Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Mùa xuân trẩy hội Non nước Cao Bằng

Mùa xuân, mùa của tết đoàn viên sum họp cũng là mùa của lễ hội. Cứ mỗi độ xuân về, hàng loạt các lễ hội lớn nhỏ tưng bừng diễn ra khắp nơi trên cả nước. Đây là nét văn hóa ngàn đời của cha ông ta. Về với Cao Bằng dịp đầu xuân, du khách không chỉ được tham quan, tìm hiểu vể các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn được trải nghiệm những lễ hội văn hóa đặc sắc.
Lễ hội Đền Vua Lê (Ảnh: Hoài Nam)

Lễ hội Lồng Tồng

Lễ hội Lồng Tồng (còn gọi là lễ xuống đồng) là lễ hội quan trọng bậc nhất vào dịp đầu năm mới, gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt, được tổ chức trong các bản làng để cầu cúng thần nông – vị thần cai quản ruộng đồng, vườn tược, gia súc, làng bản cho được cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, mọi người no ấm, bản làng yên lành. Lễ hội Lồng tồng đã có từ rất lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ở Cao Bằng, lễ hội này diễn ra từ ngày mùng 2 đến 30 tháng giêng âm lịch để mở mùa gieo trồng mới (tùy theo từng địa phương).

Lễ hội Nàng Hai của dân tộc Tày

Hội được bắt đầu vào tháng giêng và kéo dài đến trung tuần tháng ba. Theo tín ngưỡng dân gian dân tộc Tày thì trên cung trăng có Mẹ Trăng và mười hai nàng tiên – con gái của mẹ. Mẹ cùng các nàng hằng năm chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân. Hội Nàng Hai được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng các mẹ các nàng ở dưới trần gian hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống thăm trần gian và giúp trần gian trong công việc làm ăn để sinh sống. Thời gian tổ chức hội Nàng Hai phụ thuộc vào thời gian đã quy định ở từng xóm, bản từ thời xa xưa truyền lại.

Đền Vua Lê

Nằm cách trung tâm thị xã Cao Bằng 11km, thuộc làng Đền, xã Hoàng Tung - Hoà An. Đền do Nùng Tồn Phúc dựng lên vào thời nhà Lý (thế kỷ XI). Đền thờ vua Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi Cao Hoàng Đế). Dưới chế độ phong kiến, đền vừa là cung điện, vừa là trung tâm hoạt động kinh tế, văn hoá, quân sự của các vua quan. Không chỉ thế, đền còn là một di tích lịch sử gắn liền với những hoạt động của Đảng ta trong thời kỳ vận động cách mạng dân tộc, dân chủ. Hiện nay, đền Vua Lê được xem là một di tích có giá trị đặc biệt về mặt kiến trúc nghệ thuật và là nơi tập trung lễ hội, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của nhân dân nơi đây. Lễ hội đền vua Lê được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch.

Lễ hội chùa Đà Quận

Chùa ở làng Đà Quận, xã Hưng Đạo (Thành phố Cao Bằng), xưa là thôn Đà Quận (mang tên Đà Quận công Mạc Ngọc Liễn - danh tướng nhà Mạc, xã Xuân Lĩnh, châu Thạch Lâm, đối diện với chùa Viên Minh (chùa sáng lập từ thời nhà Mạc). Trong chùa có hai quả chuông cao bốn thước, năm tấc, chu vi tám thước chín tấc, ước nặng nghìn cân. Mỗi kỳ tế lễ xuân thu thì gõ chuông, chuông vang như sấm, chấn động trăm dặm. Trên chuông thần có đúc bài minh bằng chữ Hán ca ngợi vẻ đẹp của châu Thạch Lâm lúc bấy giờ và sự phục hồi của chùa Viên Minh sau khi nhà Lê khôi phục lại đất Cao Bằng. Cứ đến ngày mùng 9 tháng Giêng hằng năm, nhân dân khắp nơi lại nô nức về trẩy hội.

Lễ hội đền Kỳ Sầm

Lễ hội đền Kỳ Sầm được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm, tại xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng. Lễ hội tưởng nhớ thánh nhân Nùng Trí Cao – người đã có công đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước.

Đền Kỳ Sầm nằm ở Bản Ngần, xã Vĩnh Quang, cách trung tâm Thành phố Cao Bằng khoảng 5 km. Đền Kỳ Sầm thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao (1025 - 1055), người dân tộc Tày, một nhân vật có liên quan đến sự nghiệp giữ nước thời Lý (vua Lý Thái Tông thế kỷ XI). Nùng Trí Cao là con của thủ lĩnh Nùng Tồn Phúc và bà A Nùng. Ông đã có một thời oanh liệt, đánh tan giặc Tống xâm lược, được vua phong Thái Bảo, được lưu danh trong lịch sử, là niềm tự hào của người dân Cao Bằng. Sau khi ông mất, vua lại sắc phong Khâu Sầm Đại Vương và cho lập đền thờ.

Lễ hội được tổ chức với phần lễ và phần hội. Phần lễ được thực hiện từ tối mùng 9 âm lịch với các nghi lễ truyền thống được khôi phục lại gần giống thời xa xưa. Ngày hội mùng 10 âm lịch hằng năm là dịp để du khách đến dự hội, cầu lộc, cầu tài. Đến lễ hội, du khách được tham gia nhiều trò chơi dân gian: cờ tướng, tung còn, đu tre, đi cà kheo, bịt mắt đập bóng…

Lễ hội cũng là dịp để mọi người đi vãn cảnh và hái lộc đầu xuân. Ở nhiều địa phương khác trong tỉnh nhân dân cũng lập đền thờ ông.

Lễ hội Đền Dẻ Đoóng

Vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm, đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến du xuân, trẩy hội Đền Dẻ Đoóng, xã Hồng Việt (Hòa An).

Đền Dẻ Đoóng hay còn gọi là đền Giang Động. Đền được nhân dân lập lên từ xa xưa để thờ thần sông, thờ đá, sau này thờ thêm phật và thờ mẫu. Đền nổi tiếng linh thiêng nên hàng tháng cứ vào ngày mùng 01 và 15 âm lịch người dân thường đến đây thắp hương xin lộc, cầu may. Ngoài ý nghĩa văn hoá tâm linh, đền Dẻ Đoóng còn mang ý nghĩa lịch sử cách mạng, tại đây đã diễn ra đại hội đại biểu bầu ra Ủy ban nhân dân lâm thời, lễ tuyên bố và chào mừng việc thành lập Chính quyền cách mạng của tỉnh Cao Bằng ngày 15/6/1945. Với giá trị về văn hoá, lịch sử đó, năm 2008, đền Dẻ Đoóng đã được UBND tỉnh Cao Bằng xếp hạng và công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Chùa Sùng Phúc

Trước kia, chùa có tên gọi là chùa Sùng Khánh, ở làng Huyền Ru, xã Thanh Nhật, huyện Hạ Lang. Chùa được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIII. Bên trong chánh điện thờ Thành Hoàng, Quan Thế Âm Bồ Tát, chàng Vi Đồ và ông Thổ Thần. Sùng Phúc có ý nghĩa là sự suy tôn và sùng bái phúc đức, hướng tới điều thiện. Chùa là nơi sinh hoạt văn hoá cổ truyền của nhân dân quanh vùng. Hàng năm, vào ngày 15 - 16 tháng Giêng âm lịch nơi đây trở thành địa điểm trẩy hội xuân với các trò chơi dân gian vui nhộn độc đáo. Chùa đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá.

Chùa Phố Cũ

Chùa Phố Cũ là ngôi chùa cổ kính lớn có kiến trúc cổ còn nguyên vẹn nằm ở tổ dân phố số 1, phố Cũ phường Hợp Giang, Thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Lễ hội Chùa Phố Cũ diễn ra vào ngày mồng 2/2 Âm lịch hàng năm là hoạt động văn hóa sôi nổi, được coi là ngày hội đoàn kết của bà con nhân dân trên địa bàn phường. Đồng thời thông qua đó nhằm giới thiệu và quảng bá đến nhân dân, đông đảo du khách thập phương về giá trị lịch sử – văn hóa của di tích.

Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên

Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên là lễ hội truyền thống độc đáo với màn tranh pháo hoa đầu xuân của các xã tại thị trấn Quảng Uyên, Cao Bằng để cầu mong cho một năm mới may mắn, phát tài, phát lộc. Hàng năm, cứ vào ngày 2/2 âm lịch, nhân dân và du khách thập phương lại nô nức về Quảng Uyên trẩy hội.

Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên là lễ hội lớn nhất trong năm của nhân dân huyện Quảng Uyên, gắn với các yếu tố về lịch sử, tâm linh của miếu Bách Linh. Miếu được xây từ thời Lý dưới chân núi Cốc Bó, đến thời nhà Nguyễn được xây dựng lại hoàn toàn theo kiến trúc thời Nguyễn. Trước cổng có tam quan, sân tiền đường, hậu đường và hậu cung, hoành phi, câu đối. Trên cổng khắc 3 chữ “Bách Linh miếu”, có đắp nổi con rồng uốn khúc, xây bằng gạch vồ (gạch thời Mạc), có bức trạm rồng ngậm ngọc, bên cạnh có chim phượng cùng long ly tụ hội./.

 

Tác giả bài viết: Hồng Son - TTVH &TTDL

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây