Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Lời mời gọi từ “xứ sở thần tiên” Cao Bằng

“Viên ngọc xanh” Cao Bằng thuộc vùng du lịch Trung du và miền núi phía Bắc, có trên 333km đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc, giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế đối ngoại. Miền non nước Cao Bằng với cảnh quan kỳ vỹ, nét văn hóa rực rỡ sắc màu là điểm đến lý tưởng cho sự lựa chọn của du khách.
Thác Bản Giốc - Ảnh Hoài Nam



Nơi phải đến ít nhất một lần trong đời

Chúng tôi gặp anh chị Quang Tuấn, Kim Huệ, cặp vợ chồng từ TP HCM ra thăm Cao Bằng tại khu phố đi bộ Kim Đồng (TP Cao Bằng) vào đầu tháng 4/2022 khi du lịch Cao Bằng mở cửa trở lại sau những tháng ngày dịch giã. Anh chị không giấu nổi niềm vui lấp lánh trong ánh mắt và nụ cười rạng rỡ khi được hòa mình trong dòng người tham quan chợ đêm. Anh chị bảo: đợi mãi rồi cũng đến được Cao Bằng vì đây là mảnh đất anh chị ao ước được một lần tới để được thăm khu Di tích Pác Bó, ngắm thác Bản Giốc, trải nghiệm văn hóa đặc sắc ở vùng đất Đông Bắc tổ quốc kỳ vĩ.

Hoang Xuan Anh

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết: Để đạt được mục tiêu đã đề ra về phát triển du lịch, Đảng bộ, chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm ban hành các cơ chế chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư, phát triển du lịch theo định hướng bền vững, xanh, sạch gắn liền với công tác bảo tồn văn hóa, tri thức bản địa, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Có lẽ ít có tỉnh nào ở khu vực Đông Bắc lại có quần thể di sản văn hóa khá đồ sộ với hơn 200 di tích, có98 di tích được xếp hạng. Trong đó có tới 03 Di tích quốc gia đặc biệt, 02 bảo vật Quốc gia; 04 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và UNESCO ghi danh Di sản nghi lễ Then Tày, Nùng, Thái vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Hiếm có địa phương nào có tới ba khu di tích đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt ở Cao Bằng đều gắn với tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các nhà tiền bối cách mạng khác của tỉnh, đất nước.

Thác Bản Giốc - Hoài Nam

Thác Bản Giốc - một trong những địa điểm đến hàng đầu tại Cao Bằng

Trong đó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó rộng trên 295 ha và có trên 50 điểm di tích, trở thành một trong những khu di tích có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống các di tích về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng thời kỳ 1941 - 1945.

Suối Lê Nin - KDT QGĐB Pác Bó - Hoài Nam
Suối Lê Nin - KDT QGĐB Pác Bó

Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nằm cách trung tâm thành phố Cao Bằng 50 km. Đây là nơi ghi dấu sự thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (ngày 22/12/1944), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Di tích được phân bố trên địa bàn 2 xã: Tam Kim, Hoa Thám (Nguyên Bình), gồm 5 điểm: rừng Trần Hưng Đạo, hang Thẳm Khẩu, đồn Phai Khắt, di tích Vạ Phá. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An gồm 4 cụm di tích: Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950, xã Đức Long; Cụm di tích cứ điểm Đông Khê, thị trấn Đông Khê; Cụm di tích Khau Luông, xã Đức Xuân; Cụm di tích Cốc Xả - điểm cao 477, xã Trọng Con.

“Viên ngọc xanh” Cao Bằng còn khiến nhiều du khách ao ước được một lần đến bởi những thắng cảnh tuyệt đẹp như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi (huyện Trùng Khánh); Quần thể hồ Thăng Hen (huyện Quảng Hòa) với hệ thống hang động ngầm có giá trị du lịch cao... Trong đó, có những giá trị nổi bật về hệ sinh thái, với sự hiện diện của nhiều giống loài quý hiếm như: Khu bảo tồn loài vượn Cao Vít (huyện Trùng Khánh), Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (huyện Nguyên Bình) với đặc trưng rừng rêu và đa dạng sinh học với trên 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý hiếm...

Mắt Thần Núi (điêm đến thuộc địa phận 2 huyện Quảng Hòa và Trùng Khánh)
Mắt Thần Núi (điểm đến thuộc địa phận 2 huyện Quảng Hòa và Trùng Khánh)

Không chỉ có những điểm đến nổi tiếng, nếu du khách muốn ngắm hoa tam giác mạch có thể lựa chọn đi du lịch Cao Bằng vào thời điểm cuối tháng 11 đầu tháng 12. Đây là thời điểm hoa Tam giác mạch Cao Bằng nở bạt ngàn triền núi khiến du khách mê mải ngắm đến quên lối về. Còn nếu là tín đồ của băng tuyết và mùa đông lạnh giá, du khách có thể lựa chọn đi du lịch Cao Bằng vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến hết tháng 1 sang năm. Thời tiết Cao Bằng vào thời gian này cực kỳ lạnh giá. Nhất là ở phía rừng Phja Oắc, do nhiệt độ hạ thấp mà tại vùng này và các vùng lân cận sẽ xuất hiện hiện tượng băng tuyết vô cùng thú vị.

Du khách đến với Cao Bằng có thể lựa chọn trải nghiệm tại các địa danh nổi bật nằm trong các tuyến Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với 3 tuyến. Trong đó, tuyến số 1 sẽ là hành trình khám phá Phja Oắc - Vùng núi của những đổi thay: Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo…

Tuyến số 2 sẽ là hành trình về nguồn cội: Thăm Đền Vua Lê, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Di tích lịch sử Kim Đồng…

Tuyến số 3 sẽ giúp du khách có những trải nghiệm văn hóa bản địa không thể quên ở “xứ sở thần tiên” với những địa danh: Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao, Mắt Thần Núi và Hồ Thăng Hen; tìm hiểu nghề rèn truyền thống Phúc Sen, làng làm hương Phja Thắp… 

Du khách thích tìm hiểu cuộc sống bà con các dân tộc thì lựa chọn các điểm du lịch cộng đồng còn giữ nguyên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc như làng dân tộc Dao Tiền, Hoài Khao (huyện Nguyên Bình), làng dân tộc Lô Lô, Khuổi Khon (Bảo Lạc), làng đá Khuổi Ky (Trùng Khánh)…Các điểm du lịch khám phá trải nghiệm như đèo 15 tầng Khau Cốc Chà (huyện Bảo Lạc) chắc chắn sẽ là những điểm đến khiến cho hành trình ở Cao Bằng thêm thú vị.

Ẩm thực độc đáo, gây “thương nhớ” cho khách du lịch

Không chí có cảnh đẹp mê hồn, Cao Bằng còn gây ‘nghiện” cho du khách với ẩm thực và những sản vật độc đáo. Đó là miến dong Phia Đén (huyện Nguyên Bình), quả lê và thạch đen (huyện Thạch An), hạt dẻ và thạch trắng Mác Púp (huyện Trùng Khánh), chè giảo cổ lam, hà thủ ô đỏ...

Đặc sản Cao Bằng

Không chí có cảnh đẹp mê hồn, Cao Bằng còn gây ‘nghiện” cho du khách với ẩm thực và những sản vật độc đáo

Địa phương còn nổi tiếng như một thiên đường ẩm thực, với các món ăn, sản vật đặc trưng; trong đó có một số sản vật đã được công nhận như: Lê Đông Khê lọt vào top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2012; Bánh Cóong phù lọt vào top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam năm 2015; Xôi trám, Bánh Coóng phù, Hạt dẻ top 100 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam năm 2021...

Xây thương hiệu cho du lịch Cao Bằng

Nói về câu chuyện định vị thương hiệu du lịch Cao Bằng, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết: Cao Bằng hiện nay đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển một điểm đến. Miền non nước Cao Bằng với cảnh quan kỳ vỹ, nét văn hóa rực rỡ sắc màu là điểm đến lý tưởng cho sự lựa chọn của du khách. Để đạt được mục tiêu đã đề ra về phát triển du lịch, Đảng bộ, chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm ban hành các cơ chế chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư, phát triển du lịch theo định hướng bền vững, xanh, sạch gắn liền với công tác bảo tồn văn hóa, tri thức bản địa, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Từ đó xây dựng hình ảnh, khẳng định thương hiệu, vị thế du lịch Cao Bằng tại thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

Theo đó, Cao Bằng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nội dung đột phá chiến lược về Du lịch Dịch vụ đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Quyết tâm xây dựng hình ảnh, khẳng định thương hiệu, vị thế du lịch Cao Bằng tại thị trường du lịch trong nước và quốc tế, từng bước đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững là 01 trong 03 nội dung đột phá phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Hồ Bản Viết, huyện Trùng Khanh
Hồ Bản Viết, huyện Trùng Khanh

Tỉnh sẽ triển khai hiệu quả Kế hoạch thực thi Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch Thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), hướng tới xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh, là hình mẫu trong quan hệ hợp tác với nước bạn Trung Quốc.

Để thu hút các nguồn lực, Cao Bằng tiếp tục tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư, nhất là thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các khu di tích quốc gia đặc biệt, các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; tập trung nguồn lực xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ du lịch. Đi đôi với đó là quan tâm đầu tư phát triển hệ thống nhà hàng, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch…đáp ứng nhu cầu của du khách.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh: Riêng trong lĩnh vực du lịch, tỉnh tập trung triển khai hiệu quả xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP; khuyến khích, ứng dụng công nghệ số kết hợp và hỗ trợ các hãng công nghệ trong và ngoài nước trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Cao Bằng. Xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc, với mục tiêu xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới

Dốc 15 tầng - Đèo Khau Cốc Chà ở xã Xuân Trường, Bảo Lạc
Dốc 15 tầng - Đèo Khau Cốc Chà ở xã Xuân Trường, Bảo Lạc

Được biết thời gian qua, riêng trong lĩnh vực du lịch, Cao Bằng đã tập trung triển khai hiệu quả xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP; khuyến khích, ứng dụng công nghệ số trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Cao Bằng.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng phục vụ, tỉnh chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác du lịch. Phấn đấu đến năm 2025, thực hiện đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cho trên 700 lao động trực tiếp.

Phục hồi du lịch trong điều kiện bình thường mới

Từ cuối tháng 3/2022, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch 651về việc tổ chức các hoạt động phục hồi và mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới. Năm nay, tỉnh đặt mục tiêu đón 1 triệu lượt khách trong nước và 30.000 lượt khách quốc tế.

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh du lịch Cao Bằng “Thân thiện, an toàn và hấp dẫn”; Công viên địa chất non nước Cao Bằng – “Xứ sở thần tiên”… Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch có quy mô lớn tại các địa phương có thị trường khách lớn như: Tuần Văn hóa du lịch Việt Bắc tại Hà Nội; Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” Hà Giang 2022; Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng tại Hà Nội; Giải Maraton tranh cúp “Thác Bản Giốc”; Liên hoan hát Then- Đàn tính tỉnh Cao Bằng; Liên hoan ẩm thực Non nước Cao Bằng; Lễ hội du lịch thác Bản Giốc…

Tỉnh cũng sẽ triển khai nhiều gói kích cầu du lịch như: Khuyến khích các khu, điểm đổi mới, cải tạo cảnh quan, khuôn viên đẹp; Giảm giá vé tham quan các đoàn đông người hoặc có các chính sách hỗ trợ phù hợp; giảm giá thành, khuyến mại đi kèm sản phẩm địa phương; tổ chức các sự kiên, hoạt động văn hóa, văn nghệ tại các khu, điểm vui chơi; tiếp tục xây dựng và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc và phù hợp với nhu cầu thị trường…

Thời gian này, Cao Bằng tổ chức vận hành Điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon (Bảo Lạc); khai trương điểm “check in” đỉnh cao Phja Oắc, điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao; bay dù lượn tại thung lũng treo Tĩnh Túc (Nguyên Bình); Tổ chức Tuần Văn hóa – Thể thao - Du lịch thành phố Cao Bằng; khai trương phố đi bộ ven sông Bằng (TP Cao Bằng)…

Cao Bằng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: đón khoảng 3 triệu khách du lịch, trong đó đạt 2,7 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu du lịch đạt trên 1.400 tỷ; thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng; tỷ trọng du lịch đến năm 2025 chiếm 5-6% trong tổng GDP toàn tỉnh.

Nguồn tin: phapluatmedia.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây