Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khảo sát các điểm di sản độc đáo tại Cao Bằng

Từ ngày 05 đến 08/8/2024, đoàn khảo sát đến từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch khảo sát thực tế các điểm di sản thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, nhằm đánh giá tiềm năng và xây dựng các sản phẩm du lịch mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận vào năm 2018, nổi bật với hệ thống địa hình karst độc đáo, cùng với đó là những giá trị văn hóa, lịch sử và đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Trong chuyến khảo sát lần này, đoàn đã đến thăm và nghiên cứu nhiều điểm di sản, tiêu biểu như:

Nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi (huyện Hà Quảng): với hoa văn độc đáo và màu sắc tự nhiên, nghề dệt thổ cẩm Luống Nọi không chỉ là một di sản văn hóa quý báu mà còn góp phần hình thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

z5714710440293 5f747b1914b100f537e197153fce606b
Đoàn nghiên cứu khảo sát nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Tày ở xóm Luống Nọi, xã Đào Ngạn, huyện Hà Quảng.

Điểm hóa thạch Cúc đá Lũng Luông (huyện Hà Quảng): đây là một địa điểm khảo cổ học quan trọng, chứa đựng nhiều thông tin quý giá về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Cao Bằng. Hóa thạch Cúc đá cũng là một minh chứng khẳng định Cao Bằng từng là vùng biển trong quá khứ.

Quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (huyện Hà Quảng): nơi gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn (1941-1945), Pác Bó luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

z5714710318372 d847b445304b42cb28c334c96d900afe
Đoàn nghiên cứu khảo sát Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó

Điểm di sản Mắt Thần Núi (huyện Trùng Khánh): ngoài sự hùng vĩ của ngọn Núi Mắt Thần, xung quanh còn có hệ thống 36 hồ lớn nhỏ thông nhau, tạo nên hiện tượng khi đầy – khi vơi. Hiện tượng địa chất độc đáo này tạo nên một vẻ đẹp kỳ ảo, thu hút sự tò mò của du khách.

Động Ngườm Ngao nhánh Bản Thuôn, thác Bản Giốc và phụ cận (huyện Trùng Khánh): những kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng này luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến với Cao Bằng.

z5714710018985 0f31a792deaddc4eb8782823541bdc7c
Đoàn nghiên cứu khảo sát  động Ngườm Ngao nhánh Bản Thuôn – điểm di sản được mệnh danh là “Mê cung ảo diệu”.
z5714710035933 4e57bf2943b1b4a1300c15e69d0b3fb7
Đoàn nghiên cứu khảo sát thác Bản Giốc – điểm di sản được mệnh danh là “Tuyệt tác của thiên nhiên”.

Làng đá cổ của người Tày ở Khuổi Ky (huyện Trùng Khánh); làng đá cổ của người Tày ở Nà Vị, bản Rạc – nơi có hồ nước ngọt và những nhà sàn cổ (huyện Hạ Lang): với kiến trúc độc đáo và lối sống truyền thống, làng đá Khuổi Ky và xóm nhỏ ở bản Rạc là một điểm đến văn hóa vô cùng đặc sắc.

z5714710335826 40dcbff7b3aaf7202f35574fc2402b4c
Đoàn nghiên cứu khảo sát làng đá cổ Nà Vị - làng có những ngôi nhà sàn đá có độ tuổi từ 100 – 150 năm.
z5714709223933 bd1f622842a75f81c555d29060306797
Đoàn nghiên cứu khảo sát kiến trúc độc đáo của khu nhà sàn cổ 9 gian tại huyện Thạch An
z5715147621902 e6a4704a051f2e7ae38d4d4ceea74a4d
Đoàn nghiên cứu khảo sát tiềm năng phát triển du lịch tại bản Rạc, xã Cô Ngân, huyện Hạ Lang.

Chùa Sùng Phúc (huyện Hạ Lang), khu di tích đồn Đông Khê (huyện Thạch An): những di tích lịch sử và văn hóa mang đậm dấu ấn của thời gian, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của Cao Bằng.

z5714709445170 f01459294afe9593ccdee732e3e3c807
Đoàn nghiên cứu khảo sát chùa Sùng Phúc huyện Hạ Lang – nơi thờ phụng vi đồ Nguyễn Thị Duệ - nữ tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, đỗ đạt tại Trường Quốc học Bản Thảnh Cao Bằng (triều nhà Mạc).
z5714709704474 c5d739aa61c81e837cd3e3f31daf1654
Đoàn nghiên cứu khảo sát di tích cứ điểm Đồn Đông Khê thuộc huyện Thạch An.

Ngườm Pục là một hang nằm sâu trong dãy núi đá giáp ranh giữa xã Lê Lợi của huyện Thạch An (Cao Bằng) và xã Quốc Khánh (huyện Tràng Định, Lạng Sơn) – điểm di sản có tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm. Hang sâu và rộng, trải dài với hệ thống nhũ đá nguyên sơ và rất đẹp nhưng chưa được đưa vào khai thác phục vụ khách tham quan

z5714710349111 7da7a99679edfa6b55fbde834baa863d
Đoàn nghiên cứu khảo sát Ngườm Pục – hang động có hệ thống nhũ đá nguyên sơ.

Qua chuyến khảo sát, đoàn đã đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Với sự đa dạng về loại hình di sản, từ địa chất, lịch sử, văn hóa đến thiên nhiên, Cao Bằng hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Chuyến khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam tại Cao Bằng đã mở ra những triển vọng mới cho ngành du lịch của tỉnh. Trong thời gian tới, với sự tiếp tục quan tâm của các cấp chính quyền, sự đầu tư của doanh nghiệp và sự tham gia của cộng đồng, hứa hẹn Cao Bằng sẽ ngày càng khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Tác giả bài viết: Hoài Niệm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây