Đặc sắc hương vị rau rừng Cao Bằng

Thứ hai - 19/04/2021 11:18
Xuân sang, cây cối đâm chồi, nảy lộc cũng là mùa thu hái các loại rau rừng ở miền non nước Cao Bằng. Những loại rau rừng ở Cao Bằng như: măng, rau ngót, rau dạ hiến (bò khai), rau dớn,… nếu ai đã từng thưởng thức dù chỉ một lần sẽ khó có thể quên được hương vị của những lá, hoa rừng đặc trưng nơi đây.

Măng rừng

Măng rừng Cao Bằng có hai loại là măng đắng và măng ngọt. Cả hai loại đều giòn và vị ngon riêng. Măng rừng được chế biến theo nhiều cách khác nhau như: canh măng vịt, măng xào lá chanh, mang xào lá mác mật, măng nhồi thịt, măng ngâm tỏi ớt…
 

z2412770376327 a672df825c677ed0d567310b1678503b

Rau dạ hiến (bò khai)

Đây là loại rau dại với thân dây rất giòn, mọc trên vùng núi đá. Thân cây có nhiều nhánh, bám theo các cây khác để vươn lên cao đón ánh nắng mặt trời. Rau dạ hiến ngoài có vị ngon, hấp dẫn một cách kỳ lạ còn là vị thuốc bổ thận, mạnh gân cốt.

 

z2412770740626 5694b1623a78cdd0d08a3ea64cf65054

Khi chế biến, chỉ cần xào rau chín tái để không làm mất đi độ giòn và màu xanh tự nhiên. Ngoài ra, rau dạ hiến còn có thể xào cùng mì tôm, phở, hoặc thịt bò,… càng tăng thêm hương vị béo, ngậy, hấp dẫn của rau rừng.

Rau ngót rừng, hoa rau ngót

Rau ngót rừng là loại cây thân gỗ, mọc tự nhiên trên vùng núi đá, cao hơn đầu người cành lá xum xuê. Khoảng tháng 3 và tháng 4 hàng năm là thời điểm thu hoạch của rau ngót rừng và hoa rau ngót. Rau ngót có tác dụng chữa dị ứng, đổ mồ hôi trộm, chứng đái dầm ở trẻ em, lợi tiểu, thông huyết…
 

z2412770543422 934b8d4cefe0a11ced263c8b94583c3a
Rau ngót rừng
z2412770493733 710c01ce9661b993bd959244be4d1741
Hoa rau ngót rừng

Chế biến rau ngót, hoa rau ngót cũng khá đơn giản chỉ cần ngắt phần non, rửa sạch, vò qua và thả vào nồi nước sôi, thêm gia vị sẽ được một bát canh thơm ngon, đậm đà. Ngoài ra, khi nấu canh có thể cho thêm thịt lợn băm, hay tôm, đậu phụ mềm… sẽ khiến bát canh càng trở nên bổ dưỡng và thơm ngon hơn.

Rau dớn

Cây rau dớn thuộc loài dương xỉ, thường mọc ở vùng núi rừng hay bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao, tránh ánh nắng mặt trời. Đặc biệt, rau dớn chỉ thích hợp với môi trường hoang dã nên ít khi trồng được.
 

z2412770896845 bf723934f89c09404fe9c06a8773d093

Rau dớn có tác dụng lợi tiểu, chống táo bón, làm máu lưu thông, giải độc, giải nhiệt trong mùa nắng nóng, chất nhầy trong lá còn có tác dụng nhuận tràng và làm dịu đau lưng. Rau dớn có thể chế biến thành các món ăn như: rau dớn luộc, rau dớn trộn tôm thịt, rau dớn xào, nộm rau dớn… Loại rau với hương vị đặc trưng này sẽ khiến thực khách nhớ mãi không quên.

Tác giả bài viết: Xuân Quỳnh

 Từ khóa: ẩm thực cao bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây