Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Du lịch Cao Bằng bứt phá theo hướng bền vững - Bài 2

BÀI 2:  CAO BẰNG TRONG TOP NHỮNG ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN

Với tinh thần chủ động biến khó khăn thành cơ hội, xây dựng quyết sách chiến lược đúng đắn, du lịch Cao Bằng bứt phá từ khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương với nhiều sản phẩm du lịch mới, đứng trong top những điểm đến hấp dẫn. Tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch phát triển theo hướng bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Thu hút du khách đến trải nghiệm  

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An cho biết: Để thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước tiếp cận nhiều thông tin về du lịch Cao Bằng là điểm đến hấp dẫn, Sở tăng cường truyền thông quảng bá du lịch Cao Bằng trên kênh truyền thông Trung ương, địa phương; khai thác các ứng dụng trên nền tảng số phục vụ hoạt động thông tin, quảng bá du lịch, mạng xã hội facebook, Zalo, Fanpage - Du lịch Non nước Cao Bằng; youtube: Cao Bang Geopark; số hóa các ấn phẩm du lịch để quảng bá rộng rãi trên Internet; xây dựng Đề án số hóa dữ liệu du lịch, hệ thống thực tế ảo, thuyết minh ảo, du lịch trải nghiệm 3D trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; phát huy hệ thống tra cứu thông tin tự động tại các Trung tâm thông tin CVĐC Non nước Cao Bằng…

Tổ chức làm việc với Đoàn chuyên gia UNESCO thực hiện nhiệm vụ tái thẩm định danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được các chuyên gia đánh giá cao thực hiện tốt các tiêu chí chung của một CVĐC toàn cầu, có nhiều mô hình, chương trình, hoạt động hiệu quả và có trách nhiệm với môi trường và xã hội. 

Cb

Mắt Thần núi - cảnh quan thiên nhiên đẹp nổi tiếng, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được du khách trong nước và quốc tế lựa chọn là điểm đến hấp dẫn.

UBND tỉnh tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 7 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại tỉnh Satun, Thái Lan và bảo vệ thành công hồ sơ vận động tranh cử đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO lần thứ 8 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng; Hội thảo với CVĐC toàn cầu UNESCO Khorat, Thái Lan trao đổi về tiềm năng hợp tác giữa 2 CVĐC. Tham gia các hoạt động mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO và Hợp tác quốc tế nhằm mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các CVĐC tiềm năng và CVĐC toàn cầu UNESCO để làm cầu nối thúc đẩy hợp tác về các mặt kinh tế - xã hội giữa Cao Bằng với các địa phương của các quốc gia trên thế giới.

Tổ chức mời các đoàn FAMTRIP có các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch, báo chí Trung ương đến khảo sát du lịch Cao Bằng; phối hợp với các doanh nghiệp địa phương xây dựng và quảng bá sản phẩm du lịch Cao Bằng đến thị trường trong nước và quốc tế. Phối hợp với các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế xây dựng thương hiệu thông qua xác lập kỷ lục về các giá trị ẩm thực, đặc sản nổi tiếng, điểm đến đặc sắc. Liên kết với các doanh nghiệp du lịch tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. 

Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết: Năm 2022, tôi 2 lần tổ chức kết nối hơn 60 công ty lữ hành, doanh nghiệp, cơ quan báo chí truyền thông, hiệp hội du lịch trong cả nước đến trải nghiệm khảo sát du lịch Cao Bằng. Nhiều công ty lữ hành, doanh nghiệp, nhà báo đến Cao Bằng đã cảm nhận, trải nghiệm, nhiều sản phẩm du lịch hấn dẫn, đặc sắc, kết nối các tuor du lịch Cao Bằng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó, mở tuor Ba Bể (Bắc Kạn) - Nguyên Bình - Bảo Lạc (Cao Bằng) - Mèo Vạc (Hà Giang).

 Sở VH,TT&DL phối hợp với các đơn vị truyền thông, các công ty tổ chức sự kiện lớn tổ chức các lễ hội, sự kiện quy mô lớn, thu hút khách du lịch. Ông Trương Anh Dũng, du khách thành phố Hồ Chí Minh vui vẻ cho biết: Qua bạn bè đi du lịch Cao Bằng về giới thiệu và tham khảo Fanpage - Du lịch Non nước Cao Bằng, tôi chọn Cao Bằng là điểm đến hằng năm vì có cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vĩ và khí hậu mát mẻ, chất lượng dịch vụ tốt, giá cả không đắt đỏ, ẩm thực bản địa đặc sắc. 

Điểm đến hấp dẫn giàu bản sắc  

Với sự tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch Cao Bằng đặc sắc, nhiều du khách đã chọn Cao Bằng làm điểm đến để trải nghiệm sản phẩm du lịch mới.

Chị Lương Nguyễn Huyền Châu, du khách Hà Nội lên Cao Bằng chia sẻ: Gia đình tôi đến trải nghiệm du lịch Cao Bằng hai lần. Mỗi lần chọn một tuyến với cảnh đẹp khác biệt và văn hóa bản địa đặc sắc. Chuyến đầu tiên đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó rồi lên vùng Lục Khu ngắm cảnh núi đá hùng vĩ CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng (Hà Quảng). Tôi choáng ngợp trước vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ và khí hậu trong lành nơi đây. Hòa mình vào Lễ hội về nguồn Pác Bó, nghe hát then đàn tính, ăn phở tươi lạp sườn, bánh ngô, khẩu sli rất ngon, không nơi nào có được. Chuyến thứ hai, đi Mắt Thần núi - Thác Bản Giốc (Trùng Khánh) là cảnh đẹp tuyệt vời, chinh phục di sản địa chất tầm cỡ quốc tế, hòa mình trong cảnh núi rừng, thác nước hùng vĩ, đồng lúa vàng uốn lượn bên sông, đi trong rừng cây hạt dẻ, nghỉ tại Homestay người Tày, Nùng thân thiện dễ mến; mua nhiều đặc sản: thạch trắng Mác Púp, nếp Ong, vịt cỏ, lạp sườn… Gia đình tôi hài lòng, chọn Cao Bằng là điểm đến nghỉ vào mùa hè.

CB

Lưu giữ nghề truyền thống thêu sáp ong dân tộc Dao Tiền tại Điểm du lịch cộng đồng bản Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) được nhiều du khách lựa chọn đến trải nghiệm.

Nhiều loại hình du lịch được làm mới, có thêm sản phẩm khách du lịch lựa chọn khi đến Cao Bằng để trải nghiệm. Du lịch đỏ tại 3 khu di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, Chiến thắng Biên giới năm 1950 có thêm nhiều trải nghiệm mới gắn tổ chức các lễ hội văn hóa dân gian bản địa đặc sắc…; thắng cảnh thác Bản Giốc, Mắt Thần núi, Vườn Quốc gia Phja Đén… có thêm nhiều điểm checkin gắn với DLCD homestay đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao Tiền, Lô Lô. Các lễ hội, ngày hội có thêm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, ẩm thực đặc sắc đồng bào DTTS như: Lễ hội Nàng Hai, Lễ hội tranh đầu pháo (Quảng Hòa), Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Lễ hội chọi bò, Lễ hội về nguồn Pác Bó, Lễ hội thác Bản Giốc... Du lịch tham quan, nghiên cứu, khám phá hang động, địa chất và các tuyến du lịch của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; xây dựng thêm 4 điểm checkin mới; mở tuyến du lịch trải nghiệm thứ 4 “Một thời hoa lửa” của CVĐC theo hướng phía Nam, từ thành phố Cao Bằng - Thạch An - Quảng Hòa.

Du lịch về đêm được bổ sung thêm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, ẩm thực bản địa tăng thêm sự hấp dẫn, đa dạng trong hoạt động như: Chợ đêm thị trấn Bảo Lạc, phố đi bộ Kim Đồng… Khai thác thêm tuyến phố đi bộ ven sông Bằng, góp phần thu hút khách du lịch đến Cao Bằng. DLCĐ, du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, đưa vào khai thác điểm DLCĐ dân tộc Lô Lô, Khuổi Khon (Bảo Lạc), DLCĐ dân tộc Dao tiền, Hoài Khao (Nguyên Bình). 

Với quyết tâm tập trung đầu tư nhiều sản phẩm và dịch vụ du lịch mới tăng thêm sức hấp dẫn, du lịch Cao Bằng đã nằm trong top điểm du lịch hấp dấn, tăng lượng khách và doanh thu du lịch. Giai đoạn 2020 - 2025, du lịch Cao Bằng phấn đấu đón trên 3 triệu lượt khách, trong đó trên 43.000 lượt khách quốc tế, 2.882.568 lượt nội địa. Tổng doanh thu du lịch 1.315 tỷ đồng, thu nhập xã hội gần 3.000 tỷ đồng. 

 Bài 3: Thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng bền vững

Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây