Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Trải nghiệm nặn tò he tại Phố đi bộ Kim Ðồng

Vào mỗi dịp cuối tuần, tại một không gian trên Phố đi bộ Kim Ðồng (Thành phố), chúng ta có thể trực tiếp trải nghiệm trò chơi dân gian nặn tò he theo mẫu hoặc tùy theo trí tưởng tượng, sáng tạo.
tò he 1
Trải nghiệm nặn tò he tại Phố đi bộ Kim Đồng (Thành phố) thu hút các em nhỏ tham gia.
Cuối tuần, người ta lại thấy quầy tò he đủ màu sắc xuất hiện trên Phố đi bộ Kim Đồng. Nét văn hóa tưởng chừng đã mai một bỗng sống lại giữa đường phố tấp nập. Bên cạnh việc bán tò he, tại quầy còn bán nguyên liệu cho khách hàng tự ngồi nặn. Mỗi đĩa nguyên liệu tò he có giá 20 nghìn đồng, gồm các màu cơ bản đủ để nặn vài chiếc tò he, có thể nặn theo mẫu được bày sẵn tại các gian hàng. Dễ nhất là nặn bông hoa còn cầu kỳ hơn là các nhân vật hoạt hình. Với từng bước được thực hiện tỉ mỉ, ở mỗi bước, các bạn trẻ học hỏi thêm những giá trị văn hóa của thứ quà bình dị với tuổi thơ nhiều thế hệ.

Trên thực tế, hoạt động tự nặn tò he đã xuất hiện ngay từ khi phố đi bộ hoạt động trở lại sau một thời gian dài tạm dừng vì dịch Covid-19, cùng với các trò chơi dân gian ô ăn quan, nhảy dây..., nhằm quảng bá và lưu giữ những giá trị văn hóa Việt.
 

tò he 2
Tò he mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Tò he trước đây thường được gọi là con giống bột, hay chim cò, là một món đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam từ xa xưa. Ban đầu, chúng thường được dùng trong việc cúng lễ, bởi thường có hình thù các con vật như gà, trâu, bò, lợn, cá. Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là "con bánh" vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Những chiếc tò he dường như cũng "hòa nhịp" với cuộc sống đương đại. Sản phẩm dưới bàn tay của các nghệ nhân hôm nay là tò he thủy thủ mặt trăng, siêu nhân, các nhân vật hoạt hình.

Đã có một thời gian, tò he tưởng chừng như bị mai một, lãng quên do không cạnh tranh được với những món đồ chơi nước ngoài vừa hiện đại, bền đẹp, đa dạng về mẫu mã, màu sắc. Tuy nhiên giờ đây, chúng như được sống lại bởi những hoạt động đến gần hơn với du khách, đặc biệt là những người trẻ.

Chị Bùi Thu Hằng, xã Vĩnh Quang (Thành phố) chia sẻ: Cuối tuần, tôi cùng gia đình đến Thành phố trải nghiệm phố đi bộ và rất bất ngờ khi có cả bột nặn tò he. Tò he là một phần tuổi thơ của tôi, chính vì vậy khi các con có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu văn hóa xưa tôi thấy rất ý nghĩa. Vừa ngồi nặn tò he, vừa tận hưởng không khí phố đi bộ là trải nghiệm rất vui.

Chị Lục Thị Liên, chủ quầy hàng tò he tại Phố đi bộ cho biết: Đưa tò he ra phố đi bộ, tôi bất ngờ khi sản phẩm được mọi người đón nhận nhiệt tình. Nhiều người thích thú, du khách nước ngoài trầm trồ với hình ảnh tò he ngộ nghĩnh trên sạp hàng. Công đoạn nặn tò he, quan trọng là kỹ thuật luộc bột. Mùa đông phải làm bột dẻo hơn mùa hè, gạo phải chọn gạo nếp dẻo, nếp cái hoa vàng thì chất lượng hàng tốt và dễ làm hơn. Ngày xưa, các cụ sử dụng màu từ vật liệu tự nhiên như màu đỏ từ quả gấc, màu vàng từ củ nghệ, màu xanh từ lá rau ngót... Bây giờ, công nghệ phát triển, chúng tôi lấy màu thực phẩm làm bánh pha chế vào sẽ thuận tiện hơn, màu sắc cũng tươi, đẹp và để được lâu hơn.

Cách kinh doanh mới mẻ này thu hút rất nhiều gia đình, trẻ em và học sinh. Ai nấy đều muốn thử một lần tự tay nặn ra những món đồ lưu niệm xinh xắn. Nhiều bạn trẻ tham gia trải nghiêm tự nặn tò he đều thấy rất thú vị và yêu thích hoạt động này. Không chỉ giúp thư giãn, giải trí, tự tay làm nên những sản phẩm dành tặng bạn bè, gia đình, mà còn hiểu thêm về những giá trị của món đồ chơi truyền thống xưa. Từ đó, tiếp thêm động lực để những người trực tiếp truyền lửa và gìn giữ những nét đẹp nghệ thuật dân gian Việt Nam khỏi mai một.

Nguồn tin: baocaobang.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây