Người Tày, Nùng ở Cao Bằng đón tết Đắp nọi
- Chủ nhật - 17/03/2024 15:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo tiếng Tày, “đắp” chỉ ngày cuối cùng của tháng, kết thúc tháng, “nọi” là ít, đối lập với nhiều. Tết Đắp nọi có thể hiểu là cái Tết nhỏ để kết thúc tháng Giêng. Các cụ ngày xưa tổ chức ăn tết Đắp nọi để gia đình, họ hàng sum vầy bên nhau, kết thúc tháng “ăn chơi”, chuẩn bị bước vào mùa vụ mới. Ngày nay, lễ tết này được tổ chức để nhắc nhở con cháu vui chơi nhưng không quên nhiệm vụ sản xuất. Tết Đắp nọi được tổ chức còn mang ý nghĩa để những người đi làm ăn xa, vì lý do nào đó không thể về nhà đúng dịp tết Nguyên đán được hội ngộ với gia đình, dòng họ.
Tục ăn tết Đắp nọi của người Tày, Nùng chỉ diễn ra trong một ngày. Cách ăn tết Đắp Nọi cũng giống như tết Nguyên đán nhưng với quy mô nhỏ hơn. Trong dịp này, người Tày chuẩn bị đầy đủ mâm cỗ cúng tổ tiên. Gần Tết, các gia đình chuẩn bị lá dong, ngâm gạo nếp, gói bánh chưng, bánh gù; đến ngày ăn Tết lại, mọi nhà thịt gà, chuẩn bị thêm thịt lợn, cá và các loại thực phẩm khác làm mâm cỗ cúng lên bàn thờ khấn trình báo tổ tiên: kết thúc tháng Giêng vào vụ mới, cầu mong tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, làm ăn phát đạt.
Hiện nay, hầu hết các gia đình người Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng đều tổ chức Tết này. Nhưng trước đó, các gia đình đã bước vào sản xuất từ mùng 4, mùng 5 Tết.
Tết Đắp nọi là thời khắc tiễn tháng Giêng đi qua, đón vụ mùa tới đầy hứng khởi của người Tày, Nùng, nhắc nhở con cháu cùng hăng say học tập, phấn đấu lao động sản xuất, cầu mong cho mọi sự tốt lành, bình yên, “thuận buồm xuôi gió”; tạo động lực mới để các thành viên trong gia đình đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình.