Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Trekking - loại hình du lịch khám phá mới lạ tại Cao Bằng

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, cùng địa hình đồi núi hiểm trở, chia cắt phức tạp, nhiều suối thác, hang động… Cao Bằng rất có tiềm năng và lợi thế phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm, đặc biệt là trekking (đi bộ khám phá), tạo cho du khách những trải nghiệm thật sự thú vị về thiên nhiên, văn hóa bản địa.
Van Dinh
Trekking là loại hình du lịch mạo hiểm thu hút đông đảo giới trẻ, nhất là những người ưa khám phá. Trèo đèo, lội suối, leo núi trên chính đôi chân của mình, sẵn sàng vượt qua chướng ngại chính là nét độc đáo của trekking. Không chỉ đơn giản là một chuyến du lịch dã ngoại đơn thuần dựa trên lộ trình có sẵn, với trekking du khách sẽ phải tự tìm cách đi và mang vác đồ đạc, vật dụng cần thiết trong suốt chặng đường. Những chuyến trekking thường kéo dài vài tiếng đồng hồ, có thể từ 1 ngày đến vài ngày, thậm chí cả vài tuần, vài tháng, băng qua nhiều địa hình khác nhau. Những chặng đường đi trekking thường rất hoang dã nhưng đầy bất ngờ. Trekking không chỉ giúp rèn luyện thân thể dẻo dai, thỏa mãn cảm giác chinh phục cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mà còn được hòa mình vào đời sống sinh hoạt, văn hóa của bà con mỗi nơi mình dừng chân. Bên cạnh đó, du khách sẽ được rèn luyện thêm kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần tương trợ, hỗ trợ nhau trên suốt chặng đường đi. Đó là những trải nghiệm tuyệt vời mà không phải ở đâu và loại hình du lịch nào cũng mang lại. 
Thời gian gần đây, các bạn trẻ đã tìm thấy ở Cao Bằng rất nhiều điểm đến mới giàu tiềm năng du lịch, thích hợp cho những chuyến trekking. Chiêm ngưỡng mùa vàng lúa chín từ đỉnh núi Ngọc Côn (Trùng Khánh), lên đỉnh Phja Oắc (Nguyên Bình) săn mây, đón bình minh bên cây cô đơn sườn núi Pắc Kinh (Hà Quảng)… rồi cắm trại đêm khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén, khám phá núi “mắt thần” - thác Nặm Trá ở “Tuyệt tình cốc” (Trà Lĩnh), đến núi Báo Đông (Thạch An) cao gần 1.000 m, thăm di tích Đài quan sát Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới năm 1950… Hình ảnh hoàng hôn trên đèo Mã Phục hay đèo 15 tầng quanh co uốn lượn ở Xuân Trường (Bảo Lạc), những nhũ đá lấp lánh kỳ ảo trong hang động Ngườm Pục (Thạch An), đồi cỏ Phiêng Mường (Bảo Lâm) bao la, xanh mướt… Những địa danh ấy không hề xa lạ với người Cao Bằng, nhưng khi nhìn những tấm hình được đưa lên mạng, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi quá đẹp. Đó là lời mời gọi đầy ngọt ngào với những du khách thích phiêu du. Từ Đông sang Tây, bất cứ nơi nào trên mảnh đất Cao Bằng cũng có những kiệt tác thiên nhiên kỳ thú, phong cảnh thơ mộng, hữu tình. Hơn nữa, Cao Bằng với đặc trưng là nơi có cộng đồng nhiều dân tộc thiểu số cùng chung sống, mỗi bản làng đều có nét văn hóa độc đáo riêng, đặc sắc từ không gian kiến trúc nhà sàn, trang phục thổ cẩm, tín ngưỡng lễ hội, ẩm thực miền sơn cước…
Chị Nông Ngọc Diệp, ở huyện Trà Lĩnh, nữ “phượt thủ” đã có kinh nghiệm nhiều lần trekking, đã kể cho chúng tôi nghe về chuyến trekking mà như lời chị nói đó là một hành trình khám phá để lại nhiều ấn tượng nhất: Chuyến trekking chinh phục núi Pắc Kinh (xã Vần Dính, Hà Quảng) được 6 người khởi hành từ 6 giờ sáng, khi bình minh còn chưa ló dạng, sương sớm bao phủ khắp chốn. Sau khi vượt qua quãng đường 48 km từ thành phố Cao Bằng đến xóm Nà Chang (thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng) khá dễ dàng, tôi cùng những người bạn của mình chính thức bắt đầu cuộc hành trình đầy thử thách. Có lên đỉnh núi mới thấy tuyệt vời, bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết, ai nấy trong đoàn cũng cảm thấy phấn khích, có một cảm giác sảng khoái khó tả.
Có thể nói, điểm đến Cao Bằng là nơi hội tụ của đất trời, khí hậu và văn hóa con người, vì vậy du lịch trekking ở đây là lựa chọn cực kỳ lý tưởng cho du khách.
Nguồn: baocaobang.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây