Háng Sléng - Chợ tình nơi miền biên viễn
- Thứ hai - 06/05/2019 14:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Về văn hóa, giáo dục, tiếp thu nghệ thuật cung đình ở Thăng Long, nhà Mạc khéo bổ sung văn hóa nghệ thuật dân gian ở Cao Bằng như: kèn, sáo, nhị, đàn tính, xóc nhạc, lượn Then, lượn slương, lượn Nàng Hai, múa Sluông... phục vụ văn hóa nghệ thuật trong cung đình nhà Mạc; tổ chức các hội hè cùng dân chúng chung vui, chọn các thanh niên có năng khiếu đàn giỏi, hát hay để truyền thụ văn hóa dân tộc; cải biên, nâng cao các bài hát của bụt, mo, tào, gẩy đàn tính đơn thuần, có thêm những nhịp sử dụng làm cho đời sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc ngày càng phong phú; sáng tác các bài thơ có nội dung giáo dục nhân dân chung sống thuận hòa, dạy dân làm điều thiện, thắng cái ác để thanh niên có đủ sức, đủ tài xây dựng đất nước giàu mạnh, có nếp sống văn minh bản địa.
Theo các cụ cao niên kể lại, trước đây lễ hội Háng Sléng tổ chức tại Tà Lùng có nhiều trò chơi dân gian, như: tranh đầu pháo, thi đấu cờ người, nhiều đội kỳ lân các xóm tham gia thi đấu như: Pác Lò, Bản Chu, xã Đại Sơn; Nà Riềng, xã Mỹ Hưng (Phục Hòa); xóm Bản Néng, xã Thụy Hùng (Thạch An)...
Lễ hội Háng Sléng năm nay được tổ chức vào thứ Hai, ngày 22/4/2019 (18/3 âm lịch) đã thu hút hàng vạn người từ các huyện như: Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Trà Lĩnh, Thạch An, Hòa An và Thành phố đến tham dự. Lễ hội được tổ chức gồm hai phần: Phần lễ bắt đầu với nghi lễ rước ảnh Bác Hồ; đoàn múa rồng, múa kỳ lân đến tế lễ đền vua Lê tại phố Phục Hòa. Đồ tế lễ, gồm: lợn quay, gà, xôi, hoa quả… với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Phần hội được tổ chức với chương trình văn nghệ đặc sắc, múa rồng, múa kỳ lân và nhiều trò chơi dân gian như: lày cỏ, bịt mắt bắt vịt, chọi gà và giao lưu bóng chuyền.
Đồng chí Đinh Văn Xuyến, Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Thuận, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội Háng Sléng cho biết: Lễ hội Háng Sléng của Phục Hòa được tổ chức thường niên vào đúng ngày 18/3 âm lịch, là lễ hội lớn nhất của huyện. Những năm gần đây, kinh tế - xã hội địa phương phát triển, hoạt động văn hóa của lễ hội phong phú hơn, đã khôi phục được nhiều trò chơi dân gian truyền thống.
Hiện nay, thành Nhà Mạc (Phục Hòa) đã được công nhận là Di tích lịch văn hóa cấp tỉnh, tuy nhiên chưa được đầu tư tôn tạo, đặc biệt là nơi thờ tự Vua Lê. Mong muốn thời gian tới, thành nhà Mạc (Phục Hòa) cũng như đền Vua Lê được đầu tư xây dựng, bảo tồn tương xứng với giá trị lịch sử, văn hóa, tạo điều kiện cho du khách đến với lễ hội được vãn cảnh di tích và sinh hoạt văn hóa...
Lễ hội Háng Sléng của huyện Phục Hòa là lễ hội truyền thống của người dân trong vùng cũng như của tỉnh đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Sau lễ hội Háng Sléng, Phục Hòa còn có lễ hội Nàng Hai tổ chức tại xã Tiên Thành vào ngày 23/3 âm lịch. Đây là lễ hội đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2017.