Sôi động Lễ hội Co Sầu thị trấn Trùng Khánh

Thứ hai - 17/03/2025 14:17
Ngày 14/3, UBND thị trấn Trùng Khánh tổ chức Lễ hội Co Sầu Xuân Ất Tỵ năm 2025, tham dự có đại diện lãnh đạo UBND huyện, thị trấn Trùng Khánh, đông đảo nhân dân và du khách về trẩy hội.

Nghi thức lễ tế tại đền Quan Thánh.

Lễ hội Co Sầu thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh được tổ chức vào ngày 15/2 âm lịch hằng năm nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã có công khai phá, mở mang, xây dựng và bảo vệ sự bình yên của phố Co Sầu (thị trấn Trùng Khánh ngày nay); cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, nhà nhà bình yên, ấm no, hạnh phúc, từ đó giáo dục đạo lý làm người cho con cháu muôn đời sau. Phố Co Sầu xưa nằm ở trung tâm huyện Trùng Khánh, là đầu mối giao lưu giữa các xã trong huyện với các huyện Hạ Lang, Quảng Uyên, Thành phố và Quảng Tây (Trung Quốc). Tương truyền xưa kia, đây là nơi hội tụ nhiều người ở các vùng, miền qua lại trao đổi hàng hóa, nơi hẹn hò tình yêu đôi lứa, cho nên kinh tế phố Co Sầu phát triển.

Đoàn rước lễ của nhân dân các dân tộc thị trấn Trùng Khánh từ đền Quan Thánh đến miếu Thần Nông.

Lễ hội gắn liền với đền Quan Thánh, thờ các anh hùng, các bậc hiền tài có công bảo vệ sự bình an cho thị trấn và tôn thờ các bậc thánh hiền với tài năng, đức độ sáng ngời; tôn vinh những giá trị đạo đức tốt đẹp của con người, từ đó gửi gắm ước nguyện, khát vọng các bậc tiền nhân phù hộ, độ trì cho muôn dân Trùng Khánh. Đền Quan Thánh được UBND tỉnh Cao Bằng ra quyết định xếp hạng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh ngày 30/12/2014.

 

        Dâng lễ tại miếu Thần Nông.

Lễ hội được tổ chức với các nghi lễ truyền thống trang nghiêm, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, gồm: lễ dâng hương tại đền Quan Thánh, rước lễ, dâng lễ tại miếu Thần Nông, đền Đức Thánh Trần, lễ tạ.

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Lễ hội.

Phần hội với nhiều hoạt động đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc gồm: Liên hoan nghệ thuật quần chúng; trình diễn trang phục truyền thống dân tộc; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa; quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương; chế biến và giới thiệu nghệ thuật ẩm thực; múa rồng và tranh đầu pháo, biểu diễn võ thuật dân tộc, hát giao duyên, hát then, các trò chơi dân gian: đẩy gậy, tung còn, lày cỏ… Trong khuôn khổ Lễ hội, Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch tỉnh tham gia tuyên truyền, trưng bày các ấn phẩn quảng bá du lịch, những nét độc đáo của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng; Bảo tàng tỉnh triển lãm ảnh giới thiệu vùng đất, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Nhân dân và du khách tìm hiểu các ấn phẩm quảng bá du lịch.

Lễ hội là hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực, là dịp để bà con nhân dân gặp gỡ, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các dân tộc trên địa bàn huyện; góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh, con người huyện Trùng Khánh đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Hoài Nam, Hoàng Thơm, Nông Diễm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây