Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Du lịch Cao Bằng dịp 30/4 - 1/5 cùng nhiều món ngon đặc sắc và hấp dẫn

Cao Bằng không chỉ có phong cảnh trữ tình, thơ mộng mà còn có nền ẩm thực độc đáo ở việc đa dạng trong cách chế biến món ăn và sự kết hợp hoàn hảo giữa các loại gia vị đặc trưng của các dân tộc. Du lịch Cao Bằng dịp 30/4 - 1/5 này, du khách dành thời gian thưởng thức món ngon miền non nước và có thể mua nhiều đặc sản về làm quà.
Miến dong
104274 mien dong 00051027
Một trong những món ngon đặc sản của Cao Bằng không thể thiếu sự có mặt của miến dong. Miến dong được làm từ 100% củ dong riềng trồng trên các sườn núi. Những củ dong được lựa chọn kỹ trước khi đưa vào chế biến nguyên liệu, phải là những củ đều, già và to. Chính vì sử dụng nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên nên trong quá trình sản xuất miến dong không chứa chất tẩy trắng, chất bảo quản. Miến dong là sản phẩm được du khách tin tưởng lựa chọn làm quà biếu mang về.   
Vịt quay 7 vị hấp dẫn

Sở dĩ có tên gọi là vịt quay 7 vị bởi người dân dùng đến 7 loại gia vị khác nhau để ướp món ăn này. Với “bí truyền” nước ướp 7 vị được tẩm ướp công phu trong từng thớ thịt tạo nên món đặc sản thơm ngon. Sau khi vịt ngấm gia vị, người ta rưới mật ong và giấm lên khắp thân vịt, quay trên than củi nhỏ, bén lửa đều, có như vậy phần da bên ngoài sẽ không bị ám khói, thịt lại giữ được độ mềm, ngọt nhất định. Những món ăn kèm với vịt quay như: rau thơm, bún sợi, xôi, nộm, bánh tráng, thêm rượu ngô là trọn vẹn nghĩa tình. 

Bánh khảo 

Bánh khảo là một trong những đặc sản làm quà biếu vào mỗi dịp lễ, Tết. Hầu như trong bất kỳ gia đình dân tộc Tày, Nùng đều có món bánh khảo truyền thống trên bàn thờ cúng tổ tiên. Để làm món bánh khảo đòi hỏi người làm bánh phải thật khéo léo và tỉ mẩn. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu từ gạo nếp, gạo sau khi vo để khô và xay nhuyễn đến khi bột mịn và đem bột “hạ thổ” qua đêm tạo độ dẻo cho bánh. 
Để tạo nên sự đa dạng cho đặc sản Cao Bằng, người ta biến tấu bánh khảo với nhiều loại nhân khác nhau như: nhân đậu, nhân thịt mỡ, nhân lạc, vừng. Điều này giúp cho du khách khi đến đây có thể dễ dàng chọn lựa theo sở thích của mình.

Phở chua

Để làm món phở chua, các nguyên liệu được chế biến hoàn toàn riêng biệt, khi ăn thì trộn vào chứ không nấu chung như những loại phở khác. Nguyên liệu làm phở chua khá đơn giản, gồm: thịt ba chỉ, lạp xưởng, thịt vịt, gan lợn, dạ dày lợn. Sự có mặt của mỗi loại nguyên liệu sẽ làm cho món ăn thêm hoàn hảo hơn. Ngoài ra, món phở chua không thể thiếu nước sốt - một thành phần vô cùng quan trọng. Chỉ cần phi thơm hành, tỏi, cho thêm giấm chua, nước mắm cùng chút bột năng rồi khuấy đều đến khi sánh lại là được. Thực khách khi dùng phở chua có thể ăn kèm với rau thơm, húng quế, rau muống, kinh giới…, vắt thêm chanh để tô phở thêm thơm ngon, tròn vị. 

Bánh trứng kiến
104280 104275 banh trung kien 00062927 07345427
Bánh trứng kiến - nghe tên thôi cũng đủ làm du khách tò mò. Sở dĩ có tên gọi đó là vì bánh được làm từ trứng của kiến trong rừng sâu. Trứng kiến đen ở rừng Cao Bằng rất mẩy, béo và có hàm lượng cao kết hợp cùng lá non của cây vả, một thứ nguyên liệu không thể thiếu khi làm món bánh trứng kiến.
Bánh trứng kiến được làm từ gạo nếp trộn với một ít gạo tẻ để giảm độ dẻo. Làm sạch lá vả, bỏ phần gân dưới của lá rồi trải bột lên lá với độ dày vừa đủ. Trứng kiến phi mỡ lợn cho thơm, cho thêm ít lá hẹ rồi đem rắc lên lớp bột lúc nãy trên lá vả và sau đó đem hấp. Sau khi thành phẩm, bánh trứng kiến ăn dẻo, thơm mùi lá vả, vị béo ngậy của trứng kiến làm nên một món ăn hoàn hảo. 

Rau dạ hiến 

Từng cọng rau xanh mơn mởn vươn lên từ những vách đá, chắt chiu tinh túy của đất trời tự mình tạo ra vị ngọt, giòn, hấp dẫn thực khách mỗi khi đến Cao Bằng. Đây là rau dại, chỉ cần hái một nắm sau đó rửa sạch là có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: nấu canh, nhúng lẩu, xào với thịt bò, tôm, mực hay trứng đều được. Ngoài ra, rau dạ hiến có tác dụng chữa bệnh rất tốt, nên được du khách lựa chọn làm quà biếu mang về cho người thân khi đến du lịch. 

Bánh chè lam 

Cũng giống như bánh khảo, bánh chè lam được dùng trong những ngày Tết cổ truyền. Bánh chè lam được làm từ những nguyên liệu gần gũi như: bột nếp rang, lạc rang, mạch nha và gừng. Hương vị của bánh là sự kết hợp hài hòa giữa vị dẻo của bột nếp, vị ngọt của mật ong, chút cay cay của gừng, chút bùi bùi của đậu phộng. Bánh chè lam là một loại bánh ngọt truyền thống đặc sản của Cao Bằng từ bao đời nay. 

Lạp sườn hun khói

Lạp sườn hun khói có lẽ là món ăn mà du khách không thể bỏ lỡ khi đến Cao Bằng. Món lạp sườn được làm từ thịt thăn, thịt vai, thịt mông thái nhỏ trộn đều với gia vị. Có cả lá mác mật và củ gừng núi tự nhiên, sau đó được bao bởi lòng lợn và phơi ngoài nắng 3 ngày nhưng vẫn giữ được độ mềm, dai ngon vốn có. 

Thạch đen

 
104276 thach den 00071427

Thạch đen là một trong những món ngon dân dã quen thuộc với người dân bản địa nơi đây. Nếu đã từng đặt chân đến vùng núi và nếm thử món thạch đen, bạn sẽ không thể nào quên được hương vị thơm ngon, bổ dưỡng của món ăn này. Không chỉ thanh mát mà còn là một món ăn bổ dưỡng có tác dụng giải độc, giải nhiệt. Đặc biệt, trong ngày hè nóng nực được một bát thạch đen thì rất tuyệt vời.
Thạch đen được làm từ cây thạch, trồng nhiều ở huyện Thạch An. Ít ai biết rằng thạch đen vốn là một loại dược liệu, tính mát, vị ngọt, có tác dụng ổn định huyết áp, chữa cảm, đau nhức xương khớp.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây