Mở rộng liên kết, hợp tác phát triển Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng

Thứ năm - 04/01/2024 05:11
Năm 2023, Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó, tập trung mở rộng hợp tác, liên kết, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, từng bước phát triển Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, đưa hình ảnh Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.

Nét nổi bật trong năm đó là Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển và quản lý các tuyến du lịch Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Tỉnh hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và tổ chức công bố tuyến du lịch trải nghiệm thứ 4 Công viên địa chất “Một thời hoa lửa”. Phối hợp với chuyên gia UNESCO, tư vấn trong nước và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang triển khai 2 cuộc khảo sát đánh giá và lựa chọn các điểm di sản, đối tác để xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm thứ 5 kết nối Công viên địa chất Non nước Cao Bằng với Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); phối hợp với chuyên gia tư vấn UNESCO, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản khảo sát thực địa, đánh giá hiện trạng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng chuẩn bị tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng.

CB

Lô cốt tháp canh Pháp trong cụm di tích đồn Đông Khê tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An trong tuyến du lịch trải nghiệm thứ 4 Công viên địa chất “Một thời hoa lửa”

Tập trung phát triển mạng lưới đối tác Công viên địa chất, cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư gắn với quản lý và bảo tồn di sản, văn hóa, đa dạng sinh học, môi trường và phát triển du lịch bền vững. Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng tổ chức 5 cuộc khảo sát, học tập kinh nghiệm cho đối tác Công viên địa chất tại một số điểm du lịch cộng đồng, nhà hàng, khách sạn, homestay đang hoạt động hiệu quả, các làng nghề, các tuyến trải nghiệm Công viên địa chất và công tác bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại Thành phố Hà Nội, tỉnh Hòa Bình, Hà Giang. Ban Quản lý Công viên địa chất phối hợp với doanh nghiệp xã hội Zó Project phát triển sản phẩm giấy bản truyền thống và nhuộm màu giấy bằng nguyên liệu tự nhiên tại làng giấy bản Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) và cung ứng sản phẩm chất lượng bán cho Zó Project. Tham mưu đề xuất các hoạt động phát triển du lịch triển khai tại làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) trong khung dự án KOICA (Dự án do Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tài trợ).

Để thúc đẩy phát triển du lịch trong vùng Công viên địa chất, Ban Quản lý chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Trong đó, quan tâm giáo dục cộng đồng về di sản địa chất và danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO gắn với phát triển du lịch bền vững. Ban Quan lý mở 11 lớp tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về Công viên địa chất cho 445 người là các cá nhân, cộng đồng dân cư, các đối tác Công viên địa chất; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 4 cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho 306 lượt giáo viên phụ trách Câu lạc bộ “Cùng em khám phá Công viên địa chất”, hướng dẫn các trường học thực hiện các hoạt động tham gia quản lý, bảo vệ và tạo cảnh quan các điểm di sản gần khu vực trường học; định kỳ ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các điểm di sản Công viên địa chất, các di tích văn hóa - lịch sử gần trường học; đồng loạt ra quân hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023; thực hiện trưng bày “Góc thông tin về Công viên địa chất Non nước Cao Bằng” tại trường học trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

Phát hành định kỳ Bản tin Công viên địa chất Non nước Cao Bằng; thiết kế mới tài liệu hướng dẫn và tờ rơi tuyến trải nghiệm số 4 của Công viên địa chất “Một thời hoa lửa”; thường xuyên đăng tải bài viết, hình ảnh trên Website caobanggeopark.com, fanpage Công viên địa chất Non nước Cao Bằng và Instagram caobanggeopark. Cung cấp tài liệu quảng bá Công viên địa chất, tờ rơi, bản tin, tài liệu 3 tuyến Công viên địa chất cho Sở Giáo dục và Đào tạo, các đối tác, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, các Trung tâm thông tin Công viên địa chất, phối hợp các đơn vị tuyên truyền quảng bá nhân dịp các sự kiện lớn, như: Hội nghị “Giới thiệu Cao Bằng tại Hà Nội”, “Ngày hội du lịch Non nước Cao Bằng tại Hà Nội”…

Phó Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng Vi Trần Thùy cho biết: Điểm đáng ghi nhận trong năm 2023 của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đó là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được UNESCO cấp Bằng chứng nhận sau kỳ tái thẩm định lại lần 1. Điều này tạo bước chuyển biến trong hoạt động du lịch Cao Bằng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đưa du lịch Cao Bằng từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện nay, Ban Quản lý đã và đang phát huy lợi thế để kết nối mạng lưới, thúc đẩy các mối liên kết hợp tác đa chiều với các đơn vị trong, ngoài tỉnh, kết nối với các ban quản lý Công viên địa chất; tham gia, tổ chức các hoạt động của mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO để tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác và quảng bá hình ảnh của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và đạt được những kết quả nhất định. 

Một trong những việc quan trọng trong thời gian tới Ban Quản lý cần thực hiện, đó là chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tổ chức tại Cao Bằng. Để chuẩn bị cho sự kiện này, Ban Quản lý tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập ban tổ chức hội nghị và đã hoàn thành dự thảo phân công nhiệm vụ các thành viên ban tổ chức, dự thảo quyết định thành lập các tiểu ban và dự thảo hế hoạch tổ chức hội nghị. Phối hợp với chuyên gia tư vấn tham mưu danh sách ban cố vấn, hội đồng khoa học, xây dựng dự thảo chương trình tổng thể của hội nghị, cổng thông tin chính thức của hội nghị. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Thanh niên tổ chức tuyển tình nguyện viên và tổ chức 5 cuộc tập huấn cho 287 tình nguyện viên để tham gia hỗ trợ tổ chức hội thảo. Tập huấn, giới thiệu về Công viên địa chất, Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng cho các cá nhân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, lữ hành, hướng dẫn viên du lịch... Với những hoạt động thiết thực của Ban Quản lý Công viên địa chất cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đơn vị, đối tác Công viên địa chất sẽ từng bước đưa Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng ngày càng phát triển bền vững. 

Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây