Hiện nay, huyện có 2 nghệ nhân ưu tú, 50 câu lạc bộ và các nhóm liên thế hệ hát dân ca truyền thống tại các xóm, khu dân cư. Các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn nghệ để tạo điều kiện cho các nghệ nhân và thế hệ trẻ có cơ hội giao lưu, học tập. Năm 2019, huyện tổ chức Liên hoan hát Then - đàn Tính toàn huyện với hơn 100 diễn viên quần chúng trong toàn huyện tham gia. Thông qua các chương trình, hội thi, phong trào hát dân ca ngày càng được phát triển, gìn giữ như: làn điệu múa Chầu, hát Phong slư tại xã Trọng Con, hát Then tại thị trấn Đông Khê, hát Then và hát Then cổ tại xã Đức Xuân...
Nghệ nhân Ưu tú Nông Thế Anh (xã Trọng Con) chia sẻ: Tôi biết khoảng 50% số làn điệu dân ca như: hát Hoa tình, Phong slư, lượn Slương, lượn Nàng ới. Trước thực trạng các làn điệu này đã bị mai một, mong các cấp, ngành phục dựng lại các làn điệu dân ca trên địa bàn huyện để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.
Các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính sinh hoạt khá sôi nổi, có câu lạc bộ sinh hoạt 2 lần/tháng. Tại các câu lạc bộ có thể thấy nhiều gương mặt còn rất trẻ, những học sinh tiểu học hoặc các bà, các cụ tuổi đã cao nhưng tất cả đều chung niềm đam mê với hát Then, đàn tính. Tuy nhiên, bên cạnh những làn điệu dân ca thường xuyên được biểu diễn tại các hội thi, hội xuân truyền thống của địa phương hay các cuộc giao lưu văn nghệ thì làn điệu dân ca lượn Slương đang có nguy cơ bị mai một. Tại Cao Bằng, lượn Slương phân bố chủ yếu ở 2 huyện: Thạch An, Quảng Hòa, là hình thức hát giao duyên đặc trưng phổ biến của bà con dân tộc Tày.
Vừa qua, các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác phục dựng và bảo tồn lượn Slương. Hội Di sản văn hóa tỉnh, Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Cao Bằng, Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Thạch An phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức phục dựng làn điệu lượn Slương truyền thống của huyện Thạch An cũng như tổ chức ghi hình tại xã Danh Sỹ.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Thị Nhuận cho biết: Tôi thường xuyên nghiên cứu văn hóa dân gian nên trăn trở làm sao để giữ gìn những làn điệu, nhất là lượn Slương ở Thạch An bởi các câu từ trong làn điệu đầy ý nghĩa nhân văn. Mong sau này những người con huyện Thạch An cố gắng bảo tồn, gìn giữ làn điệu dân ca độc đáo của cha ông để lại, đừng để mất đi nền di sản văn hóa quý báu này.
Kho tàng dân ca người Tày, Nùng, Dao trên địa bàn huyện Thạch An rất phong phú, để bảo tồn vốn âm nhạc dân tộc, ngoài việc xây dựng các cơ chế, chính sách, các đề án, chương trình bảo tồn cần quan tâm hơn nữa đến các nghệ nhân, bởi nghệ nhân là những người nắm giữ di sản âm nhạc cổ truyền, lưu giữ nhiều tri thức dân ca do cha ông để lại, là những người hiểu biết sâu sắc nhất về phong tục, tập quán mỗi dân tộc. Nghệ nhân cũng là những người có khả năng truyền dạy cho các thế hệ sau, tuy nhiên hiện nay số nghệ nhân còn rất ít.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc quan tâm, bảo vệ, gìn giữ vốn dân ca truyền thống. Mở các lớp truyền dạy hát dân ca, múa dân gian nhằm đưa dân ca vào giảng dạy trong các trường học một cách có hệ thống, bài bản, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được tiếp cận với nét văn hóa truyền thống dân ca các dân tộc, góp phần lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn