Phóng sự ảnh: Giới thiệu sản phẩm quà tặng đại biểu dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN) năm 2024 tại Cao Bằng

Thứ tư - 14/08/2024 16:44
Vừa qua, Ban Tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN) năm 2024 tại Cao Bằng đã lựa chọn sản phẩm thủ công truyền thống hương Phja Thắp và giấy bản Dìa Trên, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa làm quà tặng lưu niệm cho đại biểu tham dự Hội nghị.

Sản phẩm hương Phja Thắp và giấy bản Dìa Trên xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng là những sản phẩm thủ công truyền thống lâu đời của người Nùng An nơi đây.

Hương Phja Thắp

Nguyên liệu để làm hương Phja Thắp được lấy hoàn toàn từ tự nhiên ở vùng miền núi đá vôi Cao Bằng như: vỏ cây gạo, cây mai, mùn cưa và lá cây bầu hắt… Các lá cây sau khi thu hái trên rừng về được phơi khô, pha trộn với mùn cưa rồi đem sát thành bột mịn là nguyên liệu chính để làm hương.  

 

Nhúng que mai vào nước pha với bột lá cây bầu hắt để tạo chất kết dính. Tẩm bột hỗn hợp và nhúng nước khoảng 4 lần để tạo được que hương.

 

Sau đó hương được đem ra phơi khô.

 

Khi hương đã khô, tiến hành nhuộm đỏ chân hương, chân hương được nhuộm với loại nước màu đỏ chiết xuất từ các loại cây trên rừng, sau đó hương được bó lại thành những bó nhỏ.

 

Trong những năm gần đây, nghề làm hương Phja Thắp thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, trải nghiệm.

Giấy bản Dìa Trên:

Nghề làm giấy bản Dìa Trên có từ lâu đời, thực hiện theo phương thức thủ công truyền thống của người Nùng An. Nguyên liệu giấy bản hoàn toàn tự nhiên, làm từ vỏ của cây Mạy Sla (tên gọi theo tiếng địa phương) mang từ rừng về được làm luôn hoặc phơi khô dùng cho cả năm.

Làm giấy bản trải qua nhiều công đoạn, vỏ khô được đem ngâm nước cho mềm, sau đó nấu với nước vôi để nhừ. Tiếp đó, vỏ cây được rửa sạch vôi và ngâm chỗ nước chảy. Bước tiếp theo, vỏ cây được đập nhuyễn thành bột và cho vào bể nước đồng thời pha thêm chất làm trơn lấy từ cây dây trơn (Khuả Háo).

 

Bột vỏ cây Mạy Sla được vớt lên cho vào khung ép thành từng tờ giấy, sau đó giấy được dán lên tường nhà để phơi khô.

 

Trước kia, giấy bản thường dùng trong các hoạt động tâm linh. Trong những năm gần đây, người dân nơi đây sáng tạo ra những sản phẩm mới như: quạt giấy, sổ tay, túi giấy, thiệp lưu niệm, giấy vẽ tranh… để làm quà lưu niệm cho khách du lịch.

 

Một số sản phẩm được tạo từ giấy bản Dìa Trên truyền thống.

 

Du khách nước ngoài tham quan tìm hiểu sản phẩm thủ công truyền thống giấy bản Dìa Trên.

Bài, ảnh: Hoài Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây