Du lịch cộng đồng – sản phẩm hấp dẫn tại Cao Bằng

Thứ hai - 30/10/2023 12:18
Sản phẩm du lịch cộng đồng ở tỉnh Cao Bằng hiện nay được nhiều du khách đánh giá cao về nét đặc trưng của văn hóa bản địa và sự đa dạng dịch vụ; thu hút được lượng lớn du khách tham quan, trải nghiệm.

Cao Bằng nổi tiếng là một điểm đến hấp dẫn nằm trong hành trình khám phá du lịch ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Cao Bằng còn là điểm đến để du khách thỏa sức đam mê khám phá, tìm hiểu văn hóa vùng cao, trải nghiệm cuộc sống giản dị, mộc mạc của người dân bản địa tại các bản làng ẩn mình trong biển sương, mây và những dãy núi nhấp nhô.

Những năm gần đây, hoạt động du lịch cộng đồng ở tỉnh Cao Bằng đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ, thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Tiêu biểu có một số điểm du lịch cộng đồng đã đưa vào vận hành và thu hút được nhiều du khách như:

Điểm du lịch cộng đồng Pác Rằng

Bản Pác Rằng thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa được biết đến là điểm du lịch đẹp với khung cảnh bình yên và những nét văn hóa truyền thống bản địa đã khiến nhiều du khách say đắm.

Trong bản có hơn 50 hộ gia đình người Nùng An sinh sống gắn liền với nghề nông, đặc biệt người dân ở đây còn duy trì nghề rèn truyền thống. Pác Rằng được mệnh danh là “xưởng rèn thủ công” lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Sản phẩm của làng nghề sắc bén và có độ bền cao, không những được người dân địa phương ưa chuộng mà còn được rất nhiều người dân trên cả nước tin tưởng lựa chọn sử dụng.

FUVNE7530
Du khách tin tưởng và chọn mua những sản phẩm thủ công của người dân bản địa.

Đến với Pác Rằng, từ xa, du khách đã nhìn thấy những ngôi nhà sàn lợp ngói âm dương cổ kính san sát nhau; sắc áo chàm của người Nùng An… lắng tai nghe tiếng leng keng búa nện vui tai của người thợ rèn, lời chào hỏi thân thiện của người Nùng An… tất cả tạo nên khung cảnh bình yên. Du khách đến đây sẽ được tham gia vào các công đoạn rèn; thưởng thức các món ăn mang hương vị của miền núi và trải nghiệm những công việc hằng ngày cùng người dân bản địa.

Chính sự bình dị của người Nùng An nơi đây đã khiến điểm du lịch cộng đồng Pác Rằng thu hút được rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập và trải nghiệm.

Điểm du lịch cộng đồng Phja Thắp

Bản Phja Thắp thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, là nơi làm ra những nén hương truyền thống của đồng bào Nùng An. Trong bản có hơn 50 hộ dân sinh sống và 100% các hộ đều biết làm nghề cũng như miệt mài giữ nghề. Sản phẩm hương được làm hoàn toàn bằng những nguyên liệu tự nhiên gồm: lá cây mai, vỏ cây gạo, mùn cưa và lá cây bầu hắt làm chất keo kết dính các nguyên liệu lại với nhau.

IMG 3677
Hương có mùi thơm tự nhiên đặc trưng, dễ chịu và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chính vì nguyên liệu tự nhiên, sản phẩm hương truyền thống được rất nhiều người ưa chuộng và trở thành hàng hóa có mặt ở các chợ phiên trên địa bàn tỉnh.

IMG 3781
Nghề làm hương truyền thống của người Nùng ở Phja Thắp đã và đang góp phần bảo tồn những nét văn hóa tâm linh đẹp đẽ của dân tộc.

Trong vài năm trở lại đây, điểm đến du lịch cộng đồng Phja Thắp là sự lựa chọn lý tưởng cho du khách muốn trải nghiệm và khám phá nghề làm hương truyền thống của người Nùng An. Sự đón tiếp nồng hậu và hướng dẫn cụ thể từng công đoạn của người dân nơi đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị đối với du khách tại miền Non nước Cao Bằng.

Điểm du lịch cộng đồng Bản Giuồng

Bản Giuồng thuộc xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa, được xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng từ năm 2018. Xóm có 75 hộ, đa số là dân tộc Tày. Những ngôi nhà sàn cổ ở Bản Giuồng đã được gìn giữ nguyên vẹn. Đặc biệt, bà con dân tộc Tày còn lưu giữ kho tàng hàng trăm câu chuyện xa xưa, câu tục ngữ và bài hát Then cổ cùng các phong tục truyền thống.

Đến với Bản Giuồng, du khách còn được hòa mình vào những tiết mục văn nghệ độc đáo; trải nghiệm cuộc sống bản địa của bà con nơi đây như: gặt lúa, bắt cá, bắt vịt, ra đồng xúc tôm, tép,... thưởng thức những món ăn truyền thống. Từ đó, du khách sẽ có những trải nghiệm gần gũi với đời sống người dân và tạm quên đi những ồn ào tấp nập của cuộc sống nơi đô thị.
 

IMG 3217

Đến với Bản Giuồng, du khách còn có cơ hội trải nghiệm Lễ hội Nàng Hai được tổ chức hai năm một lần vào ngày 22/3 Âm lịch năm chẵn, thể hiện ý nghĩa cầu mùa, cầu phúc và cầu nhân duyên. Đây là lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2017.

Từ Tiên Thành có thể kết nối với các điểm khác ở xung quanh như: hang Ngườm Pục, núi Báo Đông (huyện Thạch An); cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (huyện Quảng Hòa), nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn (huyện Quảng Hòa); hoặc có thể kết nối với các khu, điểm du lịch nổi tiếng tại huyện Trùng Khánh, Hạ Lang...

Điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon

Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon thuộc xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, là nơi sinh sống của hơn 60 hộ đồng bào dân tộc Lô Lô. Cung đường vào bản đã được trải bê tông dài khoảng 5 km, đi lại khá thuận tiện. Nhìn từ xa, những nếp nhà sàn còn giữ nguyên nét truyền thống nổi bật trên sắc xanh ngút ngàn của cỏ cây.

z4793774829177 f7a66d87ffbb650c68bc61299f591419
Người phụ nữ dân tộc Lô Lô tỉ mỉ trong công đoạn quay sợi.
z4793774843249 01a6927f5b4039ce4d7197899a0cf156
Sự khéo tay của những người đàn ông dân tộc Lô Lô trong công việc đan nón lá thủ công truyền thống.

Đến với Khuổi Khon, du khách tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm những nét văn hóa phong phú, đặc sắc từ lâu đời như: ngôn ngữ, dân ca, dân vũ, các lễ hội, kiến trúc nhà sàn, trang phục, nghề thủ côngĐể cảm nhận rõ hơn, du khách có thể nghỉ lại các homestay, thưởng thức các món ăn truyền thống, đắm mình trong điệu hát dân ca kết hợp với tiếng trống và điệu múa uyển chuyển, hay mua những sản phẩm thổ cẩm, đan lát làm quà lưu niệm.

Điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao

Nằm trong Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao thuộc xã Quang Thành là nơi sinh sống tập trung của đồng bào người Dao Tiền.

Đến với Hoài Khao, ấn tượng đầu tiên của du khách là vẻ đẹp thơ mộng của núi, đồi, thung lũng, suối, cánh đồng lúa mênh mông và những nếp nhà gỗ mái ngói âm dương nép mình bên sườn núi tạo nên không gian bản sắc dân tộc riêng biệt.

DSC00185
Những nếp nhà gỗ mái ngói âm dương nép mình bên sườn núi tại xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình - Ảnh: Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nguyên Bình.

Nơi đây nổi tiếng với nghệ thuật thêu và in hoa văn bằng sáp ong của phụ nữ Dao Tiền. Phụ nữ ở đây tự tay dệt, thêu thùa, may trang phục cho mình và người thân trong gia đình. Chính sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ đã tạo ra những bộ trang phục đặc sắc của người Dao Tiền.

IMG 8642
Độc đáo nghệ thuật thêu và in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền.

Đến đây, du khách còn được lắng nghe làn điệu Páo Dung đậm chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, thể hiện tâm hồn trong sáng và giản dị của đồng bào dân tộc Dao; tìm hiểu nghi lễ cấp sắc - một nghi lễ độc đáo tại địa phương. Theo phong tục của người Dao Tiền ở đây, nam giới đã có vợ, con phải làm lễ cấp sắc để chứng tỏ bản thân đã trưởng thành và có vị thế trong xã hội; tìm hiểu, khám phá phương pháp nhuộm đũa bằng nước lá cẩm độc đáo; thưởng thức ẩm thực đặc trưng vùng miền; trải nghiệm dịch vụ ngâm chân dược liệu và hòa mình vào cuộc sống bình dị của người dân bản địa.

Ngoài những dịch vụ kể trên, đến Hoài Khao, du khách còn có thể tham quan các điểm lân cận như: hang ong Khoái - nơi bà con địa phương thu hoạch sáp ong; tham quan Nà Rẻo - nơi nổi tiếng với những ngôi nhà đất lợp ngói âm dương truyền thống; tham quan rừng trúc Bản Phường với những cây trúc sào xanh mướt vươn mình tới trời xanh khiến du khách như được hòa mình với thiên nhiên; khám phá đỉnh Phja Oắc với không khí mát mẻ và check-in bên hoa cẩm tú cầu; tìm hiểu về kỹ thuật trồng chè tại đồn điền chè Kolia...

Điểm du lịch cộng đồng Khuổi Ky

Làng đá cổ Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh cũng là một điểm di sản độc đáo nằm trên hành trình khám phá “xứ sở thần tiên”. Ngôi làng nhỏ của người Tày nằm giữa 2 điểm du lịch thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao, với 14 nóc nhà trong thế lưng tựa vào núi, mặt hướng về dòng suối Khuổi Ky. Từ lâu, làng nổi tiếng với những ngôi nhà sàn làm bằng đá. Năm 2008, làng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người”.

IMG 8887
Du khách đến tham quan tại làng đá Khuổi Ky.

Du khách đến với Khuổi Ky chắc chắn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kiến trúc của những ngôi nhà được bà con sử dụng đá tự nhiên để dựng lên. Vẻ đẹp nguyên sơ và dáng dấp cổ kính, nhuốm màu huyền thoại đã tạo nên một không gian rất riêng cho ngôi làng vùng biên viễn.

IMG 8892
Du khách thích thú tìm hiểu về điệu hát Then - đàn Tính tại làng đá Khuổi Ky.

Tại đây, du khách có thể nghỉ lại trong những homestay bằng đá, thưởng thức các món ăn của núi rừng, hòa mình vào cuộc sống của người dân, lắng nghe những câu chuyện huyền thoại và đắm chìm trong âm thanh ngọt ngào của cây đàn Tính cùng giọng hát trong trẻo của các thiếu nữ... Tất cả sẽ trở thành những trải nghiệm khó quên níu chân du khách.

Những nét riêng biệt của một số điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Cao Bằng kể trên hứa hẹn sẽ đem đến những trải nghiệm tuyệt vời về văn hóa bản địa nơi miền Non nước.

Tác giả bài viết: Hoài Niệm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây