Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Tạo cơ hội cho du lịch phục hồi và phát triển

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) triển khai nhiều giải pháp sát với thực tiễn, tạo cơ hội mới cho du lịch phát triển sau đại dịch Covid-19. Tiếp tục thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
tbg

Lễ hội thác Bản Giốc năm 2022 thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến Cao Bằng.

 

BIẾN KHÓ KHĂN THÀNH CƠ HỘI…

Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Trương Thế Vinh cho biết: Năm 2021, Sở VH,TT&DL chủ động phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị vừa triển khai phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 vừa định hướng các đơn vị, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch (DVDL) tranh thủ thời gian đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, làm thêm sản phẩm du lịch mới. Tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện chuẩn bị đón khách du lịch và PCD Covid-19 tại các khu, điểm du lịch và cơ sở DVDL. Vận động các đơn vị kinh doanh DVDL đăng ký các gói kích cầu du lịch năm 2022; tăng cường quản lý các khu, điểm du lịch; tham mưu ban hành Công văn số 793/SVHTTDL-QLDL ngày 22/7/2022 về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch...; tham mưu thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế; triển khai hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19... Qua đó, các đơn vị, hộ kinh doanh DVDL chủ động các biện pháp PCD Covid-19, đồng thời tranh thủ đầu tư, làm mới sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng DVDL...

Tiếp tục hoàn thiện tuyến thứ 4 của Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng; khảo sát xây dựng kết nối CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và CVĐC Non nước Cao Bằng; làm tốt công tác chuẩn bị tái thẩm định danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng năm 2022. Phối hợp xây dựng phương án phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Dự thảo Đề án phát triển du lịch, dịch vụ huyện Bảo Lâm, Đề án phát triển du lịch huyện Quảng Hòa. Hướng dẫn hỗ trợ huyện Bảo Lâm xây dựng tour, tuyến du lịch trên địa bàn huyện gắn với Chương trình phát triển du lịch - dịch vụ tỉnh.

Nhiều đơn vị, hộ kinh doanh DVDL tận dụng thời gian PCD Covid-19 để đầu tư, cải tạo, xây dựng hạ tầng DVDL và làm mới các sản phẩm du lịch. Chị Hoàng Lan, chủ homestay Lan’s Nùng cho biết: Thời gian PCD dịch Covid-19, tôi đầu tư mở rộng thêm nhà sàn cổ, vườn rau, chuẩn bị cho tour trải nghiệm cưỡi ngựa ngắm cảnh..., có thêm sản phẩm du lịch mới đón khách du lịch trở lại khi kiểm soát được dịch Covid-19.

Với sự chủ động triển khai các biện pháp thích ứng, kích cầu du lịch hoạt động trở lại của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, hộ kinh doanh DVDL đã biến khó khăn thành cơ hội, thời cơ mới để đầu tư phục hồi du lịch trở lại.

... XÂY DỰNG NHIỀU SẢN PHẨM DU LỊCH MỚI

Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và khởi động lại du lịch vào tháng 3/2022, Cao Bằng có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, DVDL được đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ. Từ các khu du lịch trọng điểm của tỉnh đến các huyện, Thành phố đã có nhiều đơn vị, hộ kinh doanh chỉnh trang, xây dựng nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) Khuổi Khon (Bảo Lạc), checkin đỉnh cao Phja Oắc, DLCĐ Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình), DLCĐ Lan’s Nùng homestay, Làng đá Khuổi Ky, Nasan Graden (Trùng Khánh), Xuân Hòa Sơn (Thành phố)... CVĐC Non nước Cao Bằng xây dựng điểm checkin mới tại di sản san hô cổ Lang Môn (Nguyên Bình), di sản hóa thạch cúc đá Lũng Luông (Hà Quảng), Mắt thần núi, vườn dẻ cổ, điểm trải nghiệm bãi sông Thong Coót (Trùng Khánh), bazan cầu gối đèo Mã Phục (Quảng Hòa), kết nối CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và CVĐC Non nước Cao Bằng, xây dựng tuyến thứ 4 của CVĐC Non nước Cao Bằng... Tháng 8/2022, Đoàn chuyên gia CVĐC Toàn cầu UNESCO đã chấm 85 điểm cho giữ vững danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Cùng với xây dựng sản phẩm du lịch mới sẵn sàng đón khách trở lại, Sở VH,TT&DL chủ động tham gia hơn 10 sự kiện văn hóa, du lịch trong nước và quốc tế, tạo cơ hội quảng bá, kết nối du lịch Cao Bằng. Nổi bật là tham gia Hội nghị quốc tế lần thứ 7 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Satun (Thái Lan), CVĐC Non nước Cao Bằng đã giành quyền đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024; Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XIII - Hà Giang năm 2022 tại thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Giang; Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 18 năm 2022; Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh 2022... Chủ động kết nối với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội DLCĐ Việt Nam khảo sát kết nối tour, tuyến du lịch Cao Bằng với các tỉnh trong nước.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hiệp hội DLCĐ Việt Nam cho biết: Từ tháng 6 - 10/2022, tôi đưa đoàn famtrip với 40 công ty, doanh nghiệp lữ hành trong nước lên khảo sát thấy Cao Bằng có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, DVDL, hạ tầng cơ sở được đầu tư tốt hơn so với năm 2019. Trong đoàn famtrip có rất nhiều công ty, doanh nghiệp lữ hành trong nước kết nối các tour du lịch với Cao Bằng. Đây là tín hiệu vui cho du lịch Cao Bằng hồi phục trở lại và phát triển.

Để du lịch Cao Bằng đến gần hơn, kết nối nhanh hơn với du khách, Sở VH,TT&DL phối hợp với cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch Cao Bằng. Đặc biệt, nâng cấp Cổng du lịch thông minh caobangtourism.vn, ứng dụng du lịch thông minh trên smartphone (app Cao Bang Tourism) với các tiện ích tra cứu bản đồ, tìm thông tin chính xác về các địa điểm, lập trình tự động theo nhu cầu, đặt dịch vụ khách sạn, nhà hàng dễ dàng, tiết kiệm thời gian, chi phí cho du khách; giúp các cá nhân, doanh nghiệp mở rộng cơ hội kinh doanh, quảng bá, tạo liên kết chuỗi, phát triển chuỗi sản phẩm DVDL hoàn chỉnh. Phát triển các trang thông tin điện tử: caobanggeopark.com (tiếng Anh - Việt), đăng thông tin quảng bá trên trang Facebook CVĐC Non nước Cao Bằng, Zalo, Fanpage Du lịch Non nước Cao Bằng, YouTube Cao Bang Geopark..., thu hút hàng nghìn lượt truy cập, xây dựng hình ảnh du lịch Cao Bằng thân thiện, an toàn và hấp dẫn.

cvdc

Năm 2022, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng xây dựng điểm checkin mới tại di sản địa chất bãi san hô cổ Lang Môn (Nguyên Bình).

 

THU HÚT KHÁCH DU LỊCH

Với sự đồng thuận của các cấp, ngành, đơn vị, hộ kinh doanh DVDL vào cuộc, năm 2022, toàn tỉnh có 299 cơ sở lưu trú du lịch/3.812 phòng và 6.300 giường. Trong đó có 1 cơ sở tiêu chuẩn 3 sao, 19 cơ sở 2 sao, 64 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1 sao, còn lại là các nhà nghỉ, homestay đủ tiêu chuẩn. Hệ thống cơ sở dịch vụ hỗ trợ phục vụ du lịch Thành phố, các huyện, khu du lịch trọng điểm của tỉnh trên đà phát triển, nhiều nhà hàng, trung tâm vui chơi, giải trí được đầu tư, đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Trong năm, Cao Bằng tổ chức các sự kiện: Chương trình du lịch về nguồn năm 2022 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng), Tuần lễ Văn hóa - Chợ tình "Phong lưu" tại huyện Bảo Lạc, Lễ hội thác Bản Giốc tại huyện Trùng Khánh, kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố Cao Bằng (10/2012 - 10/2022), các kỳ nghỉ lễ chung cả nước... thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch. Vào ngày nghỉ cuối tuần, các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, các điểm DLCĐ thu hút khách du lịch trở lại.

Ông Vũ Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty du lịch Trang Long, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Bình cho biết: Qua xem quảng bá du lịch trang caobangtourism.vn, tôi đã xây dựng tour đến trải nghiệm DLCĐ dân tộc Dao Tiền, bản Hoài Khao, checkin đỉnh cao Phja Oắc (Nguyên Bình), Mắt Thần núi, thác Bản Giốc, làng đá Khuổi Ky..., phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và chất lượng DVDL khá ổn, tôi hài lòng và sẽ kết nối tour du lịch Thái Bình - Cao Bằng để khách miền xuôi được đến với miền núi Cao Bằng.

Lượng khách du lịch những tháng cuối năm tăng nhanh, đến tháng 10/2022, lượt khách đạt 753.499 lượt, tăng 111% so với cùng kỳ, đạt 75,3% kế hoạch năm. Trong đó, khách du lịch quốc tế 8.418 lượt, tăng 537,7%, đạt 42,1% kế hoạch, khách du lịch nội địa 745.081 lượt, tăng 109,4%, đạt 76% kế hoạch. Tổng doanh thu du lịch 377,4 tỷ đồng, tăng 687,9%, đạt 94,4% kế hoạch. Cuối năm 2022, tăng trên 1 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế.

Sự phục hồi du lịch Cao Bằng năm 2022 là cơ sở để các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, các đơn vị, hộ kinh doanh DVDL tạo ra cơ hội mới cho du lịch Cao Bằng tiếp tục phát triển trong năm 2023.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây