Nghi lễ đón dâu của dân tộc Tày ở huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng
- Chủ nhật - 24/12/2023 19:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phong tục hôn nhân vốn là một nét văn hóa cổ truyền đặc sắc của dân tộc Tày. Để tổ chức lễ kết hôn, người Tày phải thực hiện các nghi lễ quan trọng như: lễ so tuổi, dạm hỏi, dẫn cưới, lễ đón dâu, lễ lại mặt và một số tục lệ khác.
Trong đó, “lễ đón dâu” là một nghi lễ đặc biệt, mang đậm màu sắc văn hoá bản địa đã được lưu truyền trong đời sống người Tày qua nhiều thế hệ. Để có một lễ đón dâu hoàn chỉnh, những lễ vật không thể thiếu mà nhà trai phải chuẩn bị sang nhà gái gồm: bánh chưng, bánh dày nhỏ (số lượng phụ thuộc vào gia đình nhà gái yêu cầu), hai chiếc bánh dày to, một con lợn, một đôi gà, rượu, trầu cau, đôi cá nhỏ, một ống tiết, một đoạn lòng lợn, một túi hạt giống (đỗ, thóc, vừng), một ít đường phên, một túi “coóc mò” khâu bằng vải đỏ, một miếng vải đỏ (tiếng Tày gọi là “rằm khấu”) báo hiếu công nuôi dưỡng của cha mẹ. Tất cả các lễ vật được đựng trong cái dậu để thành từng gánh.
Đoàn nhà trai đi đón dâu gồm một quan lang, một bà đón, chú rể, phù rể, một cô gái chưa chồng và đoàn người gánh lễ. Sau khi đến nhà gái, quan lang hướng dẫn chú rể dâng hương lên bàn thờ tổ tiên bằng những lời hát. Sau đó, chú rể mời rượu mời ông bà, cha mẹ, anh em họ hàng.
Mời rượu xong, nhà gái đáp lời bằng những câu hát với nội dung mừng chú rể đã ra mắt anh em họ hàng và chúc tụng sức khỏe.
Theo phong tục bản địa, người con gái Tày đi lấy chồng mang theo nhiều của hồi môn đựng trong chiếc hòm có chân bằng gỗ. Của hồi môn gồm một gánh lễ vật để dâng lên bàn thờ nhà chồng và phần còn lại là vải vóc, chăn màn, đồ trang sức,... Một phần của hồi môn được chuẩn bị để sử dụng sau hôn lễ, còn các phần khác dùng để biếu bố mẹ chồng, anh em họ hàng nhà chồng.
Sau khi hoàn tất các thủ tục báo cáo tổ tiên, mời rượu anh em họ hàng, quan lang nhà trai lại cất lên câu hát xin phép đón cô dâu về nhà chồng.
Khi giờ lành đến, cô dâu chuẩn bị ra cửa về nhà chồng. Lúc này, bố đẻ đội nón mới cho cô dâu với mong muốn con gái khi về nhà chồng sẽ có cuộc sống mới. Tiếp đó, bố đẻ sẽ đi đôi giày mới cho con gái. Người Tày quan niệm, hành động này là lúc đánh dấu mốc từ nay người con phải tự đi vững trên đôi chân của mình để đến với cuộc sống tương lai, mong cho con gái từ nay sẽ trưởng thành, cùng chồng chăm lo cho gia đình riêng và sống vui vẻ hạnh phúc.
Đám cưới là khoảnh khắc thiêng liêng của đời người, những phong tục, tập quán tốt đẹp góp phần làm cho đám cưới trở nên trọn vẹn, ý nghĩa hơn. Qua đó có thể thấy, đám cưới không chỉ đơn thuần là việc kết duyên của đôi lứa mà còn có ý nghĩa lớn hơn, đó là truyền thống đạo lý của dân tộc; giáo dục về nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc; góp phần gắn kết cộng đồng; lưu giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, những nét văn hoá đó càng cần được bảo tồn và lưu giữ cho tương lai.