Ấn tượng 3 đột phá chiến lược thay đổi diện mạo Cao Bằng

Cao Bằng đang có những bước chuyển mình tích cực, song hành nhiệm vụ phát triển kinh tế với việc nâng cao đời sống của người dân, đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia.
cb 0
Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng cùng nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc anh em.
cb 1
Từ việc nhận diện rõ những "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển, Cao Bằng đã tập trung cho 3 đột phá về phát triển Du lịch - dịch vụ bền vững; Nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến; Kinh tế cửa khẩu.
cb 2
Phát triển hạ tầng giao thông được ưu tiên hàng đầu. 5 năm qua, tỉnh xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hơn 2.200 km đường giao thông các loại, 47 cây cầu với tổng kinh phí hơn 7.000 tỷ đồng, không chỉ kết nối liên tỉnh mà còn liên huyện, các xã, thôn xa xôi; từ đó liên kết các điểm du lịch và cửa khẩu trên địa bàn, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân.
cb 3
Thành phố Cao Bằng được "khoác áo mới" với nhiều công trình trọng điểm nhằm nâng tầm đô thị trung tâm, như đường phía Nam rộng 58m với 10 làn xe, trụ sở làm việc của khối các cơ quan Đảng, Đoàn thể tỉnh, các dự án khách sạn, kè bờ sông, vườn hoa cây xanh khang trang, sạch đẹp.
cb 4
Tuyến phố đi bộ Kim Đồng, Chợ đêm ẩm thực trở thành điểm nhấn đặc sắc giữa lòng thành phố, thu hút khách du lịch trải nghiệm nét văn hóa bản địa. Đáng chú ý, hơn 7.500 tỷ đồng vốn phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị được Cao Bằng huy động từ nhiều nguồn lực, vốn ngân sách chỉ chiếm 30%.
cb 5
Khu du lịch thác Bản Giốc, Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, động Ngườm Pục, Ngườm Ngao... những điểm đến ấn tượng của Cao Bằng từng bước được nâng cấp hạ tầng du lịch, bắt đầu thu hút các nhà đầu tư lớn đến nghiên cứu, đầu tư.
cb 6
Với vẻ đẹp độc đáo của hệ thống núi đá, dòng thác, hồ nước hoang sơ, hùng vĩ, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2018, mở ra một hướng đi mới cho du lịch Cao Bằng "cất cánh".
cb 7
Sở hữu 3 di tích Quốc gia đặc biệt cùng hàng trăm di tích lịch sử, lễ hội văn hóa đậm đà bản sắc của người Tày, Nùng, H'Mông, Dao..., Cao Bằng đang đẩy mạnh đào tạo nhân lực phục vụ cho du lịch. Hàng nghìn người dân bản địa tham gia tập huấn nhận thức về du lịch, kỹ năng nghiệp vụ lưu trú, hướng dẫn viên,... du lịch cộng đồng, sinh thái trải nghiệm.
cb 8
Giai đoạn 2016 - 2020, lượng khách du lịch đến Cao Bằng đạt trên 5 triệu lượt, tăng gấp đôi so với 5 năm trước, doanh thu du lịch trên 1.200 tỷ đồng. Đời sống người dân ở khu vực nông thôn được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân 17 triệu đồng/người/năm.
cb 9
Nhờ lợi thế đường biên giới trên bộ dài trên 333 km với nhiều cặp cửa khẩu tiếp giáp với thị trường lớn Trung Quốc, Cao Bằng tập trung cho phát triển kinh tế biên mậu, thương mại quốc tế. Cặp cửa khẩu Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc) nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu Tà Lùng được đầu tư hoàn thiện, đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang được xây dựng sẽ tạo bước đột phá để Cao Bằng hình thành trung tâm trung chuyển hàng hóa đi quốc tế thông qua cảng biển Hải Phòng.
cb 10
Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng hiện đã thu hút được 74 dự án đầu tư với số vốn đăng ký gần 37 triệu USD (nước ngoài) và 14.000 tỷ đồng (trong nước). Một nửa số dự án đã đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người dân. Thuế xuất nhập khẩu và phí hạ tầng cửa khẩu 5 năm qua đạt trên 2.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khá trong tổng thu ngân sách của tỉnh.
cb 11
Đột phá chiến lược quan trọng khác của Cao Bằng là Nông nghiệp thông minh. Để phát huy lợi thế của hàng loạt loại cây, con đặc hữu như miến dong Nguyên Bình, hạt dẻ Trùng Khánh, lê Thạch Hãn, quýt Trà Lĩnh; thịt bò, lợn đen... đề án tập trung vào thay đổi phương thức tổ chức, liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao nâng giá trị nông sản.
cb 12
Bên cạnh hoạt động sản xuất quy mô hợp tác xã, nông hộ, Cao Bằng đã thu hút được các dự án lớn, hình thành các vùng sản xuất tập trung, tiêu biểu là Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao có tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng, quy mô đàn bò sữa 10.000 con, nhà máy chế biến sữa công suất 49.000 tấn/năm tại huyện Quảng Hòa.
cb 13
3 đột phá chiến lược đã góp phần giúp Cao Bằng từng bước tháo gỡ 3 điểm nghẽn, nút thắt, đồng thời phát huy 5 lợi thế sẵn có, tạo tiền đề để vùng đất biên cương phía Bắc tiếp tục tiến những bước phát triển tiếp theo./.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây