Kích cầu du lịch Cao Bằng từ sản phẩm quà tặng
- Thứ bảy - 16/12/2023 20:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với chủ đề “Non nước Cao Bằng - Xứ sở thần tiên”, Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng tại Hà Nội tổ chức vào tháng 12 năm 2023 được kỳ vọng sẽ tạo đà cho du lịch Cao Bằng phát triển bứt phát trong năm 2024.
Với hơn 20 gian hàng tại khu vực nhà Bát Giác, vườn hoa Lý Thái Tổ chào đón du khách tham quan, trải nghiệm các sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống, quà tặng, đặc sản Cao Bằng. Ngày hội là một món quà ý nghĩa gửi tặng nhân dân và du khách gần xa; góp phần tạo cầu nối văn hóa, để du khách thêm hiểu, thêm yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp.
Các gian hàng trưng bày và giới thiệu hàng trăm sản phẩm quà tặng, đặc sản, sản vật địa phương, bao gồm: sản phẩm quà tặng của các làng nghề, nghề truyền thống (làng rèn, nghề làm nón Nùng, nghề dệt thổ cẩm, nghề làm đàn Tính, nghề in hoa văn bằng sáp ong và thêu trên vải của người Nùng, nghề dệt thổ cẩm của người Tày); sản phẩm thủ công các dân tộc, sản phẩm quà tặng đặc sản của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gia đình trên địa bàn 10 huyện, thành phố.
Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng tại Hà Nội tạo cơ hội để những cơ sở sản xuất quà tặng, đặc sản được tiếp cận với đông đảo du khách, góp phần giới thiệu, quảng bá những sản phẩm Cao Bằng.
Cao Bằng hiện có 112 nghề thủ công truyền thống, 21 làng nghề, trong đó có 7 làng nghề truyền thống được công nhận, gồm: Làng nghề rèn Phúc Sen, Làng nghề hương Phia Thắp, Làng nghề giấy bản Quốc Dân, Làng nghề làm đường phên Bó Tờ và Làng nghề làm hương thảo mộc xóm Nà Kéo; Làng nghề làm nón lá Hoàng Diệu, Làng nghề làm ngói đất nung Lũng Rì. Tuy nhiên, sản phẩm quà tặng của các làng nghề, nghề thủ công truyền thống xuất hiện còn rất khiêm tốn trong các khu, điểm du lịch. Hiện nay, những sản phẩm quà tặng được quảng bá, giới thiệu tới du khách phần lớn là sản phẩm quen thuộc như: nón Nùng, dao Phúc Sen, hương thảo mộc, bánh khẩu sli, bánh khảo… Nhiều mẫu mã vẫn theo lối cũ, thiếu ý tưởng thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm mới, chưa am hiểu về xu hướng thị trường nên chưa hấp dẫn được du khách.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm quà tặng của địa phương, kích thích nhu cầu mua sắm, tăng chi tiêu đối với du khách, ngành du lịch Cao Bằng và các địa phương trong tỉnh cần tổ chức các cuộc thi thiết kế sáng tạo sản phẩm quà tặng du lịch thường niên, tạo cầu nối giữa các làng nghề, cơ sở sản xuất quà tặng với người dân và du khách. Đồng thời, tăng cường công tác liên kết, quảng bá, tiếp thị sản phẩm; đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, xây dựng cơ sở giới thiệu sản phẩm, quà tặng để tạo điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.