Du lịch ẩm thực (food tourism) là loại hình du lịch kết hợp giữa nhu cầu trải nghiệm việc thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương và tham quan các địa danh du lịch trên hành trình khám phá các điểm đến của du khách. Ẩm thực không chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ khâu ăn uống đơn thuần của du khách, mà còn được xác định là một trong những mục đích chính của các chuyến du lịch.
Theo báo cáo toàn cầu về du lịch ẩm thực của Tổ chức Du lịch thế giới, du khách thường chi trung bình 1/3 ngân sách chuyến đi cho ẩm thực. Đồng thời, hơn 80% số đơn vị, tổ chức du lịch khi được điều tra đều xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến, là động lực quan trọng cho phát triển du lịch.
Bên cạnh việc mang đến những trải nghiệm vị giác khác lạ, ẩm thực còn giúp du khách cảm nhận được nét văn hóa bản địa đặc sắc của từng vùng, miền, địa phương, từ đó tăng cường ấn tượng về điểm đến. Du lịch ẩm thực là cơ hội lớn để thúc đẩy kinh tế địa phương và đất nước, tạo điều kiện gia tăng chuỗi giá trị trong nông nghiệp, sản xuất chế biến thực phẩm, đồng thời giữ gìn và quảng bá văn hóa quốc gia ra thế giới…
Những năm qua, nền ẩm thực truyền thống của các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã làm say lòng bao khách du lịch trong và ngoài nước. Nhiều món ăn, đồ uống nổi tiếng của Cao Bằng như: bánh cuốn, bánh khẩu sli, bánh khảo, bánh áp chao, lợn sữa quay, vịt quay bảy vị, lạp sườn hun khói, xôi trám đen, xôi ngũ sắc, thạch đen sương sáo, thạch trắng mác púp, chè Phja Đén, rượu táp ná,… đã được các tạp chí du lịch, ẩm thực, kênh truyền thông trong nước khen ngợi. Không chỉ đa dạng, hài hòa, mang đặc trưng miền núi, dễ thưởng thức mà ẩm thực Cao Bằng còn chứa đựng tính nghệ thuật cao, thể hiện sự khéo léo, tinh tế trong chế biến.
Bên cạnh đó, Cao Bằng đã và đang chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng với các cơ sở dịch vụ homestay, đây là loại hình du lịch có mối quan hệ tương hỗ, gắn kết với du lịch ẩm thực vùng miền, địa phương. Bởi thế, Cao Bằng cần phát huy những điều kiện này để phát triển thương hiệu du lịch “Non nước Cao Bằng” một cách bền vững trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hiện nay, du lịch ẩm thực mới chỉ bắt đầu được phát huy ở một số địa phương là trọng điểm du lịch như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hội An (Quảng Nam),… Tỉnh Cao Bằng dù giàu tiềm năng vẫn lúng túng và gặp khó khăn trong phát triển du lịch ẩm thực. Nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế về kiến thức ẩm thực nên cũng khó để xây dựng được những sản phẩm thật sự hấp dẫn. Các công ty du lịch trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng tour khám phá ẩm thực cho du khách (chẳng hạn như: đưa khách đi cùng đầu bếp hoặc dân bản địa ra chợ, đến các nông trại để chọn thực phẩm, cùng tham gia vào quá trình chế biến; tổ chức các lớp học nấu ăn ngắn hạn với sự hướng dẫn của các đầu bếp hoặc dẫn khách tới những khách sạn, nhà hàng lớn trải nghiệm món ăn theo yêu cầu…)
Ðối với hình thức du lịch này, đòi hỏi từ người xây dựng tour tới người dẫn tour, hướng dẫn viên đều phải am hiểu về ẩm thực và văn hóa ẩm thực mới có thể mang đến những trải nghiệm giá trị cho du khách.
Du lịch ẩm thực không chỉ đơn giản là để du khách được thưởng thức những món ăn, đồ uống ngon, độc đáo, mà còn cung cấp những trải nghiệm, khám phá về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của điểm đến gắn với từng món ăn, đồ uống đó. Bởi vậy, việc xây dựng những sản phẩm du lịch ẩm thực có thể liên kết theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn để khách du lịch có được những trải nghiệm thực tế sinh động. Không chỉ dừng lại ở đó, những người làm du lịch cần quan tâm chia sẻ với du khách về không gian, văn hóa ứng xử trong ẩm thực theo truyền thống của người dân bản địa, từ đó nâng hành trình khám phá du lịch ẩm thực lên một tầm cao mới, cũng là để quảng bá nét đẹp văn hóa ẩm thực Non nước Cao Bằng.
Nhiều món ăn nổi tiếng của Cao Bằng gắn với văn hóa ẩm thực đường phố như: áp chao, bánh cóng phù, bánh cuốn, thạch… và phần lớn du khách đều muốn khám phá nét văn hóa này. Bởi vậy, cần bảo đảm vệ sinh, an toàn trong lựa chọn, chế biến, cung cấp thực phẩm, đây là yếu tố hàng đầu để phát triển du lịch ẩm thực. Và để thực hiện điều này cần sự phối hợp của nhiều cấp, ngành liên quan.
Bên cạnh đó, khâu quảng bá, xúc tiến du lịch ẩm thực có vai trò đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở rà soát, hệ thống hóa những món ăn tiêu biểu, đặc trưng có khả năng tích hợp đưa vào xây dựng sản phẩm du lịch, ngành du lịch tỉnh cần có chiến dịch quảng bá rộng rãi về văn hóa ẩm thực địa phương đến với các tỉnh bạn và thế giới thông qua những sự kiện du lịch, văn hóa ẩm thực được tổ chức trong và ngoài nước. Ðây cũng là cách để Cao Bằng từng bước khai thác thành công chuỗi giá trị từ sự kết hợp giữa du lịch, văn hóa và ẩm thực./.
Tác giả bài viết: Hồng Son
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn