LỘNG LẪY “MÙA VÀNG” Ở NAM CAO

Thứ tư - 07/10/2020 03:20
Mùa thu ở các tỉnh vùng cao Đông Bắc thật đặc biệt. Tại xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, thu về cũng là lúc lúa trên các thửa ruộng bậc thang của người Tày, Nùng, Sán Chỉ,...đã chín rộ. Những thung lũng nhỏ nối tiếp nhau được nhuộm trong sắc vàng óng ánh của lúa chín, khí trời mát mẻ, dễ chịu như đón chào khách du lịch đến thăm các bản làng.

Bình minh thức giấc giữa những lớp lúa vàng đang độ thu hoạch, nắng dìu dịu như ôm ấp các bản làng của đồng bào các dân tộc ở xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng trong buổi sớm mai…

mùa vàng 1
Biển lúa vàng mênh mang.

Dừng xe bên đường, từ trên cao nhìn xuống những cánh đồng lúa trên ruộng bậc thang, du khách không khỏi choáng ngợp bởi vẻ đẹp rực rỡ, hoàn hảo của khung cảnh thiên nhiên. Bầu trời mùa thu trong xanh, nắng vàng rực rỡ, phía dưới chân đồi hùng vĩ, uốn lượn là những thửa ruộng bậc thang mà tất cả lúa đều chuyển sang sắc vàng... Lúc này, đồng ruộng như bức tranh thêu tay đẹp đến từng chi tiết nhỏ, nên thơ, kỳ vĩ, đắm say lòng người.

Mùa vàng 3
Lúa rực rỡ trong nắng thu. Ảnh: Hoàng Nhã.

Càng đi sâu vào bản, lúa càng rực rỡ như thắp sáng cả không gian. Dừng lại hít căng lồng ngực mùi thơm của lúa chín, ta như cảm nhận sức sống căng tràn của thiên nhiên. Hương lúa mới theo gió len lỏi đến từng nếp nhà, vấn vương mãi hương vị ngọt ngào của đất trời, thanh lọc cơ thể sau một hành trình dài.

Do địa hình chủ yếu là đồi núi, nên đất sản xuất nông nghiệp luôn là vấn đề quan trọng đối với đồng bào các dân tộc ở đây. Khắc phục điều này bằng sự cần cù và sáng tạo của mình, bà con ở đây đã bạt đất đá, tạo thành những thửa ruộng bậc thang uốn quanh các sườn đồi.

Những năm gần đây, được Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật canh tác, hỗ trợ kinh phí để khai hoang phục hóa ruộng nước, chuyển đổi diện tích trồng lúa, diện tích đất canh tác đã không ngừng được mở rộng, bà condân tộc áp dụng các loại giống lúa mới, phù hợp với khí hậu vùng cao, lúa trên ruộng bậc thang của bà con liên tiếp được mùa.

Mùa vàng 2
Những thửa ruộng bậc thang uốn quanh các sườn đồi. Ảnh: Hoàng Nhã.

Mặc dù các dân tộc ở đây không biết được chính xác thời gian xuất hiện của loại hình sinh kế này, nhưng có thểkhẳng định, kỹ thuật khai hoang và hình thức canh tác trên ruộng bậc thang đã có từ vài trăm năm trước.

Ông Hoàng Văn Băn, xóm Phia Cọ, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cho biết:“Để làm được một thửa ruộng thếnày phải mất khoảng hai năm. Những người thân thiết với nhau sẽ cùng giúp nhau làm, nếu nhiều thì cả xóm cùng giúp nhau, hôm nay làm nhà này xong rồi ngày mai sang làm nhà khác, làm đổi công nhau. Cứ đi giúp nhau thì mới có được những thửa ruộng như thế này.”

Những thửa ruộng bậc thang dù to hay nhỏ đều được “chạm khắc” trông thật thuận mắt và dễ canh tác. Hàng trăm thửa ruộng bậc thang trải đều tít tắp, uốn lượn bao quanh những sườn đồi, lung linh dưới làn mây và nắng vàng hệt như một bức tranh phong cảnh khổng lồ. Có được cảnh sắc hùng vĩ như vậy là nhờ tình đoàn kết trong lao động sản xuất của bà con các dân tộc nơi đây. Thời gian tới, ruộng bậc thang xã Nam Cao có thể sẽ trở thành một điểm du lịch mới của Cao Bằng./.

Tác giả bài viết: Hồng Son - TTVH&TTDL

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây