MỘT NGÀY TRẢI NGHIỆM LÀM CỐM CAO BẰNG
- Thứ tư - 20/10/2021 12:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khi nhắc đến cốm, bất giác trong chúng tôi nhớ ngay đến hương cốm làng Vòng - Hà Nội, nhưng cốm Cao Bằng lại rất khác biệt, bởi được làm ra từ những đôi tay khéo léo của người thiếu nữ Tày thông qua các công đoạn thủ công truyền thống.
Vào tháng 5 âm lịch hằng năm, người dân trồng lúa nếp, đến đầu tháng 9 âm lịch sẽ bắt đầu thu hoạch để làm cốm. Muốn làm được loại cốm ngon, người dân phải thu hoạch khi bông lúa vẫn còn xanh, từng hạt thóc đang độ ngậm sữa. Nếu hạt thóc quá non thì cốm sẽ bị nát trong quá trình giã và ngược lại, nếu để lúa già hạt cốm sẽ bị cứng. Việc thu hoạch lúa nếp về làm cốm không tiến hành đại trà, mà chỉ cắt số lượng lúa đủ dùng. Vì khi gặt lúa về cần tuốt lúa để làm luôn, nếu để qua ngày cốm sẽ bị nhạt đi, không ngon.
Sau khi tuốt lúa, hạt thóc được đem đi rửa sạch và vớt bỏ những hạt lép nổi lên trên mặt nước. Tiếp đó, thóc nếp được cho vào một chiếc nồi to để luộc đến khi hạt thóc chín đề
Khi hạt thóc đã chín, người ta gạn hết nước rồi mang hạt đi rang, mỗi mẻ rang khoảng 30 phút.
Sau khi rang, thóc được sàng sẩy cho sạch và cho vào cối giã khoảng 30 phút mỗi mẻ.
Giã xong, những người phụ nữ sẽ sảy cho bay vỏ trấu rồi lại giã tiếp và sảy lại. Khoảng 3 - 4 lần như thế, vỏ trấu bay hết, chỉ còn lại những hạt cốm dẹp, mỏng, dẻo thơm, xanh nguyên màu lúa non.
Từ những hạt cốm mang đậm hương vị của trời đất, người phụ nữ Tày đã khéo léo chế biến ra nhiều món ăn khác nhau như: xôi cốm, chả cốm, bánh cốm coóc mò…
Trong những ngày thu, du khách đến trải nghiệm miền non nước Cao Bằng sẽ còn gì thú vị hơn khi được thưởng thức hương vị dẻo, dai, thơm ngọt của cốm làm từ lúa nếp non.