Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Hướng đi mới trong phát triển du lịch

Những năm gần đây, nhiều du khách có xu hướng tìm đến các mô hình du lịch nông nghiệp với mong muốn được trải nghiệm cảm giác “một lần làm nông dân”, để gần gũi với thiên nhiên. Vì thế, du lịch nông nghiệp đang trở thành mô hình kinh doanh đầy tiềm năng, triển vọng “vàng” cho ngành công nghiệp không khói của tỉnh.
Du khách trải nghiệm nghề làm hương tại xóm Phja Thắp, xã Quốc Dân (Quảng Uyên).

LỰA CHỌN HÀNG ĐẦU CỦA DU KHÁCH

Với lợi thế phong cảnh đẹp, khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên và môi trường hài hòa, vùng Phja Oắc - Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình) có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Hiện nay, trong vùng có 3 cơ sở kinh doanh lưu trú với 25 phòng nghỉ cùng một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

“Mỗi tháng, khu nghỉ dưỡng của tôi đón khoảng 300 khách du lịch, đặc biệt, trên 50% du khách đến đây nghỉ dưỡng  là khách nước ngoài” - đó là chia sẻ của ông Hoàng Mạnh Ngọc, chủ khu nghỉ dưỡng sinh thái Kolia tại xã Thành Công (Nguyên Bình).

Nói về ý tưởng xây dựng khu nghỉ dưỡng tại một địa danh vốn nổi tiếng và được mệnh danh là “Đà Lạt” của Cao Bằng, ông Ngọc cho biết: Vùng Phja Oắc - Phja Đén ẩn dưới màn sương mù bao phủ quanh năm, bồng bềnh mây trôi, dưới đó là thảm thực vật đa dạng, phong phú; đồng thời là vùng vốn nổi tiếng với loại chè xuân, nên tôi nảy sinh ý tưởng xây dựng khu nghỉ dưỡng kết hợp mở các tour cho du khách trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt cùng với người dân bản địa về thu hoạch chè, trồng rau. Trong đó, dịch vụ trải nghiệm thu hoạch chè được nhiều du khách chọn lựa nhất.

Du khách Martin Wendley đến từ New Zealand vừa có chuyến du lịch thú vị tại Kolia chia sẻ: Nhóm của chúng tôi có 4 người, đã có khoảng thời gian trải nghiệm thật tuyệt vời khi ở Kolia. Lần đầu tiên tôi được tự tay hái chè và thưởng thức những món ăn của người bản địa. Người dân ở đây rất cởi mở, thân thiện, họ nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi cách thu hoạch chè và kể cho chúng tôi những câu chuyện thú vị liên quan tới cây chè, cây dong riềng, nguyên liệu làm nên miến Phja Đén nức tiếng. Chắc chắn chúng tôi sẽ quay trở lại nơi này.

TRẢI NGHIỆM DU LỊCH NÔNG NGHIỆP

Trong hành trình khám phá du lịch Cao Bằng, không thể không nói tới vườn dâu tây hiện nay là điểm đến yêu thích của nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ. Cảm giác được tự tay thu hái những quả dâu tây chín mọng rồi thưởng thức ngay tại vườn dâu khiến cho nhiều người hào hứng và tỏ ra thích thú khi đến đây.

Hiện, mô hình trải nghiệm thu hái dâu tây mà khách du lịch tìm đến khi tới Cao Bằng khá đông là vườn dâu công nghệ cao của chị Đoàn Thu Trà, xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo (Thành phố). Với diện tích khoảng 1.500 m2 nhà lưới, 0,5 ha ngoài trời, dâu tây tại đây được trồng và chăm sóc tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, sản xuất sạch, công nghệ cao, sử dụng phân hữu cơ với mức độ vừa phải, tạo môi trường cho trái dâu phát triển thuận lợi, đem lại năng suất vượt trội. Khi thu hoạch, dâu tây cho chất lượng quả to hơn, ngọt hơn. Khách đến tham quan, trải nghiệm có thể tự hái ngay tại vườn và mua với mức giá từ 150 - 250 nghìn đồng/kg, tùy loại dâu và tùy mùa. Riêng trong vụ dâu đầu tiên đã thu hút hơn 1.500 lượt khách đến tham quan và thu hoạch tại vườn.

Chị Đoàn Thu Trà cho biết: Ở đây, khách du lịch có thể thoải mái tham quan, chụp ảnh vườn dâu miễn phí. Trong đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2019, vườn dâu của chúng tôi đón hàng trăm lượt khách đến tham quan và đã bán khoảng 150 kg dâu tây cho du khách. Thông qua mô hình trải nghiệm thu hái dâu này, chúng tôi mong muốn khách du lịch sẽ đến với Cao Bằng nhiều hơn và biết tới sản phẩm dâu tây sạch của chúng tôi.

Để thu hút khách và nâng cao chất lượng dâu tây, hiện vườn dâu của chị Trà đang trong thời gian cải tạo đất, chỉnh trang nhà lưới, bổ sung hệ thống tưới tiêu tự động. Với những lợi thế sẵn có về địa hình, thiên nhiên, con người ở vùng cao, thì cách làm du lịch này sẽ là một trong những hướng đi bền vững, giúp du lịch phát triển hơn trong thời gian tới.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp với dịch vụ trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, các nghề truyền thống tại các điểm du lịch, như: Làng du lịch cộng đồng Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên); Làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Thế Vinh cho biết: Hiện nay, những mô hình du lịch nông nghiệp mặc dù mới hình thành và đưa vào khai thác nhưng đã nhanh chóng trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của tỉnh, được nhiều du khách biết đến. Do vậy, trong thời gian tới loại hình du lịch kết hợp nông nghiệp sẽ là mô hình được nhiều người kinh doanh du lịch hướng tới.

Lợi thế của các vùng du lịch đặc hữu ở các huyện cũng tạo ra lợi thế “vàng” cho du lịch nông nghiệp tại Cao Bằng. Điển hình như việc một số hộ dân cho trải nghiệm đập hạt dẻ; trải nghiệm hái hồng không hạt; trải nghiệm du lịch đồi chè; du lịch trải nghiệm làm dao, búa tại các làng nghề...

Trong 3 năm trở lại đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hoạt động lễ hội du lịch, trong đó có những hoạt động tổ chức trải nghiệm “Một ngày làm nông dân” để cho du khách cùng nông dân bản địa khám phá phương thức canh tác của đồng bào các dân tộc thiểu số trên nương, ruộng ngày mùa, cùng nông dân cày ruộng, cùng đi cấy, cùng thu hoạch lúa...

Tất cả những trải nghiệm với nông dân đã khiến cho du khách khi đến với Cao Bằng có kỳ nghỉ dưỡng tuyệt vời, khám phá bản sắc văn hóa cũng như góp phần thúc đẩy nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.    

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây