Những điểm đến hấp dẫn trên quê hương cách mạng
- Thứ hai - 16/03/2020 09:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT RỪNG TRẦN HƯNG ĐẠO
Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim (Nguyên Bình), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ), đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam được thành lập, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Ngay sau ngày thành lập, ngày 25/12/1944, Đội VNTTGPQ đã đánh thắng đồn Phai Khắt, sáng 26/12/1944 đánh đồn Nà Ngần, diệt gọn 2 đồn địch, tiêu diệt 2 tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Những chiến công này tạo ra một luồng sinh khí mới cổ vũ, khích lệ phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của nhân dân ta và mở đầu cho truyền thống “đánh thắng trận đầu” của QĐND Việt Nam anh hùng.
Trong quần thể khu di tích có nhiều điểm để du khách tìm hiểu truyền thống lịch sử và khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh, như: hang Thẳm Khẩu; địa điểm thành lập Đội VNTTGPQ; lán nghỉ và bếp ăn của Đội VNTTGPQ; mỏ nước phục vụ sinh hoạt cho Đội VNTTGPQ; Đỉnh Slam Cao - nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban Chỉ huy Đội VNTTGPQ đặt trạm quan sát… Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo ngày càng được quan tâm đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang tôn tạo một số hạng mục trong Khu di tích.
ĐỒN PHAI KHẮT, NÀ NGẦN
Đồn Phai Khắt thuộc xã Tam Kim (Nguyên Bình) là nhà của ông Nông Văn Lạc xây dựng vào năm 1940, năm 1943 bị quân Pháp chiếm làm đồn. Đồn có 1 tên cai Pháp và 15 lính dõng. Sau khi Đội VNTTGPQ thành lập, ngày 25/12/1944, Đội tiến đánh đồn Phai Khắt.
Di tích Đồn Phai Khắt, xã Tam Kim (Nguyên Bình). |
Đồn Nà Ngần là nhà ở của Phó lý Pảo, tại xóm Nà Ngần, xã Cẩm Lý (nay là xã Hoa Thám, Nguyên Bình) do thực dân Pháp dựng lên. Đồn nằm trên đồi cao, địa thế hiểm trở. Vận dụng lối đánh của trận Phai Khắt, ngày 26/12/1944, Đội VNTTGPQ tiến đánh đồn Nà Ngần và giành chiến thắng.
ĐỒN ĐỒNG MU
Đồn Đồng Mu thuộc xã Đồng Mu (nay là xã Xuân Trường, Bảo Lạc), do thực dân Pháp xây dựng kiên cố từ trước năm 1945. Sau hai trận đánh thắng lợi giòn giã Phai Khắt, Nà Ngần, Đội VNTTGPQ hành quân về Lũng Dẻ (Nguyên Bình) tổ chức luyện tập, bổ sung quân số. Đêm 4/2/1945, quân ta xuất kích đột nhập đồn, bất ngờ đánh chiếm nhà chỉ huy, tạo điều kiện cho các hướng cùng xông vào tiến công tiêu diệt địch. Cuộc chiến đấu diễn ra từ trước nửa đêm đến khoảng 3 giờ ngày 5/2/1945. Nhận thấy tình thế có thể bất lợi nếu kéo dài trận đánh, Ban Chỉ huy hạ lệnh rút lui trước khi trời sáng. Trận này ta tiêu diệt 20 tên địch, thu 5 khẩu súng và đạn dược, bắt sống 3 tù binh. Anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí Xuân Trường được công nhận là liệt sĩ đầu tiên của QĐND Việt Nam. Để tưởng nhớ, tri ân, xã Đồng Mu đã đổi tên thành xã Xuân Trường.
Di tích đồn Đồng Mu, xã Xuân Trường (Bảo Lạc). |
ĐỒN ĐÔNG KHÊ
Đồn Đông Khê ở thị trấn Đông Khê (Thạch An) do thực dân Pháp xây dựng trước năm 1945. Ngày 12/10/1947, thực dân Pháp nhảy dù xuống Đông Khê chiếm lại đồn, xây dựng thành cứ điểm kiên cố bao gồm hệ thống hầm hào công sự, dựng lô cốt xung quanh để bảo vệ và đặt sở chỉ huy.
Tháng 7/1950, Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng mở Chiến dịch Biên giới. Tháng 8/1950, Bác Hồ ra mặt trận trực tiếp chỉ huy trận đánh. Đúng 6 giờ ngày 16/9/1950, quân ta pháo kích vào cứ điểm Đông Khê, mở màn cho Chiến dịch Biên giới. Cũng trong sáng sớm 16/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đài quan sát theo dõi và chỉ đạo trận đánh cứ điểm Đông Khê - trận đánh mở màn cho Chiến dịch Biên giới 1950.
Với những giá trị, ý nghĩa lịch sử, các khu di tích là những “địa chỉ đỏ” nhằm giáo dục lịch sử cách mạng cho các thế hệ.