Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Du lịch cộng đồng trên mảnh đất đa sắc màu văn hóa

“Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”, đó là câu ca dao nói đến Cao Bằng - vùng đất tươi đẹp nơi địa đầu Tổ quốc. Thiên nhiên dường như đã dành sự ưu ái không nhỏ khi ban tặng nơi đây biết bao danh thắng tuyệt đẹp, những cảnh sắc hùng vĩ đậm chất thơ với suối, thác, rừng, núi trùng điệp cùng với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thấm đẫm tình đất, tình người của một vùng sơn cước. Đây là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút riêng cho du lịch Cao Bằng, đặc biệt là du lịch trải nghiệm tại cộng đồng.
Bản Lô Lô Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc).

NHỮNG ĐIỂM DỪNG CHÂN HẤP DẪN DU KHÁCH

Cao Bằng là vùng đất cổ có bề dày lịch sử văn hóa, một trong những cái nôi của dân tộc Việt Nam. Tạo hóa thiên nhiên cho miền non cao những cảnh sắc tuyệt đẹp làm say đắm lòng người không nơi nào có được, như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, núi Mắt Thần - thác Nặm Trá, hồ Thang Hen, khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén…

Đặc biệt hơn cả, Cao Bằng còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô… với kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú và đặc sắc bởi các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực. Có thể nói, đây là thế mạnh để Cao Bằng phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, giúp du khách khám phá giá trị văn hóa nguyên sơ của các dân tộc.

Nằm cách trung tâm Thành phố hơn 120 km, điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) - nơi sinh sống của 60 hộ đồng bào dân tộc Lô Lô được ví von như “linh hồn” của “đóa cúc vàng” giữa miền rừng núi phía Tây. Đường lên xóm cheo leo dốc đá, núi chồng núi với lên nền trời xanh thẳm. Nhìn từ xa, Khuổi Khon đẹp tựa một bức tranh thiên nhiên và của bàn tay người lao động. Từng nếp nhà sàn còn giữ nguyên nét truyền thống nổi bật trên sắc xanh ngút ngàn của cỏ cây.

Đến Khuổi Khon, du khách được khám phá kiến trúc nhà sàn độc đáo của người Lô Lô với nhiều chi tiết đục đẽo kỳ công, nghe những câu chuyện về con người, phong tục, tập quán, trang phục và truyền thống văn hóa đặc sắc riêng biệt của người Lô Lô đen. Thưởng thức các món ăn truyền thống, đắm mình trong điệu hát dân ca kết hợp với tiếng trống và điệu múa uyển chuyển, hay mua những sản phẩm thổ cẩm, mỹ nghệ, mây tre đan làm quà lưu niệm.

Anh Na Văn Chương, xóm Khuổi Khon cho biết: Du khách nước ngoài rất thích nghỉ lại trong những ngôi nhà sàn có dịch vụ homestay để được trải nghiệm các hoạt động hằng ngày cùng bà con, như: thêu, dệt thổ cẩm, giao lưu văn nghệ, chế biến các món ăn truyền thống, trồng trọt, chăm sóc gia súc, gia cầm... Hình thức du lịch này đã giúp nhiều hộ đồng bào nơi đây có thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Những ngôi nhà sàn cổ bằng đá có kiến trúc độc đáo tại làng Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh).

Làng đá cổ Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) cũng là một điểm nghỉ dưỡng lý tưởng của du khách trên hành trình khám phá “xứ sở thần tiên”. Ngôi làng nhỏ nằm giữa 2 điểm du lịch thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao, với 14 nóc nhà trong thế lưng tựa vào núi, mặt hướng về dòng suối Khuổi Ky. Năm 2008, làng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người” nên ngày càng được du khách trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn.

Hầu hết du khách khi đến thăm làng đều thích thú với kiến trúc độc đáo, vẻ đẹp cổ kính của những căn nhà sàn bằng đá giữa vùng non nước sơn thủy hữu tình, cùng sự chân thành, mến khách của đồng bào nơi đây. Ngoài tĩnh dưỡng và tham quan, du khách còn được trải nghiệm cuộc sống sản xuất, lao động như: gặt lúa, hái măng, bắt cá, chế biến những món ăn đặc trưng của người Tày. Chị Mạc Thị Khon, chủ Quang Thuận Homestay, làng Khuổi Ky chia sẻ: Để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, người Tày ở làng Khuổi Ky đã nỗ lực học tập, thay đổi tư duy làm du lịch. Các homestay rất sạch sẽ, tiện nghi và phục vụ tận tình, chu đáo.

HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG

Theo Trưởng phòng Quản lý du lịch - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nông Thị Tuyến, những năm qua, tỉnh đã quan tâm, đầu tư xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ra sản phẩm du lịch chuyên biệt của địa phương. Đến nay, một số điểm du lịch cộng đồng đã, đang được đầu tư và hoạt động như: Điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon - miền văn hóa Lô Lô đặc sắc và huyền bí; làng Tày Khuổi Ky với vẻ đẹp nên thơ, cổ kính; điểm du lịch cộng đồng Pác Rằng (Quảng Uyên) - nơi lưu giữ văn hóa truyền thống đặc sắc của người Nùng An… Ngoài ra, tại một số địa phương trong tỉnh đang xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư để triển khai một số điểm du lịch cộng đồng mới ở bản Giuồng, xã Tiên Thành (Phục Hòa); bản Pác Búng, xã Độc Lập (Quảng Uyên)…

Bà con dân tộc Dao Tiền xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) giữ gìn nghề thêu truyền thống.

Nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái Phja Oắc, Phja Đén (Nguyên Bình), xóm Hoài Khao, xã Quang Thành là nơi có 100% dân tộc Dao Tiền sinh sống. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hiếm có, một quần thể núi, đồi, thung lũng, suối và những đồng lúa mênh mông. Không chỉ vậy, đây còn là quê hương của làn điệu Páo dung quyến rũ, lễ cấp sắc độc đáo…

Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Nông Quốc Hùng cho biết: Xây dựng xóm Hoài Khao trở thành làng du lịch cộng đồng là nội dung đột phá mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Nguyên Bình đang nỗ lực thực hiện. Điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao được khai thác hứa hẹn mở ra một hướng đi mới nhằm giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên cùng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao Tiền; lôi cuốn du khách đến với vùng đất này, góp phần giúp bà con giảm nghèo bền vững.

Hiện, huyện đã bổ sung hoàn thiện Đồ án quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn xóm Hoài Khao; đầu tư hạ tầng cơ sở tại 23 nhánh đường ngõ xóm dài 1.104 m, tổng mức đầu tư trên 164 triệu đồng. Hỗ trợ một số hộ dân làm điểm chỉnh trang nhà ở, xây dựng công trình vệ sinh, nhà tắm gọn gàng, sạch sẽ để thu hút, phục vụ khách nghỉ lại qua đêm. Duy trì và phát triển nghề in hoa sáp ong, thêu, dệt thổ cẩm nhằm cung ứng sản phẩm lưu niệm và cải thiện môi trường lao động cho đồng bào dân tộc trong vùng; khuyến khích người dân nhân rộng nghề chạm khắc bạc, nâng cao trình độ tay nghề, sáng tạo các mẫu mã để đa dạng hóa sản phẩm.

Bên cạnh những điểm sáng, việc phát triển du lịch cộng đồng ở Cao Bằng vẫn còn tồn tại một số hạn chế mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản, chưa đi vào thực chất. Hình thức hoạt động mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, chưa nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường và cảm nhận nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng bản địa. Tồn tại mâu thuẫn giữa việc giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc với nhu cầu của cuộc sống hiện đại.

Những nơi còn lưu giữ khá nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống lại nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc hạn chế… Ngoài ra, tại các huyện, đường xá, cơ sở vật chất lưu trú, công trình vệ sinh chưa bảo đảm; công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ tại các hộ dân cũng là thách thức lớn trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng.

Du lịch cộng đồng là hướng đi mới đối với người dân bản địa, vì thế không thể đáp ứng về quy mô và hoạt động hiệu quả ngay. Tuy nhiên, có thể thấy được tiềm năng cũng như lợi ích mà loại hình du lịch này mang lại trong việc phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Để du lịch cộng đồng thực sự phát triển, cần có sự đồng tâm, đồng lực, kết nối 4 “nhà” (quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, người dân) quyết tâm đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây