Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Tết ở Làng du lịch cộng đồng Phja Thắp

Khi những cánh hoa đào, hoa mận, hoa lê bung nở đung đưa trong gió cũng là lúc hơn 50 hộ dân tộc Nùng An ở Làng du lịch cộng đồng (DLCĐ) Phja Thắp, xã Quốc Dân (Quảng Uyên) rộn ràng đón Tết. Người dân nơi đây đón Tết cổ truyền với nhiều phong tục độc đáo, thể hiện nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc.
Vẻ đẹp Làng du lịch cộng đồng Phja Thắp, xã Quốc Dân (Quảng Uyên).

NƠI GIỮ CHO TẾT THÊM THƠM, THÊM ẤM

Khác với các xóm, làng khác ở Cao Bằng, làng Phja Thắp có nghề làm hương truyền thống nên ngay khi bước vào những ngày cuối đông cũng là lúc người làm hương ở đây nhộn nhịp nhất trong năm. Ai cũng chạy đua với thời gian để kịp sản xuất ra những bó hương thơm nồng cung cấp cho thị trường ngày Tết. Do đó, không khí đón Tết luôn đến sớm hơn các xóm, làng khác trên địa bàn tỉnh.

Thăm nhà bà Hoàng Thị Bày, xóm Phja Thắp, thấy bà đang phơi cây bầu hắt (một loại cây rừng mọc tự nhiên bên những vách đá ở chân núi được bà con thu hái về phơi khô, tán nhỏ dùng làm chất keo kết dính tự nhiên để làm hương), còn chồng bà Bày đang chẻ cây mai làm que hương; con gái phơi những que hương vừa làm xong… Bà Bày chia sẻ: Nghề làm hương được làm xuyên suốt quanh năm nhưng dịp Tết nhu cầu tăng cao hơn nhiều, vì vậy, những ngày cuối năm, các gia đình trong xóm đều làm hương từ sáng đến tối nhưng không hết việc. Đây là dịp các gia đình làm hương kiếm thêm thu nhập chuẩn bị đón một cái Tết đầy đủ, no ấm.

Để có những bó nhang tỏa hương trong các gia đình vào ngày Tết cổ truyền dân tộc, người dân làng Phja Thắp bằng sự cần cù, khéo léo và đúc kết kinh nghiệm lâu đời đã tạo nên cây hương rất đặc trưng từ cây cỏ thiên nhiên và dược liệu quý. Với số lượng hương được làm rất nhiều nên bà con nơi đây cũng sáng tạo ra nhiều cách để phơi khi có nắng, như: Tạo từng lỗ nhỏ ngay dưới đất ruộng để cắm hương xuống phơi; cắm vào các đoạn ống nhỏ bằng tre hoặc xi măng… Từng que hương xòe ra như những bông hoa hòa với màu xanh của đồi núi, rừng cây, màu ngói các ngôi nhà sàn tạo nên khung cảnh nên thơ và thanh bình.

Người dân xóm Phja Thắp vệ sinh đường làng, ngõ xóm chuẩn bị đón Tết.

Các công đoạn làm nên que hương không quá khó, quá cầu kỳ nhưng để cây hương khô, đẹp và giữ nguyên mùi hương thì lại phải làm từ kinh nghiệm, cái tâm của người làm nghề. Có lẽ vì thế mà hương của làng Phja Thắp dẫu đã qua bao nhiêu biến đổi của thời gian mà vẫn giữ cách làm theo thủ công để tạo dựng chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, được khách hàng ưa chuộng tìm mua, khiến số lượng hương của làng Phja Thắp ngày càng tăng mà không đủ bán. Nhất là trong dịp Tết, mọi người đều chuộng sử dụng nhang truyền thống, ai cũng muốn có bó hương làng Phja Thắp để thắp lên bàn thờ tổ tiên, cho Tết thêm thơm, thêm ấm.

Nghề làm hương truyền thống lâu đời được lưu giữ tại Phja Thắp không chỉ giúp đời sống gia đình của các hộ dân trong làng ngày càng ổn định mà còn trở thành nét độc đáo rất riêng khi du khách đến trải nghiệm tại Làng DLCĐ Phja Thắp.

PHONG TỤC ĐÓN TẾT ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC

Người Nùng An ở Phja Thắp bắt đầu sắm Tết rầm rộ từ ngày 28 tháng Chạp. Công việc mua sắm phần lớn do người phụ nữ đảm nhận. Còn người đàn ông có nhiệm vụ sửa sang, quét dọn nhà cửa chờ đón Tết. Đúng giao thừa, mọi nhà đều thắp hương, mở cửa để “lộc” vào nhà và đón khách tới “xông đất”.

Trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết luôn có bánh chưng, gà thiến luộc, bánh kẹo, thịt lợn, mâm ngũ quả. Hương trên bàn thờ tổ tiên không được tắt mà phải thắp liên tục trong những ngày Tết. Điều cấm kị đêm 30 và ngày mùng 1 Tết là đốt lửa ngoài đường. Các món ăn trong ngày Tết rất phong phú, đặc sắc mang dấu ấn riêng của dân tộc Nùng An. Trong những ngày Tết, các món ngọt như: khẩu sli, kẹo lạc, chè lam, các loại bánh, mứt thường được gia chủ mang ra tiếp khách. Bên cạnh đó, người dân còn làm thêm món “phung xoỏng” (lạp sườn), thịt treo gác bếp… với hương vị đậm đà, hấp dẫn.

Bà Bông Thị Quai, xóm Phja Thắp cho biết: Ngày đầu xuân, người dân trong làng thường xuống vườn cuốc đất trồng ngô, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy nhà, lợn đầy chuồng, mọi người mạnh khỏe, bình an. Những chàng rể mới phải lo đi Tết bố mẹ vợ, mang theo các lễ vật như các loại bánh, hoa quả, gà thiến; còn chàng rể lâu năm chỉ cần có bánh chưng và thịt lợn.

Trước đây, từ mùng 1 đến 15 tháng Giêng, thanh niên trong làng đến nhà trưởng làng hoặc thầy mo để tập đánh trống, đánh chiêng, học hát Hèo Phươn; còn trẻ con tập đi cà kheo, xe đạp. Thông thường người Nùng An tổ chức hóa vàng vào ngày mùng 2, mùng 3 Tết.

Hiện nay với nhiều đổi thay, nhưng Tết Nguyên đán với người Nùng An ở làng Phja Thắp vẫn luôn là ngày lễ đầu tiên của năm mới, là dịp để mọi người dẹp bỏ hết lo toan trong cuộc sống sau một năm làm việc vất vả để vui chơi, an hưởng hạnh phúc.  

Du khách tham quan, trải nghiệm Làng du lịch cộng đồng Phja Thắp.

Chủ tịch UBND xã Quốc Dân Nông Văn Đức cho biết: Làng Phja Thắp với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều tiềm năng du lịch, nét đẹp văn hóa truyền thống người Nùng An được gìn giữ, bảo tồn khá nguyên vẹn trong kiến trúc, ẩm thực, nghề truyền thống… là điểm sáng tại địa phương trong việc khai thác, phát triển DLCĐ.

Những năm gần đây, làng Phja Thắp thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Thời gian tới, mong các cơ quan chức năng đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối hiệu quả du lịch làng Phja Thắp với các tuyến du lịch khác trong tỉnh; cho người dân tiếp cận, học tập, tập huấn kinh nghiệm làm DLCĐ…, để DLCĐ làng Phja Thắp đem lại thu nhập ổn định cho người dân, trở thành “điểm hẹn mùa xuân”.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây