Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Tết Thanh minh của người Tày, Nùng ở Cao Bằng

Vào dịp đầu tháng ba âm lịch hằng năm, người dân Cao Bằng lại rộn ràng đón Tết Thanh minh. Tết Thanh minh của bà con dân tộc Tày, Nùng ở đây có những nét văn hóa độc đáo khá đặc trưng.
Nguyễn Trung Đức 1
Tết Thanh minh tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng (Ảnh: Fanpage Non nước Cao Bằng)

Tết Thanh minh còn gọi là Tết "bươn slam, so slam", tức mùng 3 tháng ba âm lịch. Tết Thanh minh là dịp con cháu tổ chức tảo mộ cho những người đã chết. Khác với một số dân tộc khác thường tổ chức tảo mộ theo ngày "Thanh minh trong sáng" in trên lịch, bà con dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng lại tổ chức Tết Thanh minh vào đúng ngày mồng 3 tháng ba âm lịch hằng năm.

Bà con dân tộc Tày, Nùng quan niệm, Tết Thanh minh là dịp để những người đã khuất như ông bà, cha mẹ và họ hàng thân thuộc được về gặp mặt con cháu. Khi ấy, con cháu phải đi tảo mộ và có thể cầu khấn để những người đã chết “phù hộ độ trì” cho con cháu dồi dào sức khỏe, công việc làm ăn được hanh thông, thuận lợi.

Nguyễn Trung Đức 2
Không khí tấp nập trong ngày Tết Thanh minh tại các khu mộ. (Ảnh: Fanpage Non nước Cao Bằng)

Thế nên dù đang sinh sống, làm ăn ở khắp muôn nơi mọi miền tổ quốc, những người con của quê hương Cao Bằng đều sắp xếp công việc để về tảo mộ trong dịp Tết Thanh minh tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên. Trong ngày này, tất cả các tuyến đường trong tỉnh đều nhộn nhịp xe cộ, mọi người, mọi nhà tấp nập đi tảo mộ, thắp hương cho tiên tổ tại khu mộ gia đình và các nghĩa trang địa phương

Trong mâm cỗ cúng tổ tiên ngoài mộ của bà con thường có thịt gà, thịt lợn, hương hoa, quả, bánh kẹo, giấy tiền, rượu và một món không thể thiếu là “khẩu nua đăm đeng” (tiếng Tày, Nùng là xôi nếp đỏ, đen). Đây là món xôi nhiều màu sắc đỏ, xanh, đen, tím, vàng... trông rất bắt mắt.

11
Khẩu nua đăm đeng với 3 màu: tím cẩm, đen, vàng rất bắt mắt

“Khẩu nua đăm đeng” được nấu từ gạo nếp cái - thứ gạo hạt căng tròn, trắng bóng được sát từ những bó thóc nếp treo trên gác bếp nhiều tháng trước đó. Ở đây, khi thu hoạch lúa nếp, bà con không tuốt, mà để nguyên bông lúa nếp, đem bó lại treo lên gác bếp, khi chuẩn bị làm xôi mới xát thành gạo. Khi đó, xôi vẫn giữ được hương thơm của gạo mới. Để có được “khẩu nua đăm đeng” (xôi nếp đỏ, đen), nhưng thực ra là có ba màu đến năm màu (xôi ngũ sắc) là một sự kỳ công và sáng tạo được lưu truyền qua nhiều đời. Nấu “khẩu nua đăm đeng” phải qua nhiều công đoạn. Gạo nếp đem ngâm và được nhuộm bằng lá cây rừng và quả tạo nên màu sắc đẹp mắt, ăn ngon nhưng cũng rất an toàn.

     

ảnh 6

      
 

ảnh 4
Ngâm gạo nếp vào nước cây cẩm tím (khẩu cắm), hoa bjoóc phón để tạo màu tím và màu vàng cho xôi

Để nấu được món xôi ngũ sắc này, bà con chủ yếu dùng cây “khẩu cắm” để luộc lấy nước, ngâm gạo đồ xôi. Cây khẩu cắm thường có các màu: tím và đỏ, nhưng màu tím là phổ biến nhất. Ngoài các màu trên, bà con còn lấy nước ép từ nghệ hoặc hoa bjoóc phón để tạo thêm màu vàng; dùng lá cây sau sau để nhuộm màu đen cho gạo. Cùng với phần nếp trắng không nhuộm, mỗi thứ để riêng một góc trong chõ, sau khi đồ sẽ có món “khẩu nua đăm đeng” với năm màu rất đẹp mắt. Ngày nay, người dân ở các huyện và ngay cả thành phố vẫn thường tự mình làm món ăn độc đáo này.

ảnh 5
Gói xôi vào lá chuối để đem đi tảo mộ

Ngày Thanh minh, các gia đình dậy rất sớm để thịt gà, đồ xôi. Xôi chín, đĩa xôi đơm đầu tiên được đặt lên bàn thờ trong nhà thắp hương tổ tiên. Trước khi tảo mộ, các gia đình bày mâm cỗ gồm: gà luộc (nguyên con), trứng luộc, xôi, thịt, rượu, hoa, quả, bánh gai, bánh rợm, bánh ngọt, kẹo và giấy tiền, vàng mã làm lễ khấn các vị thần linh cai quản, trông nom khu vực có phần mộ của gia đình, xin cho con cháu được tảo mộ.

           

ảnh 2

 

ảnh 1
Ở các huyện miền Tây của tỉnh Cao Bằng, bà con còn làm bánh gai, bánh rợm để dâng cúng trong tết Thanh Minh
ảnh 10
Các loại bánh đều được gói bằng lá chuối đảm bảo vệ sinh và mang đậm bản sắc vùng cao
Đức 3
Sau khi tảo mộ xong, nhiều gia đình thường thụ lộc ngay bên phần mộ của tổ tiên. (Ảnh: Fanpage Non nước Cao Bằng)

Phần lớn các ngôi mộ đều đặt trên đồi, núi xa nhà, nên nhiều gia đình thường thụ lộc ngay bên phần mộ của tổ tiên. Mọi người cùng uống rượu và kể cho con cháu chuyện về những người đã khuất, nhắc nhở con cháu chăm chỉ lao động, học tập, để xứng đáng và đền đáp công ơn những người đã khuất.

Hình ảnh các gia đình quây quần bên phần mộ tổ tiên trong Tết Thanh minh của đồng bàoTày, Nùng ở Cao Bằng nói riêng và miền núi phía Bắc nói chung đã tạo nên nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vẫn đang được các thế hệ giữ gìn, phát huy.

 

Tác giả bài viết: Hạ An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây