Bài I: Đặc thù điều kiện sống hình thành tri thức sản xuất và thế giới quan
Tri thức bản địa của đồng bào DTTS trong CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng xuất hiện từ thuở sơ khai. Đến nay, trong vùng CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tại vùng đồng bào các DTTS còn hiện hữu tri thức bản địa, nổi bật là một số lĩnh vực như: chọn đất canh tác, đất ở, nguồn nước hình thành phương thức sản xuất và thế giới quan. Đồng bào DTTS trong CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng sinh sống trên núi cao, chủ yếu là đồi, núi đá nên đất là tư liệu quan trọng nhất để sản xuất, dựng nhà cư trú.
Kiến trúc nhà sàn của người Tày ở Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Quảng Hòa). |
Mỗi DTTS tùy theo điều kiện quần cư của mình mà khai thác đất sản xuất, đất ở theo kinh nghiệm riêng phù hợp với cây trồng, vật nuôi và tìm ra phương thức sản xuất đặc trưng. Người Tày, Nùng ở vùng thấp thường làm ruộng nước, trồng ngô trong thung lũng bằng phẳng hoặc đất dưới chân đồi, núi thoai thoải. Người Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô... sống trên núi đá cao nên canh tác trên đất nương rẫy, trồng ngô trên hốc đá. Do địa hình đất phân bố khác nhau nên mỗi dân tộc có tri thức, kinh nghiệm canh tác khác nhau. Việc chọn đất làm ruộng, nương rẫy, làm nhà ở dựa trên những kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều thế hệ.
Việc chọn đất gắn với tìm nguồn nước suối, nước mỏ, nước ngầm để thuận tiện cho sinh hoạt, canh tác và khai thác. Không chọn đất dốc vì dễ bị xói mòn không canh tác được lâu. Mặt khác, vùng đất thấp gần sông, suối độ ẩm cao, thích hợp với cây trồng. Khi chọn đất thường lựa chọn những khu rừng có nhiều cây thấp để bớt công khai phá, không khai thác những khu rừng già và nơi có nhiều tảng đá lớn vì rất tốn công sức.
Cùng với việc chọn đất dựa vào kinh nghiệm quan sát cây rừng, thế đất, hướng đất, chất đất để chọn đất làm nhà, làm nương rẫy có thể ổn định, thuận lợi lâu dài. Điều này cho thấy, tri thức bản địa rất quan trọng, từ mỗi loại hình đất, điều kiện tự nhiên của mỗi dân tộc lại lựa chọn kiến trúc làm nhà sàn, nhà đất, nhà xếp đá 4 mái để giảm lực cản gió mạnh trên núi cao, đảm bảo khô ráo, tránh ẩm ướt, thú dữ…
Chọn nguồn nước, đồng bào thường phân loại từng loại: nước từ khe suối, nước mưa và mạch nước ngầm. Trong đó, nước suối theo quan niệm dân gian được cai quản bởi một vị thần tiếng Tày gọi là “Slấn”. Từ đó người dân lấy nước sinh hoạt và sản xuất, đánh bắt tôm, cá, cua, ốc… đồng thời không làm ô uế, phóng uế xuống đầu nguồn. Nếu vi phạm con người sẽ bị thần linh trừng phạt bằng cách làm khô nguồn nước, buộc làng phải di chuyển đến nơi cư trú mới…
Người Nùng xã Phúc Sen (Quảng Hòa) rèn nông cụ. |
Từ cách chọn đất ở, đất canh tác và nguồn nước, đồng bào DTTS rất hiểu các sự vật, hiện tượng tự nhiên hình thành tri thức, kinh nhiệm sản xuất và thế giới quan riêng. Mối quan hệ đó thường dựa trên quan niệm thuận theo quy luật tự nhiên. Những kinh nghiệm ấy được duy trì, ứng dụng trong đời sống hằng ngày hình thành nên bề dày tri thức bản địa.
Vì đồng bào DTTS trong vùng CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng sống trên những vùng núi cao nên hầu hết các thực phẩm con người chủ yếu khai thác từ rừng, dựa vào rừng để sinh tồn. Đồng bào DTTS tìm hiểu từng loài vật, loài cây về quá trình sinh trưởng, di cư, nơi phân bố, mùa sinh sản, dấu vết đặc trưng… từ đó có kinh nghiệm đánh bắt khác nhau. Khai thác nguồn lợi từ rừng, đồng bào DTTS hình thành nên kinh nghiệm thuần hóa loài thú hoang trên rừng để phát triển chăn nuôi. Có nhiều loài giống gen tốt được sàng lọc tự nhiên qua hàng nghìn năm nên cho chất lượng thịt rất thơm ngon, bổ dưỡng.
Trong quá trình khai thác những sản phầm từ rừng, các thế hệ đi trước truyền dạy cho lớp trẻ nhiều kinh nghiệm. Đồng bào DTTS biết cách leo núi qua địa hình hiểm trở, quan sát phương hướng không bị lạc trong rừng, hiểu dấu chân từng loài thú để theo dõi, biết cách thu hái cây rừng, biết đặc tính hàng trăm cây thuốc quý dùng để bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh… Đặc biệt, đồng bào DTTS quan niệm rừng được che chở bởi vị thần linh thiêng nên con người có tục lệ thờ thần rừng - “đông Slấn”.
Qua đó thể hiện mỗi cộng đồng dân cư có chung thế giới tinh thần là gắn bó với thiên nhiên. Do vậy, mỗi người dân luôn gắn bó với cộng đồng, có thể hy sinh cho cộng đồng - hiến sinh cho thần linh và rất sợ bị cộng đồng ruồng bỏ. Như vậy, những tri thức bản địa có liên quan đến việc bảo vệ, khai thác rừng giúp chúng ta thấy được vai trò của tri thức bản địa trong việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội ở các vùng đồng bào DTTS.
Bài cuối: Tri thức bản địa độc đáo hình thành văn hóa đa dạng, đặc sắc
Nguồn tin: Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn