Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Tạo động lực phát triển du lịch bền vững

Hòa An là một trong những huyện có số lượng di tích lịch sử văn hóa, cách mạng nhiều nhất trong tỉnh. Từ lợi thế sẵn có, huyện đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu, khai quật, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững.
Bia Ma nhai Ngự chế, xã Hồng Việt (Hòa An) là Bảo vật Quốc gia.

Huyện Hòa An có 64 di tích các loại, trong đó có 24 di tích lịch sử cách mạng, lịch sử văn hóa nằm trên địa bàn 6 xã đã được xếp hạng, gồm 13 di tích cấp tỉnh, 11 di tích cấp quốc gia. Đồng thời có nhiều cảnh đẹp, như: Thác tiên, xã Đại Tiến; thác Chó, xã Nam Tuấn; hồ Nà Tấu... cùng nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể: Hát Then, đàn tính, Hát quan lang xã Nam Tuấn; Lễ hội đền Vua Lê, Lễ hội đền Dẻ Đoóng... đang được bảo tồn.

Với những giá trị về địa chất, địa mạo, lịch sử, văn hóa bản sắc, tháng 4/2018, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu, trong đó huyện Hòa An có 5 điểm tham quan: Đền Dẻ Đoóng, hang Ngườm Bốc (xã Hồng Việt); vườn đá, hang Ngườm Slưa, đền Vua Lê (xã Hoàng Tung).

Thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy và Chương trình số 19-CTr/HU ngày 25/7/2016 của Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 52 ngày 24/5/2018 thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội huyện Hòa An; triển khai hàng loạt các dự án nghiên cứu, khai quật, bảo tồn và phát huy tiềm năng du lịch về nguồn.

Nhiều dự án tôn tạo di tích dần định hình quy mô, chất lượng. Hoạt động quản lý nhà nước về di tích, các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch được quan tâm đầu tư. Công tác bảo đảm môi trường tại các di tích, điểm tham quan du lịch được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Các cấp, ngành, địa phương quan tâm triển khai gắn với thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị, tạo sự lan tỏa, đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị. Huyện chủ động đề xuất một số danh mục đầu tư xây dựng, tôn tạo các di tích lịch văn hóa, nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động lễ hội nhằm sớm đưa các điểm di tích lịch sử văn hóa trở thành điểm tham quan của khách du lịch.

Hiện nay, huyện đã nâng cấp, cải tạo Di tích lịch sử cấp quốc gia nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh và huyện Hòa An, kinh phí hơn 4 tỷ đồng, với diện tích trên 1.500 m2; 2 di tích lịch sử cấp tỉnh là nhà ông Bế Ích Bồng, đền Dẻ Đoóng thuộc xã Hồng Việt. Phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng tiến hành khảo sát các điểm di tích, giải phóng mặt bằng đặt biển thuyết minh, san gạt mặt bằng vị trí bãi đỗ xe trên 3 tuyến, gồm: 5 điểm tham quan du lịch ngắm cảnh; 5 bãi đỗ xe, dừng chân ngắm cảnh; 5 biển thuyết minh tại điểm di sản và các biển chỉ dẫn đến các điểm tham quan; xây dựng tuyến đường lên điểm di sản hang Ngườm Bốc, xã Hồng Việt bằng vật liệu xếp đá tự nhiên thân thiện với môi trường cảnh quan; phối hợp khảo sát thực địa 7 điểm của dự án khoanh vùng di sản và đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản trong Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Đặc biệt, các nhà nghiên cứu Hán Nôm phát hiện trên vách đá của ngọn núi Phja Tém, bên bờ sông Dẻ Rào, thuộc xóm Ảng Giàng, xã Hồng Việt bài thơ vua Lê Thái Tổ làm trong lần tây chinh thứ nhất. Bia khắc trên vách đá với độ cao 12 m so với mặt đất, được khắc 8 cột dọc dưới dạng một bài thơ bằng chữ Hán. Với những giá trị đặc biệt liên quan đến sự kiện trọng đại của đất nước, Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ được huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia. Ngày 15/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 88/QĐ-TTg công nhận Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ là Bảo vật Quốc gia.

Để quản lý các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, huyện đã thành lập Ban Quản lý di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp huyện, xã. Xây dựng quy chế hoạt động, chịu trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trong phạm vi địa phương; ngăn chặn kịp thời, xử lý các hành vi xâm hại đến di tích; xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phát huy giá trị di tích. Hằng năm, huyện treo 50 băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn, in 500 tờ rơi tuyên truyền di tích lịch sử;  bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ phụ trách lĩnh vực du lịch, bí thư, trưởng xóm, người dân thuộc các điểm di sản, đại diện cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện.

Trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động lễ hội xuân với nhiều hoạt động phong phú, sôi động đúng theo bản chất, ý nghĩa lịch sử, phong tục, tập quán truyền thống của địa phương. Phần hội có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian, trưng bày gian hàng ẩm thực và các sản phẩm thủ công truyền thống của các xã, thị trấn, thu hút đông đảo du khách thập phương đến dự.

Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản nên hình ảnh du lịch của huyện Hòa An đã được quảng bá rộng rãi tại địa phương, góp phần thu hút lượng khách đến với Hòa An và tỉnh ngày càng tăng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội và du lịch của địa phương phát triển. Từ năm 2015 - 2019, huyện thu hút trên 2.500 lượt du khách; hằng năm tại các điểm du lịch về nguồn có hàng vạn người đến tham quan, tham gia lễ hội đầu xuân.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây