Độc đáo Xưởng thêu của người Dao Tiền trong vùng Công viên địa chất toàn cầu

Thứ năm - 02/11/2023 14:45
Xưởng thêu của người Dao Tiền là một trong những điểm du lịch nằm trong tuyến phía Tây - “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay” của Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm nghề truyền thống. Xưởng thêu thuộc xã Hoa Thám (huyện Nguyên Bình) được người dân nơi đây gìn giữ và phát triển. Sản phẩm thêu thổ cẩm đang phục vụ hiệu quả cho phát triển du lịch ở vùng đất này.
hoa van bang sap ong 2

Kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền sinh động và tinh tế.

Người Dao Tiền ở Cao Bằng, từ bao đời nay nổi tiếng với những bộ trang phục nhuộm chàm được thêu thùa thủ công, đặc biệt là nghệ thuật in hoa văn sáp ong trên vải, công việc này do người phụ nữ đảm nhiệm. Nhiều phụ nữ Dao Tiền ở đây cho biết, phong tục từ xưa, con gái người Dao Tiền trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để khi lớn lên có thể tự tay may váy cưới cho mình. Từ khi lên 10 tuổi, họ bắt đầu học thêu thùa, dệt và nhuộm vải. Các bà, các mẹ dạy họ từ những công đoạn đơn giản đến phức tạp.

Với mong muốn gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của đồng bào dân tộc, năm 2012, Tổ sản xuất thêu thổ cẩm đã được thành lập đi vào hoạt động. Đến năm 2017, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, Ủy ban nhân dân xã Hoa Thám đã thành lập Xưởng thêu thổ cẩm người Dao ở xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám (Nguyên Bình). Xưởng thêu tập hợp những người cùng sở thích, cùng dệt, thêu, làm nên những bộ trang phục và các sản phẩm độc đáo của người Dao Tiền.

Sản phẩm của Xưởng gồm: váy, áo truyền thống dân tộc Dao Tiền màu chàm với các họa tiết hoa văn tinh xảo. Các loại khăn tay, vỏ gối, khăn quàng cổ với các họa tiết độc đáo được thêu hoặc chấm bằng sáp ong mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng cũng như khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, phồn thịnh của dân tộc Dao Tiền. Ngoài ra còn có các loại đồ lưu niệm làm bằng vải nhồi bông hình cây thông, chiếc giày để làm móc treo chìa khóa hoặc treo trên cây thông Noel.

Quy trình để làm ra từng sản phẩm ưng ý cũng đòi hỏi rất khắt khe. Người Dao Tiền dùng kỹ thuật “nhuộm bao vải” để tạo hoa văn bằng cách che chắn trước một phần vải để tạo hoa văn trước khi nhuộm. Sáp ong được đun nóng và lọc bỏ tạp chất. Hoa văn được vẽ trên nền vải trắng bằng những dụng cụ tự chế. Các ống tre có đường kính to, nhỏ khác nhau (từ 1,5cm - 2cm) để in các hình tròn. Các que hình tam giác để in các đoạn thẳng và góc, lá chít ép phẳng dùng làm cữ. Khi sáp ong khô thì đem nhuộm chàm nhiều lần, cứ ngày đem phơi nắng, đêm ngâm chàm. Cuối cùng, tấm vải sẽ được nhúng vào nước sôi, sáp ong bị tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm. Nhờ kết hợp kỹ thuật nhuộm bao vải và thêu nên trang phục người Dao Tiền khá sinh động và tinh tế.

Đang tỉ mỉ in những họa tiết hoa văn bằng sáp ong, chị Triệu Thị Ním, xã Hoa Thám (Nguyên Bình) chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay, Xưởng thêu có 17 thành viên tham gia và sản xuất ổn định. Các thành viên của Xưởng thêu ngoài việc tạo ra sản phẩm thổ cẩm truyền thống, còn là những nghệ nhân tâm huyết luôn sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ trẻ học nghề.

in hoa van bang sap ong 1

Người Dao Tiền truyền nghề cho các thế hệ sau.

Việc phát triển nghề thêu thổ cẩm truyền thống có nhiều triển vọng và đi đúng hướng, ngày càng có thêm nhiều người tâm huyết với nghề, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa địa phương, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã gắn Xưởng thêu của người Dao Tiền với phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng luôn nỗ lực tìm kiếm, hoàn thiện hệ thống đối tác nhằm góp phần phát triển du lịch bền vững. Với mục tiêu chính là phát triển bền vững gắn với các hoạt động bảo tồn, CVĐC Non nước Cao Bằng không ngừng quan tâm, hỗ trợ và mang lại nhiều lợi ích cho các đối tác - những người trực tiếp gìn giữ, phát huy di sản văn hóa quý báu. Đồng thời khuyến khích đồng bào Dao Tiền ở Hoa Thám chủ động định hướng, động viên bà con đầu tư khung dệt thủ công, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại sản phẩm... tạo ra sản phẩm chất lượng cung ứng cho thị trường góp phần đẩy mạnh quảng bá, thu hút du khách đến trải nghiệm nhằm giữ gìn, phát huy và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

 

 

 

 

 

Tác giả bài viết: Nguyệt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây