Trải nghiệm xứ sở thần tiên của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng
- Chủ nhật - 30/07/2023 15:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Điểm tham quan Thác Bản Giốc thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Theo UBND huyện Trùng Khánh, ngay sau khi được chọn làm các điểm di sản nằm trong tuyến du lịch trải nghiệm phía Đông của tỉnh, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện về giá trị của các di sản địa chất, văn hóa, đa dạng sinh học trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, huyện có 8 điểm di sản nằm trong tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở Xứ sở thần tiên” (Experience Traditional cultures in a wonderland) gồm: Điểm di sản cảnh quan Thoong Gót (điểm số 37); Vườn dẻ (điểm số 38); Homestay ngựa Nùng (điểm số 39); Cọn nước (điểm số 40); Làng đá Khuổi Ky (điểm số 41); Trung tâm thông tin CVĐC (điểm số 42); Động Ngườm Ngao (điểm số 43); Thác Bản Giốc (điểm số 44).
Trên Trang thông tin điện tử của huyện thường xuyên đăng tải những thông tin liên quan về hoạt động du lịch cũng như tầm quan trọng ý nghĩa của việc xây dựng du lịch cộng đồng... Hệ thống phát thanh cơ sở tại các xóm, xã đẩy mạnh tuyên truyền về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Các cơ quan chuyên môn của huyện nghiên cứu, lên phương án khảo sát các điểm thích hợp có cảnh quan thiên nhiên đẹp, vùng kinh tế nổi bật để có cơ sở quy hoạch xây dựng, đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch… Đồng thời, huyện xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng tại các điểm du lịch, khu di tích và các vùng có tiềm năng khai thác du lịch…Đến nay, tại các điểm di sản nói trên, bãi đỗ xe, đường đi quan sát địa chất, cảnh quan, nhà chòi đều được đầu tư xây dựng kiên cố, tạo thuân lợi cho du khách đến tham quan trải nghiệm.
Là địa phương có tỷ lệ người DTTS chiếm 95% dân số toàn huyện, mỗi dân tộc có lịch sử phát triển riêng, có ngôn ngữ riêng, có những hoạt động kinh tế, những nét đặc trưng văn hóa độc đáo riêng biệt, tạo nên bức tranh văn hóa dân tộc đa dạng và phong phú. Nên việc bảo tồn văn hóa truyền thống luôn được địa phương chú trọng thực hiện dưới nhiều hình thức. Theo bà Chu Thị Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, việc quản lý và xây dựng cơ sở vật chất tại các điểm di sản trên địa bàn huyện hiện được địa phương tích cực thực hiện. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư hạ tầng tại các điểm khai thác du lịch trong khu vực Công viên địa chất và mô hình du lịch cộng đồng còn thấp, các sản phẩm du lịch còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát,… nên việc kêu gọi đầu tư chưa đạt hiệu quả cao. Thời gian tới, huyện tiếp tục xúc tiến triển khai các mô hình du lịch cộng đồng, các điểm dừng chân đã xây dựng để vận hành hiệu quả các điểm di sản.
Tuyến tham quan “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” về phía Đông thực sự sẽ là điểm nhấn đối với du khách. Bên cạnh cảnh quan karts trưởng thành và già độc đáo cùng với các điểm du lịch nổi tiếng, du khách có dịp đến với các làng nghề truyền thống, nổi tiếng như: làng rèn Phúc Sen, làng đá Khuổi Ky, làng hương Phja Thắp, làng bánh khảo Cáp Tao, Phi Hải cùng hàng chục lễ hội dân gian như: pháo hoa Quảng Uyên, Nàng Hai Phục Hòa, lồng tồng của người Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ...
Làng đá Khuổi Ky là một trong những điểm đến trải nghiệm văn hóa bản địa thú vị cho du khách.
Là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc Tày, Nùng, vùng đất Trùng Khánh còn được biết đến với các làn điệu dân ca đặc trưng như: Hát then - đàn tính, lượn then, lượn Slương, lượn Cọi, lượn Nàng ới, Phong slư, Pựt lằn, Xà xá, Dá Hai, Hà Lều, Sli Giang... Đó là tài sản văn hóa vô giá, ẩn chứa những trầm tích giá trị văn hóa truyền thống trong nhân dân. Giữa trùng điệp núi rừng, thác nước, những nghệ sĩ của bản làng trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày với tiếng hát then dìu dặt cùng âm thanh sôi nổi, đặc trưng của cây đàn tính đã mang đến cho du khách cảm giác lạ lẫm, thích thú. Đặc biệt du khách được thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc mang đậm hương sắc vùng cao, như: thịt lợn ướp bột gạo chua, lạp xường hun khói, thịt nướng, chả cuốn, vịt quay, lợn sữa quay nhồi lá mác mật vàng rộm, xôi ngũ sắc... Hoặc các món ăn được khéo léo kết hợp nguồn gia vị thực phẩm phong phú sẵn có của núi rừng đặc sắc như ong đất xào măng, lẩu cá chua, xôi trám đen, rêu đá Tầu Quầy xào.
Cuộc sống dân dã, thanh bình hòa quyện trong khung cảnh trời mây, non nước sẽ khiến du khách muốn tận hưởng trọn vẹn cảm xúc để thư giãn hòa mình trong những giây phút yên bình, hiếm hoi ở “xứ sở thần tiên”. Tuyến trải nghiệm này được thiết kế 1 - 2 ngày hoặc có thể kéo dài hơn tùy nhu cầu, chắc chắn đây là một trong những chuyến tham quan đáng nhớ trong lòng mỗi du khách ghé thăm.