Người giữ hồn các làn điệu dân ca Cao Bằng
- Thứ hai - 23/03/2020 14:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Biết mục đích chuyến đến thăm của tôi, bà trầm tư: “Tôi cũng chẳng có gì để nói đâu, ở tuổi tôi bây giờ chỉ mong sao cố gắng gìn giữ được những làn điệu dân ca của người Tày, Nùng mãi mãi”. Đoạn bà giở cuốn sổ khá lớn rồi đưa cho tôi bài báo giấy ố vàng được cắt ra từ Báo Việt Nam Độc lập số 12452 viết: “Quỳnh Nha, người con gái dân tộc Tày ấy đã giữ được cái chân chất của con người mẫu mực rất dịu hiền, giản dị luôn mang trên đầu mình chiếc khăn quê hương. Mà trong hoạt động nghệ thuật dân tộc cô đã đi theo nó với cả trái tim say sưa trân trọng của mình với cả tấm lòng đầy tin yêu và thành thật...”.
NSƯT Hoàng Quỳnh Nha quê ở Bản Bo, xã Phù Ngọc (Hà Quảng). Ngay từ hồi còn nhỏ bà đã học từ mẹ, từ người già và nghe người ta hát các làn điệu Sli, Lượn, Dá Hai, Nàng ới, Phong slư rất hay ở các đám cưới, lễ hội. Bà kể: Từ đó tôi bắt đầu tập các bài hát. Thời ấy lâu lâu lại có đội chiếu bóng của Ty Văn hóa về các làng, bản chiếu bóng cho bà con xem. Ngay từ chập tối, trẻ con, thanh niên, người già đã đến tụ tập ở sân kho hợp tác xã chật kín chờ xem phim. Nghe nhiều người đồn là “Quỳnh Nha hát Nàng ới, Phong slư, Dá Hai rất hay”, thế là họ đến mời tôi hát trước khi chiếu bóng. Hát xong được bà con hoan hô rất lâu. Tôi đã bắt đầu cuộc đời làm nghệ thuật như thế.
NSUT Hoàng Quỳnh Nha kể tiếp: Một hôm có ông cán bộ đến nhà tôi tự giới thiệu là Hoàng Phương ở Ty Văn hóa tỉnh. Ông nói: “Chúng tôi nghe chất giọng cô hát các làn điệu dân ca Tày, Nùng rất hay nên đến mời cô về Ty Văn hóa làm công tác tuyên truyền”. Khi ấy, tôi rất sửng sốt, vừa mừng được thoát ly công tác, vừa lo không biết mình có đảm nhiệm được không? Vì tôi chưa qua trường lớp đào tạo nào. Ông Phương thấy tôi bối rối nên động viên: “Không sao, cô cứ mạnh dạn hát như mọi khi đã hát ở đội chiếu bóng là được”. Từ đó tôi bắt đầu một cuộc đời làm nghệ thuật chuyên nghiệp.
Về tỉnh, tôi tham gia đội Văn nghệ của Ty Văn hóa (tiền thân của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng) do ông Bế Dân làm Đội trưởng. Ông Bế Dân đã sáng tác bài hát “Lồm bươn pét” theo điệu Nàng ới và đã đi phục vụ các xã, thôn bản trong địa bàn tỉnh được đồng bào khen ngợi. Khi ấy Đội Văn nghệ chỉ có 7 người (4 nữ, 3 nam). Ngày ấy chúng tôi không có lương, trang phục, đàn tính và các nhạc cụ khác đều phải tự túc. Đội đi biểu diễn phải thuê phương tiện là chiếc xe ngựa chở trang phục, các nhạc cụ, đèn măng-xông, đèn bão...
Đội đi biểu diễn ở làng, xã nào cũng được nhân dân hoan nghênh và đến xem rất đông, thậm chí còn giữ chỗ từ sớm. Ngoài việc biểu diễn, Đội còn làm tốt công tác dân vận, giúp dân gặt lúa, giã gạo... Bà con cũng rất yêu qúy Đội, họ sắp xếp chỗ nghỉ, cơm nước cho cả Đội. Đây chính là nguồn động viên, an ủi chúng tôi rất lớn. Bởi vì hoàn cảnh lúc bấy giờ còn rất khó khăn, thiếu thốn. Cho tới khi không còn tham gia biểu diễn và chuyển sang làm công tác nghiên cứu, sưu tầm tại Phòng Nghiệp vụ của Sở Văn hóa - Thông tin cũng như tới tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên tấm lòng của bà con ngày ấy.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, NSƯT Hoàng Quỳnh Nha luôn vượt lên khó khăn, vừa tham gia biểu diễn, vừa chăm sóc hai con ăn học để chồng yên tâm công tác. Ngoài việc biểu diễn, NSƯT Hoàng Quỳnh Nha còn tham gia sáng tác các ca khúc: “Em yêu làn điệu dân ca”, “Ru em”, “Ẻn ơi”... cho thiếu nhi. Tham gia dàn dựng “Hát dân ca giao duyên Trung Quốc” và đưa các làn điệu dân ca Cao Bằng như: Nàng ới, Sli, Lượn, Phong slư, Dá Hai, Pựt lằn... lên diễn đàn quốc tế với chủ đề “Các nhà âm nhạc dân gian học” bàn về công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca hát 2 bè của các dân tộc trên toàn quốc cho Trường Đại học Quốc gia Đài Bắc tổ chức tại Đài Loan năm 2002.
Tại Diễn đàn, bà được Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Giáo sư Vu Rung Shun, Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Dân gian Đài Bắc mời đến biểu diễn. Sau đợt đi dự diễn đàn quốc tế về, NSƯT Hoàng Quỳnh Nha đã bắt tay vào biên soạn và hoàn thành công trình “Sli, Lượn hát đối của người Tày, Nùng ở Cao Bằng” do Chính phủ tài trợ.
Dõi ánh nhìn thăm thẳm về nơi nào đó rất xa, NSƯT Hoàng Quỳnh Nha trăn trở: Tôi chỉ mong sao các cấp, ngành đưa các làn điệu dân ca Cao Bằng vào trường học để thế hệ trẻ tiếp tục phát huy, gìn giữ, bảo tồn bản sắc các giai điệu của người Tày, Nùng. Nhất là ở Cao Bằng vẫn đang tồn tại 3 loại Pựt: Pựt tính (Tày), Pựt Nùng, Pựt Ngạn. Các loại Pựt này đang dần bị mai một vì chưa được quan tâm đúng mức.
Công lao xây dựng Đoàn Nghệ thuật Cao Bằng cùng với lòng đam mê, nhiệt huyết hết lòng vì nghệ thuật biểu diễn, năm 1993 bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Hiện tại NSƯT Hoàng Quỳnh Nha là hội viên Hội VHNT tỉnh, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Năm 2002, NSƯT Hoàng Quỳnh Nha được nghỉ chế độ. Trở về với cuộc sống đời thường, bà nhiệt tình dạy các lớp đàn then, các làn điệu dân ca cho các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và các em thiếu nhi. Nhiều tác phẩm công diễn của NSƯT Hoàng Quỳnh Nha đã được tặng thưởng qua các kỳ liên hoan nghệ thuật biểu diễn.