Bèo trải thảm xanh mướt trong rừng tràm Trà Sư
Phát triển bền vững và phát triển du lịch bền vững
Khái niệm phát triển bền vững được đưa ra khi mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển đã trở thành sâu sắc ở nhiều nước trên thế giới do con người đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế mà không quan tâm đúng mức tới bảo vệ môi trường, bảo vệ các giá trị văn hóa, hài hòa lợi ích các thành phần trong hệ kinh tế, khiến cho những tài nguyên bị sử dụng quá mức đang tiến tới nguy cơ bị cạn kiệt, ô nhiễm môi trường gia tăng đe dọa sự phát triển lâu bền của nhân loại.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, sự phát triển của du lịch phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên và môi trường; sự phát triển du lịch và sự phát triển bền vững chung của xã hội có sự tác động biện chứng lẫn nhau. Vì vậy, khái niệm phát triển du lịch bền vững không tách rời khái niệm phát triển bền vững.
Những mục tiêu cơ bản của phát triển du lịch bền vững
Để phát triển du lịch và xây dựng được những nguyên tắc phát triển bền vững trước hết cần xác định được các mục tiêu cơ bản. Đó là,
Hiệu quả kinh tế: Đảm bảo tính hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh để các doanh nghiệp và các điểm du lịch có khả năng tiếp tục phát triển phồn thịnh và đạt lợi nhuận lâu dài.
Phát triển cho địa phương: Tăng tối đa đóng góp của du khách đối với sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế địa phương tại các điểm du lịch, khu du lịch, bao gồm phần tiêu dùng của khách du lịch được giữ lại tại địa phương.
Tạo ra việc làm và nâng cao mức thu nhập: Tăng cường số lượng và chất lượng việc làm tại địa phương do ngành Du lịch tạo ra và được ngành Du lịch hỗ trợ, không có sự phân biệt đối xử về giới và các mặt khác.
Công bằng xã hội: Cần có sự phân phối lại lợi ích kinh tế và xã hội thu được từ hoạt động du lịch một cách công bằng và rộng rãi cho tất cả những người trong cộng đồng đáng được hưởng.
Đáp ứng sự thỏa mãn của khách du lịch: Cung cấp những dịch vụ an toàn, chất lượng thỏa mãn tối đa các nhu cầu của du khách.
Nâng cao vai trò chức năng của đơn vị tổ chức du lịch: Thu hút và trao quyền cho cộng đồng địa phương xây dựng kế hoạch và đề ra các quyết định về quản lý và phát triển du lịch, có sự tham khảo tư vấn của các bên liên quan.
An sinh xã hội: Duy trì và tăng cường chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, bao gồm cơ cấu tổ chức xã hội và cách tiếp cận các nguồn tài nguyên, hệ thống hỗ trợ đời sống, tránh làm suy thoái và khai thác quá mức môi trường cũng như xã hội dưới mọi hình thức.
Bảo tồn các giá trị văn hóa: Tôn trọng và tăng cường giá trị các di sản lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống và những bản sắc đặc biệt của cộng đồng dân cư địa phương tại các điểm du lịch.
Bảo vệ tự nhiên: Duy trì và nâng cao chất lượng của cảnh vật, kể cả ở nông thôn cũng như thành thị, tránh để môi trường xuống cấp.
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực: Giảm thiểu mức sử dụng những nguồn tài nguyên quý hiếm và không thể tái tạo được trong việc phát triển và triển khai các cơ sở, phương tiện và dịch vụ du lịch.
Bảo vệ môi trường: Giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước, đất và rác thải từ du khách và các hãng du lịch.
Hồ Thủy Liêm trên đỉnh Thiên Cấm Sơn
Những nguyên tắc phát triển du lịch bền vững
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, muốn phát triển bền vững đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn xã hội. Mục tiêu của phát triển bền vững mang tới sự hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường nhưng không làm ảnh hưởng tới tương lai. Để thực hiện những mục tiêu trên, cần xác định được các nguyên tắc của phát triển du lịch bền vững, lấy làm kim chỉ nam cho những hoạt động tiếp theo, giúp du lịch phát triển bền vững trong tương lai.
Khai thác sử dụng nguồn lực một cách hợp lý: Nguồn lực là tổng thể vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân lực, đường lối chính sách, vốn và thị trường… ở cả trong nước và ngoài nước có thể được khai thác nhằm phục vụ cho việc phát triển du lịch. Việc sử dụng, bảo tồn bền vững tài nguyên thiên nhiên văn hóa xã hội là hết sức cần thiết đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, khai thác phục vụ hoạt động du lịch dựa trên sự tính toán nhu cầu hiện tại.
Giảm thiểu sự tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên: Việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ở mức vừa đủ một mặt giúp cho việc phục hồi tài nguyên thiên nhiên, mặt khác giảm chất thải ra môi trường. Các tài nguyên thiên nhiên cần được quy hoạch, quản lý tránh sự khai thác một cách ồ ạt hoặc phát triển nóng.
Duy trì bảo tồn sự đa dạng thiên nhiên, xã hội và nhân văn: Cần trân trọng tính đa dạng của thiên nhiên, xã hội, môi trường của điểm đến, đảm bảo nhịp độ, quy mô và loại hình phát triển du lịch, để bảo vệ tính đa dạng của văn hóa địa phương. Xem xét quy mô và sức chứa của mỗi vùng, giám sát chặt chẽ các hoạt động du lịch đối với động thực vật, lồng ghép các hoạt động du lịch vào các hoạt động của cộng đồng dân cư, ngăn ngừa sự thay thế các ngành nghề truyền thống lâu đời bằng các ngành nghề hiện đại. Phát triển du lịch phù hợp với văn hóa bản địa, phúc lợi xã hội, nhu cầu của sự phát triển, đảm bảo quy mô, tiến độ của các loại hình du lịch nhằm gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa du khách và dân cư sở tại...
Phát triển du lịch phải đặt trong quy hoạch tổng thể của kinh tế xã hội: Sự tồn tại lâu dài của ngành Du lịch phải nằm trong khuôn khổ chiến lược của quốc gia, vùng, địa phương về kinh tế - xã hội. Để đảm bảo sự phát triển, ngành Du lịch cần phải tính tới nhu cầu trước mắt của cả người dân và du khách, trong quy hoạch cần phải thống nhất các mặt kinh tế - xã hội, môi trường, tôn trọng chiến lược của quốc gia, vùng, lãnh thổ, địa phương. Phát triển ngành Du lịch phải phù hợp với địa phương, phù hợp với quy hoạch mà địa phương giao cho, sự phát triển đó mới bền vững và lâu dài.
Phát triển du lịch phải hỗ trợ kinh tế cho địa phương: Với tính đặc thù liên ngành, phát triển bền vững không phải chỉ riêng nó mà kéo theo nhiều lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực du lịch, việc hỗ trợ cho ngành nghề khác không chỉ các doanh nghiệp trực tiếp tham gia hoạt động du lịch mà còn hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp gián tiếp tham gia vào hoạt động này, từ đó dẫn đến hỗ trợ kinh tế cho địa phương.
Thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển bền vững du lịch: Việc tham gia của cộng đồng địa phương là một nhân tố đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững. Khi cộng đồng địa phương được tham gia phát triển du lịch sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho du lịch, vì sự tham gia của cộng đồng địa phương sẽ gắn quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cư dân đối với sự phát triển chung của du lịch.
Lấy ý kiến của nhân dân và các đối tượng có liên quan: Tham khảo ý kiến của các bên liên quan và cộng đồng dân cư, các tổ chức trong và ngoài nước, phi chính phủ, chính phủ với các ý kiến cho dự án, là nguyên tắc quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững. Chia sẻ lợi ích của các bên nhằm mục đích hài hòa về lợi ích trong quá trình thực hiện.
Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực: Với phát triển du lịch bền vững, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ vô cùng cần thiết. Lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch đang thiếu hụt một lượng rất lớn, lao động được đào tạo có trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được nhu cầu chung của ngành. Một lực lượng lao động đào tạo kỹ năng thành thạo, không những mang lại lợi ích về kinh tế cho ngành mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Coi trọng công tác nghiên cứu khoa học ngành Du lịch: Để du lịch trở thành ngành kinh tế chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, hoạt động nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đào tạo và thực hiện hoạt động phát triển du lịch. Các thành tựu khoa học công nghệ về du lịch trong các lĩnh vực thời gian qua đã trở thành những nền tảng khoa học quan trọng với tính ứng dụng thực tiễn cao, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp du lịch.
Tài liệu tham khảo:
1. TS. Nguyễn Bá Lâm & TS. Trịnh Xuân Dũng (2014), Tổng quan về du lịch, Trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội.
2. GS.TS Nguyễn Văn Đính & PGS.TS. Trần Thị Minh Hòa, Kinh tế Du lịch, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân.
3. ThS. Trương Ngọc Quỳnh, Một vài nhận định về phát triển bền vững ngành du lịch…
Nguồn tin: Tổng cục Du lịch
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn