Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Mùa thu xanh trên quê hương

Nhớ mùa thu, theo dòng trong xanh của hai con sông Bắc Vọng, Quây Sơn mang mạch nguồn tưới tắm non nước Trùng Khánh sẽ thấy những kỷ niệm đẹp giữ mãi trong lòng. Miền “cổ tích” ấy luôn gợi nhớ những ký ức xanh thẳm về quê hương.
Sắc thu bên dòng sông Quây Sơn (Trùng Khánh).

Vượt qua huyện Quảng Uyên, đến đèo Khau Liêu, hoài niệm về một địa danh hiểm trở khó khăn khi có dịp về Trùng Khánh đã qua, bây giờ, đường rộng dài thênh thang mới thấy hành trình về Trùng Khánh thêm nhiều trải nghiệm. Là địa phận đầu huyện, xã Thông Huề ấn tượng với những con đường quanh co chạy dọc các thung lũng. Những ngọn núi hình chóp nón đứng giữa bầu trời trong xanh, pha khoảng vàng của những thửa ruộng quanh chân núi, hòa cùng dòng sông Bắc Vọng làm cho khung cảnh nông thôn thêm bình yên.

Đến thị tứ Thông Huề, ai đã một lần ghé qua sẽ mê hoặc với nhiều huyền tích. Nằm bên dòng sông Bắc Vọng trong xanh, thơ mộng, phố Thông Huề hiện ra với những mái nhà gạch đá cổ, nhà cao tầng xen kẽ nhau. Nơi đây chính là chiếc nôi của Dá Hai - loại hình ca kịch tuồng nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc Nùng ở xã Thông Huề. Hằng năm, khi đến các dịp lễ, Tết và các sự kiện của địa phương tổ chức, những làn điệu Dá Hai truyền thống luôn ngân vang tạo mối tâm tình giữa nghệ nhân và du khách.
Thông Huề còn có Lễ hội Hoa đăng là lễ hội lớn và độc đáo đã có từ lâu đời, với nhiều hoạt động gắn với các yếu tố tâm linh của miếu Long Vương - ngôi miếu rất linh thiêng trong tâm thức người dân Thông Huề và các vùng lân cận. Cứ vào những năm nhuận, nhân dân phố Thông Huề, lại tổ chức Đêm hội Hoa đăng với việc thả hàng trăm chiếc hoa đăng làm lung linh cả một dòng sông để cầu tài, cầu lộc, cầu tự, cầu duyên…
Cách thị tứ Thông Huề khoảng một cây số, thác Thoong Ma được hình thành tự nhiên trên lưu vực sông Bắc Vọng với vẻ đẹp hoang sơ. Dòng nước trong xanh, trắng xóa và mát rượi đã cung cấp cho miền quê các xã Thông Huề, Đoàn Côn, Thân Giáp tạo ra những sản vật cá, tôm, gà, cá, vịt... tươi ngon.

Ngoài những món ăn truyền thống như bánh bao, bánh khảo, còn có đậu phụ chao hấp dẫn. Khi nắng hanh thu cũng bắt đầu một vụ thu hoạch đỗ tương. Ở phố Thông Huề, nhà nhà phơi đỗ tương trên những nong cót, trắng cả một khu. Được tuần nắng, đỗ đã khô, thơm phức, người ta trữ vào các bao tải có bọc nilon để dùng làm nguyên liệu chế biến đậu phụ chao. Đậu được cắt thành từng miếng nhỏ bằng ngón chân cái và chao bằng mỡ lợn. Đậu ở đây thơm, vàng và xốp.

Nơi đây còn có nghề làm tương mạch truyền thống và được lưu giữ như một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của quê hương. Tương mạch có mùi vị rất riêng, vị ngọt dịu và hương thơm đặc trưng. Nguyên liệu làm tương phải là loại lúa mì mẩy hạt, phơi khô, sau đó đem xát thành bột và nặn thành từng bánh tròn. Sau đó, đun nước sôi rồi thả bánh đã nặn xuống, đợi đến khi bánh chín nổi lên thì đem phơi nắng. Sau đó, lấy lá ngải cứu về ủ cùng cho đến khi bánh có mùi thơm. Bánh qua nhiều công đoạn cho ra sản phẩm tương mang hương vị thanh nhã.
Qua Thị trấn, theo tuyến đường tỉnh 213, chúng ta sẽ bắt gặp dòng Quây Sơn chảy từ những chân núi dọc chiều dài biên giới Việt - Trung đi qua các xã: Ngọc Côn, Ngọc Khê, Đình Minh, Đình Phong, Phong Châu, Chí Viễn, Đàm Thủy của huyện Trùng Khánh. Dọc theo dòng sông ngắm cảnh đẹp thơ mộng như tranh vẽ của làng quê yên bình dưới chân núi, xen những cánh đồng lúa hai bên bờ được bồi đắp phù sa màu mỡ. Trên khắp cánh đồng vàng, bà con đang khẩn trương thu hoạch lúa mùa. Nắng chiều pha sắc tím hoàng hôn, bên những đụn khói đốt đồng, từng đàn trâu lững thững về chuồng làm cho mỗi người xa quê thêm nao lòng. Không còn cảnh người nông dân nhễ nhại mồ hôi kẽo kịt từng gánh thóc mà những chiếc xe máy lặc lè đem cả sự no ấm vào đến từng nếp nhà.

Trùng Khánh nổi tiếng với những loại lúa nếp địa phương, đến nay, một số xã của huyện đã phát triển giống lúa nếp Ong nổi tiếng thơm ngon với diện tích trên 200 ha. Mùa lúa chín cũng trùng vào mùa thu hoạch hạt dẻ. Dưới chân núi, cánh đồng lúa chín vàng rực chạy dọc bên dòng Quây Sơn trong xanh uốn lượn, xen lẫn màu xanh nâu của những vườn dẻ, tạo nên phong cảnh đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Hiện nay diện tích trồng cây dẻ của toàn huyện Trùng Khánh trên 250 ha, trong đó, diện tích hiện cho thu hoạch hơn 210 ha. Hạt dẻ Trùng Khánh hạt no tròn bằng ngón chân cái, vỏ nâu tươi, nhiều lông, thịt vàng ruộm, là đặc sản nổi tiếng cả nước và là món quà quê gọi mời du khách.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, huyện đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hình thành những vùng cây đặc sản tập trung, bước đầu trở thành hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 18 triệu đồng/năm.

khuoi ky tk copy
Làng Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh).

Đến thăm các làng dân tộc Tày, Nùng ở Trùng Khánh, mỗi người sẽ có những trải nghiệm về cuộc sống hằng ngày của người dân nơi đây. Thú vị nhất là được nghỉ lại trong những ngôi nhà sàn có kiến trúc độc đáo thể hiện sự sáng tạo, sự gần gũi của con người với thiên nhiên và là nền văn hóa của dân tộc. Đêm đến, bên bếp đượm hồng, mọi người sum họp để nấu ăn, hàn huyên tâm sự.

Gần đây tại huyện Trùng Khánh, loại hình du lịch homestay đang phát triển, tập trung chủ yếu ở các điểm du lịch cộng đồng. Các hộ dân cải tạo ngôi nhà của mình và tự trang bị cho khách những đồ dùng cần thiết để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân của du khách. Đến với homestay, du khách có cơ hội tìm hiểu giá trị văn hóa bản địa, tập quán sinh hoạt, sản xuất, lao động, tham gia vào hoạt động lễ hội, văn hoá dân gian, cùng người dân sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, thưởng thức các món ăn truyền thống.

Nói đến văn hóa ẩm thực, không thể không kể đến sản vật nổi tiếng sông Quây Sơn ban tặng, đó là cá trầm hương, anh vũ. Mùa nào thức ấy, khách du lịch có thể thưởng thức các món ăn như: rau rừng, thịt trâu, thịt lợn gác bếp, lạp sườn, vịt om mác mật, cốm trộn hạt dẻ, xôi trám đen... gà thả đồi rất đặc trưng. Hay có những món ăn dân dã mà độc đáo như chuối rừng. Bắp chuối rừng non, mềm được thái thành những lát mỏng, ngâm trong nước muối nhạt. Sau đó, bắc chảo lên cho mỡ vào, khi đun nóng đến nhiệt độ thích hợp thì cho chuối vào xào chín, nêm gia vị vừa ăn là được. Đơn giản thế nhưng khi ăn sẽ là một bất ngờ bởi vị ngon ngọt, giòn của chuối rừng không thể lẫn với bất kỳ món nào. Vào những ngày se lạnh, người Trùng Khánh thường chế biến món canh bắp chuối với xương lợn. Món canh này ăn không hề ngán, thơm ngon và bổ dưỡng.
Mùa thu không chỉ mang màu của thời gian mà còn là mùa của tình yêu. Sau những giờ lao động trên ruộng, nương, những nam thanh, nữ tú gửi gắm biết bao tâm tình qua câu hát giao duyên, và cũng biết bao mối tình nên thơ nảy nở bên dòng sông thơ mộng đã trở thành miền ký ức của nhiều đôi lứa. Vào dịp này, ai ghé thăm vùng đất này còn được thưởng thức những làn điệu Then, đàn tính, lượn Phong Slư... đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Phong trào văn hóa văn nghệ được bảo tồn, giữ gìn và phát triển từ cơ sở. Tại các xóm, tổ dân phố, việc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian trở thành hoạt động thường xuyên, được người dân tham gia nhiệt tình. Hoạt động của các đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ ở cơ sở không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương mà còn là nơi truyền thụ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc cho thế hệ trẻ.  
Xuôi dòng Quây Sơn, đến xã Đàm Thủy, ngắm những cánh đồng lúa vàng trải dài bên sông, thấp thoáng mái nhà sàn trong sương chiều thấy như lạc vào khung cảnh thần tiên. Dòng Quây Sơn chảy đến địa phận Bản Giốc, bất chợt dòng nước từ trên cao đổ xuống vách đá tạo thành thác ba tầng như một dải thắt lưng lụa bạch trên nền áo xanh của rừng núi hùng vĩ.
Đến địa phương, khó có dịp bỏ lỡ để đến thăm làng Khuổi Ky có 100% hộ là dân tộc Tày với phong tục, tập quán, nếp sống sinh hoạt, trang phục thuần chất bản địa. Người Khuổi Ky chân tình, mến khách. Đến làng Khuổi Ky, du khách sẽ cảm nhận được bản sắc văn hóa riêng biệt của người Tày nơi đây. Năm 2008, làng Khuổi Ky được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người”, thu hút nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm, trải nghiệm. Từ đầu làng Khuổi Ky, đi hơn 1 km đến  động Ngườm Ngao, du khách có thể tham quan và khám phá vẻ đẹp kỳ thú của hang động do thiên nhiên tạo nên.
 

IMG 3173
Ngày mùa ở Chí Viễn (Trùng Khánh).

Trùng Khánh với vị trí là trung tâm của tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” trong hành trình khám phá Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, đang có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển du lịch bền vững, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, gắn với bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một mảnh đất tươi đẹp, giàu giá trị truyền thống ở miền biên viễn địa đầu Tổ quốc.

Huyện đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch huyện Trùng Khánh giai đoạn 2018 - 2021, tầm nhìn đến năm 2025”, ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án khai thác và phát huy tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa để thúc đẩy phát triển đột phá ngành du lịch. Đề án góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập xã hội của huyện; xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường; huy động tối đa nguồn lực tại chỗ, các dự án trong và ngoài nước để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch.
Khi mùa thu đến, xanh những dòng sông quê hương, nơi ai từng ghé qua và ngay cả những con người sinh ra, gắn bó với dải đất biên cương chắc hẳn trong ký ức đều có những kỷ niệm đẹp, da diết đến nao lòng. Ở Trùng Khánh, dòng sông Bắc Vọng, Quây Sơn vẫn ngày đêm tuôn chảy, minh chứng cho lịch sử về quá trình hình thành, phát triển với sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của vùng đất phên dậu, nơi những con người chân chất, cần cù ngày đêm bám trụ, giữ vững cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương (Bắc Giang) khi đến Trùng Khánh đã tâm sự: Gặp, trải nghiệm và thấy yêu một vùng non nước biên cương, phần nào hiểu được người nơi đây đã “kê cao quê hương” bằng cốt cách, bằng văn hóa và cả nghị lực sống phi thường. Những làn điệu dân ca Tày, Nùng chợt vút lên dưới những mái nhà giản dị nhắc chúng ta rằng, hãy yêu quê hương, sống vì quê hương hết mình theo cách riêng của mỗi người. Chúng tôi cảm thấy dường như mình đã mắc một món nợ nghĩa tình với nơi địa đầu Tổ quốc.

Nguồn tin: Ngọc Hương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây