Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Tới thăm làng hương Phja Thắp

Khi nhắc đến làng nghề làm hương truyền thống của người Nùng ở Cao Bằng, ai cũng biết đến làng Phja Thắp tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa. Làng Phja Thắp nằm ven quốc lộ 3, cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 26km. Đến thăm làng nghề trong một ngày đẹp trời, tôi thấy người dân nơi đây từ già đến trẻ ai cũng đang miệt mài làm hương để chuẩn bị sản phẩm cho nhu cầu thị trường trong những ngày sắp tới.

Phja Thắp là một làng du lịch cộng đồng có hơn 50 hộ người dân tộc Nùng, được nhiều du khách biết đến vì vẻ đẹp nguyên sơ với nếp nhà sàn truyền thống. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây có thêm nghề làm hương truyền thống từ lâu đời. Dạo quanh một vòng trong làng, thấy gia đình nào cũng đang làm hương, điểm đặc biệt là từ người già, người trẻ, cho đến các bạn nhỏ ai cũng có thể tham gia vào công việc này.


Theo tìm hiểu, muốn làm ra sản phẩm hương hoàn chỉnh cần trải qua khá nhiều công đoạn. Đầu tiên, để làm thân hương, người dân lấy cây mai hoặc cây tre (thường là cây mai vì có đặc tính dễ bắt lửa) cắt khúc khoảng 40cm rồi chẻ ra thành que nhỏ, vuốt trơn. Lá cây bầu hắt mọc tự nhiên trên rừng được sử dụng để làm chất kết dính, người dân đem về phơi khô rồi tán nhỏ. Còn bột hương có lẽ là quan trọng nhất vì nó quyết định chất lượng của hương. Gỗ được người dân mua ở các xưởng mộc hoặc gỗ thông mục đem nghiền nát để làm chất tạo màu, trầm hương cũng được nghiền nát và phơi khô.

 

làng nghề Phja Thắp vào mùa 1

Hương thành phẩm được phơi trên sân chờ ngày chợ phiên.

Từng bó que được nhúng vào nước tạo độ ẩm, rồi lăn qua bột cây bầu hắt để tạo chất kết dính, tiếp đó là lăn qua bột hương và cứ thế lặp lại bốn lần. Công đoạn này trông đơn giản nhưng thật sự cũng cần có độ khéo léo nhất định, vì chỉ cần lỡ tay nhúng nhiều chất kết dính quá, hoặc dính nhiều bột quá thì que hương sẽ không đồng đều hoặc không chắc chắn. Những bó hương sau khi tẩm xong được đem ra phơi khô. Nếu ngày nắng chỉ cần một ngày là hương khô, những ngày âm u thì mất khoảng ba ngày. Những que hương hoàn thiện được nhuộm chân hương màu đỏ phơi đều trên sân trông rất đẹp mắt, chính vì thế mà làng hương cũng là nơi thu hút các nhiếp ảnh gia đến để chụp lại những khoảnh khắc đẹp của làng nghề.

Đến thăm nhà bạn trẻ Hoàng Văn Giáp, dù năm nay chỉ mới 24 tuổi, nhưng thao tác làm hương của bạn rất nhanh nhẹn, có lẽ vì đã quen thuộc với công việc này. Giáp nói: Ngày xưa, các cụ làm hương vất vả vô cùng, do chưa có nhiều máy móc hỗ trợ, để có mùn cưa làm bột hương phải đập thủ công rất vất vả. Bây giờ hiện đại hơn, có máy móc, có xe để vận chuyển nguyên liệu, đường đi dễ hơn. Từ nhỏ, mình đã giúp bố mẹ làm hương rồi, vì làm cũng dễ thôi nhưng công đoạn dính bột hương thì cần thời gian để quen mới làm được. Lá cây bầu hắt ngày càng khó kiếm vì cây này mọc tự nhiên mà khai thác nhiều nên nó mọc cũng không kịp. Cây mai cũng khó mua hơn nên phải đi tìm ở huyện khác mới mua được.

làng nghề Phja Thắp vào mùa 2

Bạn Hoàng Văn Giáp đang thực hiện công đoạn xếp hương thành bó để chờ mang đi chợ bán.

Vừa trò chuyện vừa trải nghiệm làm hương trước ngôi nhà sàn được sơn đẹp và khá khang trang nhưng vẫn giữ nguyên vẻ truyền thống, tôi bâng khuâng nhận thấy đời sống của người dân trong làng đang dần đổi thay. Hầu hết những ngôi nhà sàn ở đây đều có sân, dưới sàn là nơi để xe, dụng cụ nông nghiệp và đặc biệt có nơi riêng biệt để làm hương. Tại đây, nghề làm hương truyền thống của người Nùng vẫn duy trì và phát triển, đem lại thu nhập cho người dân, cung cấp số lượng lớn hương cho thị trường trong và ngoài tỉnh để phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh. Không những vậy, những ngôi nhà sàn truyền thống cũng là điều du khách yêu thích khi đến Phja Thắp để trải nghiệm, khám phá làng nghề.

Tác giả bài viết: Văn Tiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây