Miền non nước Cao Bằng là nơi cư trú của nhiều dân tộc anh em như: Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Sán Chỉ, Lô Lô… Trong đó, dân tộc Tày chiếm đa số. Những nét đặc trưng về văn hoá vật chất và tinh thần của họ đã in đậm dấu ấn trên mảnh đất Cao Bằng, tiêu biểu không thể không nhắc tới nghề dệt thổ cẩm.
Mỗi tấm vải thổ cẩm được dệt đều phải trải qua rất nhiều công đoạn như: quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải. Bà con dân tộc Tày đã sử dụng sợi bông nhuộm chàm và len màu sắc rực rỡ để dệt thổ cẩm. Đặc biệt, hoa văn trên thổ cẩm được dệt ở mặt trái và hiện lên ở mặt phải của tấm vải. Trên tấm thổ cẩm thường có 6 màu chủ đạo, gồm: xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen. Hoa văn trên miếng vải thổ cẩm là những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày như: hoa, chim muông, thú quý…
Khi đến thăm gia đình bà Thược, rất nhiều du khách đã được hướng dẫn trải nghiệm một số công đoạn đơn giản của quá trình dệt vải. Từ đó, đem lại cho du khách sự hứng khởi, niềm vui thích khi được trải nghiệm một phần nhỏ của văn hoá bản địa nơi đây.
Chị Ngô Mỹ Chi (du khách đến từ thành phố Hải Phòng) cho biết: Sau khi tham quan xưởng thêu và in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền (Hoa Thám - Nguyên Bình); xưởng thêu của dân tộc Lô Lô (Bảo Lạc) và tham quan nghề dệt thủ công truyền thống tại xóm Luống Nọi, tôi thấy mỗi loại hoa văn, họa tiết đều mang những đặc trưng rất độc đáo, riêng biệt. Các họa tiết hoa văn trên sản phẩm dệt không sắc nét như trên sản phẩm thêu nhưng lại rực rỡ, mềm mại hơn và rất bắt mắt.
Đến nay, sản phẩm thổ cẩm của nghệ nhân Nông Thị Thược đã được mang đi quảng bá khắp cả nước và một số quốc gia trong mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Từ đây, sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng đã ghi dấu ấn như một thương hiệu tiêu biểu./.
Tác giả bài viết: Bế Thông
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn