái đầu mùa đều dâng cúng ông bà rồi sau đó cháu con mới thưởng thức. Đến ngày 5/5 âm lịch, khi bánh tro chín thì bao giờ người lớn trong gia đình cũng kính cẩn đặt lên bàn thờ tiên tổ tỏ lòng thành kính và cầu mong các thành viên trong gia đình luôn mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Tục lệ thắp hương hoa trái đầu mùa đã tồn tại như một nét đẹp trong đời sống của bà con các dân tộc Cao Bằng nói riêng và người Việt nói chung.
Tác giả bài viết: Hồng Son
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn