Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Đưa những miền quê trở thành “nơi đáng sống”

Phát triển du lịch gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn tỉnh đang dần biến các bản làng heo hút thành những nơi đáng sống với khí hậu trong lành, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, người dân thân thiện, hạ tầng ngày càng phát triển và hoàn thiện. Qua đó, giúp ngành du lịch tỉnh có thêm động lực để phát triển.
Vùng quê yên bình hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm.

GẮN PHÁT TRIỂN DU LỊCH VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Chúng tôi có dịp trở lại thăm một số xóm du lịch của huyện Quảng Uyên - một trong những điểm sáng trong phát triển du lịch gắn với Chương trình XDNTM. Những nếp nhà sàn rộn ràng du khách đến tham quan đều được người dân vui vẻ đón tiếp, giới thiệu phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt, đồng thời hướng dẫn du khách trải nghiệm các hoạt động thường nhật của bà con như: làm hương, rèn dao, gói bánh…, tạo nên bức tranh đa sắc màu sinh động về một cuộc sống mới.

Quảng Uyên từ lâu được biết đến với du lịch làng nghề, từ khi gắn phát triển du lịch với XDNTM, hệ thống giao thông và các công trình cộng đồng ở các xóm du lịch đã được quan tâm đầu tư; người dân tích cực, tự giác trong bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống để tạo sức hút đối với du khách.

Năm 2016, xã Phúc Sen được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đóng góp vào kết quả chung đó có một phần quan trọng từ chủ trương gắn phát triển du lịch với XDNTM tại xóm Pác Rằng nói riêng và toàn xã nói chung. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; bà con trong xã tự nguyện đóng góp trên 8 tỷ đồng, hiến 1.896 m2 đất mở mới 25,5 km đường nông thôn, cứng hóa trên 12 km đường nội đồng.

Không chỉ huyện Quảng Uyên, các địa phương khác trong tỉnh đang phát huy hiệu quả việc gắn phát triển du lịch với XDNTM. Điển hình như xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), là địa bàn biên giới có Khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao nên thời gian qua, việc phát triển du lịch đã đóng góp thiết thực vào các tiêu chí XDNTM. Xã đang phấn đấu đến năm 2020 về đích nông thôn mới và được công nhận là thị trấn du lịch.

Du khách trải nghiệm homestay tại xóm Phja Thắp, xã Quốc Dân (Quảng Uyên).

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Trùng Khánh Lương Văn La, ngoài XDNTM gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xã Đàm Thủy đang đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ khu vực thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao. Xã Đàm Thủy được đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong đó, nâng cấp tuyến tỉnh lộ 206 thành quốc lộ 3 kéo dài đã rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương với thác Bản Giốc và huyện Trùng Khánh.

Đây là một trong những trục kết nối sự phát triển giữa Cao Bằng với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là cầu nối giao thương giữa Trùng Khánh với những địa phương khác. Để phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, xã đặc biệt quan tâm khai thác các dịch vụ du lịch nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Hiện, trên địa bàn xã có 470 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại, chiếm 1/3 tổng số hộ dân ở địa phương; có hộ thu nhập đạt 100 triệu đồng/năm.

KHI NGƯỜI DÂN LÀM DU LỊCH

Những vùng quê nông thôn chính là điểm đến có nhiều yếu tố tài nguyên quan trọng, hấp dẫn để xây dựng thương hiệu du lịch, như: không gian du lịch hấp dẫn, cảnh quan sinh thái, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán được truyền tải qua kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực trong đời sống hằng ngày của người dân khu vực nông thôn.

Việc phát triển du lịch ở nông thôn đã góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản về XDNTM, nhất là vấn đề tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Loại hình du lịch đặc sắc ở các khu, điểm du lịch chính là dịch vụ lưu trú homestay hay còn gọi là du lịch cộng đồng. Sự phát triển của loại hình du lịch này đã làm thay đổi diện mạo làng quê và đời sống của người dân. Họ có thể đảm nhiệm cùng lúc nhiều công việc khác nhau để phục vụ du khách, du lịch với họ không chỉ là hướng chuyển đổi nghề nghiệp mà còn giúp họ ngày càng có điều kiện tham gia vào việc XDNTM ở địa phương.

Gia đình ông Hoàng Ngọc Kim, xóm Phja Thắp, xã Quốc Dân (Quảng Uyên) trước đây vốn chỉ sản xuất nông nghiệp, quanh năm gắn bó với đồng ruộng, năm 2017, ông mạnh dạn thử sức với một công việc khá mới mẻ, đó là làm du lịch dịch vụ homestay. Thời gian đầu khách đến chưa nhiều, nhiều thứ còn bỡ ngỡ, lâu dần thông qua các đoàn khảo sát, gia đình ông kết nối với một số công ty du lịch lữ hành ở Hà Nội và một số tổ chức hoạt động về du lịch, đến nay hoạt động dịch vụ du lịch homestay của gia đình ông ngày càng có quy mô, bài bản. Khách du lịch đến đây có cả trong và ngoài nước như: Anh, Úc, Pháp, Mỹ…

Ông Kim chia sẻ: Tôi không nghĩ rằng những công việc nhà nông như xay thóc, giã gạo, cày cấy, làm hương hay những món ẩm thực bình dị hằng ngày của người dân miền núi lại được nhiều du khách nước ngoài thích thú như vậy. Tôi đặc biệt coi trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa, môi trường để thu hút du khách, đảm bảo nguồn khách ổn định. Trung bình một tháng cho thu nhập hơn 30 triệu đồng.

Anh Andy Tallett, du khách đến từ nước Anh vui vẻ nói: Tôi rất bất ngờ, không nghĩ rằng khi đến Cao Bằng lại có cơ hội được trải nghiệm những điều thú vị. Thời tiết, khung cảnh tuyệt vời, người dân ở đây rất nhiệt tình và thân thiện. Tôi rất muốn đi xe đạp xung quanh làng, tìm hiểu văn hóa và cuộc sống của người dân, học cách nấu các món ăn dân dã với họ để tìm hiểu về phong tục, tập quán và văn hóa của người dân nơi đây.

Du khách trải nghiệm làm bánh chưng truyền thống cùng người dân.

Tại huyện Trùng Khánh, loại hình du lịch homestay cũng mới phát triển 2 năm trở lại đây. Anh Triệu Ích Sỹ, chủ cơ sở homestay Yến Nhi, xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy cho biết: Từ ngày có dịch vụ này, gia đình tôi cũng như các hộ gia đình trong xóm có thêm thu nhập, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào làm nông nghiệp như trước đây, tuy chưa ổn định song cũng góp phần quan trọng làm thay đổi cuộc sống.

Có thể nói, phát triển du lịch đã có nhiều đóng góp tích cực trong XDNTM tại các địa phương. Nhờ đó, cảnh quan, môi trường, đời sống văn hóa tinh thần của nhiều khu vực nông thôn thay đổi đáng kể. Hy vọng rằng, du lịch Cao Bằng nói chung và du lịch các vùng nông thôn nói riêng trong những năm tiếp theo ngày càng khởi sắc và phát triển, khi nhận thức của các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thay đổi sẽ cuốn hút cộng đồng cùng chung tay tạo dựng nên những miền quê “đáng sống”.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây