Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Mê mẩn rau rừng miền non nước Cao Bằng

Ẩm thực cao Bằng luôn để lại rất nhiều ấn tượng thật khó quên trong lòng du khách, đặc biệt là các loại rau rừng. Chỉ cần nếm thử một lần, bạn sẽ phải tấm tắc, gật gù và vấn vương mãi với hương vị tuyệt vời ấy!

Rau ngót rừng

Cây rau ngót rừng (thân cây, thân leo) thường mọc ở trên núi đá và đâm chồi vào mùa xuân. Rau ngót rừng có 2 - 3 loại (lá to hoặc nhỏ và bông dài có hoa nhỏ li ti) thường để nấu canh.

2

Cách nấu: rau ngót rừng nhặt lá và rửa sạch (nếu rau ngót lá to vò qua lá). Nước nấu canh thêm chút thịt lợn băm, đun sôi thả rau ngót vào để sôi lại cho chín và thêm vừa đủ gia vị là được. Khi nấu chín, rau bắc ra vẫn có màu xanh, tỏa mùi thơm lá rau rất đặc trưng, ăn có vị ngọt, bùi và mát.

Rau dạ hiến

Rau dạ hiến (bò khai) có 2 loại màu xanh non và màu tím đỏ. Rau dạ hiến thường xào với thịt bò, thịt lợn, phở tươi hoặc mì tôm.

rau

Cách nấu: Ngọn rau ngắt thành từng đoạn non, rửa sạch. Thịt bò (hoặc thịt lợn) thái mỏng, tẩm ướp gia vị (không cho gừng). Xào riêng rau dạ hiến và thịt cho chín, sau đó xào trộn hai món lại với nhau. Gia vị vừa đủ. Khi chín tỏa mùi thơm cây rừng ăn có vị bùi, thơm nồng.

Rau dớn

Đây là loại rau rừng mọc hoang dại trên đá hay khe suối có hình dạng tựa như dương xỉ. Loại cây chỉ có ở vùng núi cao, nơi ngọn nguồn của sông, suối và thường mọc ở bờ suối, khe suối, nơi có độ ẩm ướt.

4

Cách chế biến khá đơn giản, rau dớn là loại rau đặc trưng của các dân tộc vùng cao. Bạn có thể chế biến rau dớn thành món nộm rau dớn hoặc rau dớn xào thịt bò.

Rau thau ca (phjắc ca)

Rau thau ca (tiếng Tày) là cây thân dây leo, có tay cuộn mọc trên những mỏm đá. Rau thau ca hái lá và ngọn non đem nấu canh có vị đắng ngọt và mùi thơm đặc trưng của rau rừng.

1

Rau ngải cứu

Rau ngải thường mọc ở ven chân núi đá, thân mềm. Cách nấu khá đơn giản. Ngắt rau lấy ngọn non và rửa sạch. Nước canh đun sôi cho thêm thịt băm, thả rau vào, gia vị vừa đủ, nếm chín bắc ra. Rau nấu chín màu xanh ăn có vị ngọt, thoang thoảng vị đắng.

Rau ngải còn giã nhỏ trộn với trứng và rán thành món trứng rau ngải; rau ngải nấu với gà tần, óc lợn hấp.

Măng rừng

Có rất nhiều loại măng như: măng vầu, măng nứa, măng mai, măng trúc, măng sặt, măng nứa, măng lay… Một số loại thì ngọt, có loại đắng. Màu sắc cũng khá đa dạng như: trắng, hơi vàng hay màu tím nhạt.

3

Các loại măng này đều có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như: luộc, xào, nấu canh, thịt nhồi măng, măng ớt, măng chua hoặc phơi khô để ăn dần… Cứ thế theo thời gian, măng đã trở thành món đặc sản khó quên của vùng cao.

Nếu có dịp đến Cao Bằng, đừng quên ghé thưởng thức các món đặc sản nổi tiếng trên. Chúc du khách sẽ có chuyến đi thuận lợi và thật nhiều trải nghiệm tuyệt vời cùng những người thân yêu của mình tại miền non nước Cao Bằng!

 

Tác giả bài viết: Hạ An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây