Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Hấp dẫn du lịch cộng đồng tại Hoài Khao

Là một điểm du lịch được du khách gần xa biết đến như là chiếc nôi văn hóa của dân tộc Dao Tiền tại xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đến với xóm Hoài Khao, du khách được trải nghiệm nét đẹp mộc mạc, nguyên sơ và gặp gỡ những con người thân thiện, mến khách.
hoài khao


Xóm Hoài Khao nằm trong quần thể núi Lũng Cam - Phja Oắc, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình.

Nằm nép mình dưới một thung lũng trong quần thể núi Lũng Cam - Phja Oắc, xóm Hoài Khao với 34 hộ dân vẫn giữ được những nét truyền thống của dân tộc Dao Tiền. Vượt qua con dốc Phù Chây, Hoài Khao như một bức tranh đẹp níu bước chân du khách phải dừng lại để chiêm ngưỡng. Những nếp nhà được xây dựng bằng gỗ, mái ngói âm dương, kho thóc để trước cửa như nét văn hóa đặc trưng chờ du khách đến khám phá.

Giữa trưa một ngày tháng 8, trời nắng nóng gay gắt nhưng ở Hoài Khao rất mát mẻ. Những cơn gió từ rừng nguyên sinh thổi về khiến du khách cảm thấy thư thái, dưới chân núi, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, trải dài theo sườn đồi thơ mộng. Trong ngôi nhà gỗ 3 gian rộng gần trăm mét vuông, ông Chu Khánh Thịnh cho biết: Xóm có 2 dòng họ Chu, Lý sinh sống, các nét văn hóa đặc sắc của người Dao Tiền được gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ sau, nhà ở vẫn giữ nguyên như từ xa xưa. Người Dao Tiền có nghề chạm bạc tinh xảo, nghề dệt truyền thống, thêu hoa văn váy áo, in hoa văn trên váy bằng sáp ong. Những nét sinh hoạt văn hóa, ẩm thực và các phong tục tập quán đậm đà bản sắc như: lễ cấp sắc, mừng lúa mới… vẫn được bà con duy trì.
 

hoài khao1

Phụ nữ xóm Hoài Khao gìn giữ và phát triển nghề thêu hoa văn trên váy áo, in hoa văn bằng sáp ong.

Bà Triệu Thị Chài cho biết: “Để duy trì và gìn giữ nghề in hoa văn bằng sáp ong, các bé gái từ 10 tuổi đã được các mẹ, các bà truyền dạy. Sáp ong dùng để in hoa văn trên trang phục của người Dao Tiền ở Hoài Khao thường là sáp ong Khoái được bà con nhân dân thu hoạch tại 2 hang ong Tà Lạt, Sán Vình. Những phụ nữ trong xóm Hoài Khao đều tự may trang phục, trung bình mỗi người sẽ có từ 10 đến 30 bộ mặc khi tham gia lao động và các dịp lễ, tết quan trọng”.

Bên những nếp nhà được xây dựng bằng gỗ, mái ngói âm dương, mỗi gia đình ở Hoài Khao có một kho chứa thóc làm bằng gỗ để tách biệt với nhà chính. Những kho chứa thóc cũng là nét riêng độc đáo chỉ có ở Hoài Khao. Theo anh Chu Khánh Kiềm, trưởng xóm Hoài Khao, từ xa xưa, bà con xóm Hoài Khao đã có truyền thống làm kho chứa thóc bằng gỗ tách biệt với nhà chính, mục đích ban đầu để khi có hỏa hoạn trong nhà thì kho chứa thóc vẫn an toàn, bà con vẫn còn lương thực. Ngày nay, bà con vẫn giữ nét riêng độc đáo này, du khách đến đây ai cũng thích thú, tìm hiểu về kho chứa thóc.
 

hoài khao3

Mỗi gia đình có một kho chứa thóc làm bằng gỗ để tách biệt với nhà chính, là nét riêng độc đáo chỉ có ở Hoài Khao.

Người Dao Tiền ở Hoài Khao sống gần gũi với thiên nhiên, có ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường. Rừng nơi đây được bảo vệ, có nhiều cây to, cây cổ thụ, như minh chứng về sự gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên. Trong xóm có cây Nhội mọc tự nhiên, là cây đơn thân, mọc thẳng, tán tỏa đều xung quanh. Cây Nhội là cây cổ thụ được người dân lập miếu bảo vệ, có ý nghĩa thiêng liêng như cây thần thánh. Với những cánh rừng cổ thụ giàu giá trị đa dạng sinh học và nét văn hóa truyền thống cổ xưa, rất nhiều du khách đã tìm đến xóm Hoài Khao để được đắm mình vào thiên nhiên hoang dã, trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao Tiền sau những ngày làm việc vất vả nơi phố thị, giúp Hoài Khao trở thành điểm hẹn của rất nhiều du khách, là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng theo hướng hiệu quả, bền vững.

Thực hiện chủ trương gắn kết giữa phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc, huyện Nguyên Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng và nhân dân, trong đó yếu tố con người được chú trọng, phát huy. Phối hợp với các ngành liên quan, đặc biệt là ngành văn hóa tham mưu, hướng dẫn việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Hiện xóm đã xây dựng 7 homestay; 3 nhà trưng bày đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ lao động sản xuất; 3 bộ bàn ghế tại 3 chòi nghỉ dừng chân; thực hiện dịch vụ ngâm chân tại 1 nhà; lắp đặt 9 thùng rác tại các điểm quy định; nâng cấp nhà văn hóa; bảo tồn một số phong tục, tập quán; trồng các loại hoa, hàng rào 2 bên đường phù hợp với bản sắc địa phương; đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở gồm các tuyến đường, mương thủy lợi, điện trị giá trên 25 tỷ đồng phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhiều tuyến đường được bê tông hóa, có hàng rào và hoa, đường đi lại khang trang, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn phối hợp với các đơn vị tổ chức bồi dưỡng cho người dân kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng tiếp đón, phục vụ khách du lịch, văn hóa giao tiếp ứng xử, phát triển du lịch cộng đồng bền vững, có trách nhiệm với môi trường tự nhiên,… Thúc đẩy kết nối, hình thành các tuyến du lịch gắn với các địa danh của địa phương như: Phja Đén, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo…
 

hoài khao2

Hoài Khao được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hiếm có với quần thể núi, rừng, thung lũng, suối và những thửa ruộng bậc thang say đắm lòng người.

Mùa thu, Hoài Khao khoác lên mình diện mạo rực rỡ với thung lũng lúa vàng nặng trĩu bông… Đến với Hoài Khao, du khách sẽ được ngắm những bông lúa chín vàng óng ả như những thảm lụa, hương lúa tỏa trong không khí mùa thu, nhâm nhi chén rượu ngô thơm nồng, cùng những món ăn dân dã chứa đựng cả hương đất, hương trời nơi đây; cảm nhận được tình cảm nồng ấm của người dân bản địa, cùng họ quây quần bên bếp lửa, nghe họ kể về cuộc sống, phong tục, tập quán mang đậm bản sắc văn hóa của người Dao Tiền.

Tác giả bài viết: Lương Thanh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây