Quảng Hòa xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển du lịch
- Thứ hai - 14/08/2023 17:13
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xác định được những tiềm năng, lợi thế của huyện cũng như những hạn chế của địa phương trong lĩnh vực phát triển du lịch, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển du lịch, dịch vụ là một trong ba nhiệm vụ đột phá của huyện, trong đó huyện xây dựng nhiệm vụ đột phá huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025 và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt.
Bà Đàm Thị Chiến, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quảng Hòa cho biết: Huyện phấn đấu đến hết năm 2025, huy động được khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn kinh phí xã hội hóa để triển khai thực hiện các dự án đầu tư về hạ tầng giao thông; hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch; bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; công tác phát triển nguồn nhân lực và giáo dục cộng đồng; tuyên truyền quảng bá du lịch... Từ năm 2021 - 2023, huyện bố trí kinh phí để triển khai 5 dự án, gồm: Dự án “Bãi đỗ xe tại làng nghề làm giấy bản Dìa Trên, xã Phúc Sen”, kinh phí gần 100 triệu đồng; Dự án “Đường vào mỏ nước thần Lũng Sạng, xã Hồng Quang” kinh phí 700 triệu đồng, Dự án “Đường vào xóm Bản Giuồng, xã Tiên Thành”, kinh phí thực hiện 10 tỷ đồng, Dự án “Hỗ trợ đầu tư Điểm du lịch làng nghề làm giấy bản xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen”, kinh phí 1 tỷ đồng, các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; đang khởi công xây dựng Dự án “Chợ đầu mối nông sản, đặc sản Phúc Sen, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa” với tổng mức đầu tư 4 tỷ đồng.
Những nếp nhà sàn truyền thống tại làng văn hóa dân tộc Tày Bản Giuồng, xã Tiên Thành (Quảng Hòa). Ảnh Thế Vĩnh
Cùng với việc huy động kinh phí từ ngân sách Nhà nước triển khai thực hiện các dự án đầu tư về hạ tầng cơ sở, huyện làm tốt công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch. Trong quý II/2023, thu hút nhà đầu tư là Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang đầu tư Dự án “Điểm dừng nghỉ phục vụ khách du lịch” tại xã Phúc Sen; dự kiến kinh phí thực hiện 10 tỷ 950 triệu đồng.
Bên cạnh các nguồn vốn do huyện bố trí và thu hút đầu tư, UBND huyện phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng xây dựng điểm check in tại Đèo Mã Phục, xã Quốc Toản, hiện nay, công trình đã hoàn thành, thu hút được nhiều khách du lịch dừng tham quan, chụp ảnh; phối hợp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pano quảng bá, biển bảng thông tin phục vụ du khách.
Huyện khảo sát nghiên cứu, đề xuất bố trí kinh phí thực hiện các dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, gồm: “Bảo tồn làng văn hóa dân tộc Tày Bản Giuồng, xã Tiên Thành” với kinh phí 6 tỷ đồng, hiện dự án đang trong giai đoạn thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật và Dự án “Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Biên giới ở và làm việc tại nhà ông Lã Văn Ho, xóm Đà Vĩ, thị trấn Quảng Uyên” kinh phí 500 triệu đồng, đang trong giai đoạn khảo sát, chuẩn bị đầu tư; Dự án “Hỗ trợ đầu tư điểm du lịch cộng đồng tại làng hương Phja Thắp, xã Phúc Sen” kinh phí 523 triệu đồng; Dự án “Nâng cấp, tôn tạo Miếu Bách Linh, thị trấn Quảng Uyên” kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 3 tỷ đồng (từ nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp với vốn xã hội hóa); Dự án “Tu bổ, tôn tạo Đền Trần Duy Trân, xã Cách Linh”…
Làng hương Phja Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) được đầu tư nhằm phát triển du lịch cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Hòa Nông Văn Thông nhận định: Hạ tầng du lịch được huyện quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng khả năng phục vụ du lịch của địa phương. Huyện đã bố trí trên 30 tỷ đồng (trong đó 20 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trên 10 tỷ đồng từ công ty, doanh nghiệp) đầu tư xây dựng các công trình giao thông vào các điểm du lịch, hỗ trợ các làng nghề, di tích lịch sử, bảo tồn văn hóa để phục vụ nhiệm vụ phát triển du lịch. Vì vậy, việc phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn từng bước được cải thiện, nhận thức của nhân dân về công tác du lịch, dịch vụ được nâng lên. Một số điểm có tiềm năng phát triển du lịch, người dân mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc quảng bá du lịch, tăng thêm thu nhập hộ gia đình.
Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở du lịch ở huyện vẫn còn khó khăn, đặc biệt chưa thu hút được nguồn vốn xã hội hóa đầu tư, phát triển các khu du lịch trọng điểm. Chưa có cơ chế, chính sách riêng thu hút được các nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án quy mô lớn trên địa bàn. Một số dự án huyện chưa bố trí được kinh phí thực hiện. Công tác tuyên truyền bảo vệ phát huy giá trị các điểm di sản Công viên địa chất trên địa bàn huyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát huy các lợi thế để phát triển du lịch chưa thật sự hiệu quả…
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở tại các điểm, khu du lịch. Tập trung đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện xây dựng các hạng mục công trình, các dự án. Nghiên cứu, bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước và làm tốt công tác thu hút nguồn đầu tư để thực hiện các dự án chưa được bố trí vốn. Đặc biệt, tăng cường tổ chức các hoạt động đối ngoại với huyện Long Châu, Trung Quốc về văn hóa, thể thao, du lịch để thúc đẩy phát triển du lịch. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; mở rộng liên doanh, liên kết khai thác các tour, tuyến du lịch với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... để thu hút khách và lưu khách ở lại lâu hơn, từ đó nâng cao nguồn thu từ hoạt động du lịch.
Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn