Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Độc đáo Lễ hội Nàng Hai xóm Chu Lăng - Bó Chàm

Lễ hội Nàng Hai (Nàng Trăng) ở xóm Chu Lăng - Bó Chàm, xã Kim Đồng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng là một trong những lễ hội dân gian, cầu mùa truyền thống của người Tày. Xưa kia, Lễ hội diễn ra dài ngày, từ 30 tháng Giêng đến ngày 18/3 Âm lịch. Trong những năm gần đây, sau khi được phục dựng năm 2009, Lễ hội thường tổ chức vào các năm nhuận khoảng đầu tháng 3 đến 18/3 âm lịch.
1 IMG 9619
Không gian Lễ hội Nàng Hai xóm Chu Lăng - Bó Chàm, xã Kim Đồng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

gười nông dân sống trong điều kiện tự nhiên với nền sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên, luôn ước vọng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc. Vì vậy, họ đã gửi niềm ước vọng đó vào lực lượng siêu nhiên là nàng Trăng trên trời.Lễ hội Nàng Hai gồm 3 phần: Lễ đón Hai, Lễ cầu Hai và Lễ tiễn Hai. Phần chính của Lễ hội được nhiều du khách về chảy hội là Lễ tiễn Hai, diễn ra trong 2 ngày (đêm 17 và ngày 18/3 Âm lịch). Lễ hội được sáng tạo từ cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người nông dân miền núi xưa kia. Những n
Theo tín ngưỡng dân gian người Tày, trên cung trăng có các mẹ trăng và 12 nàng tiên là con các mẹ trăng, hàng năm chăm lo, bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho dân chúng trần gian. Lễ hội Nàng Hai là cuộc hành trình lên trời đón mẹ Trăng và các nàng tiên xuống vui hội trần gian, giúp nhân dân việc đồng áng, cho mùa màng bội thu, cho muôn nhà hạnh phúc.
2 Miếu Thần Nông The Vinh, thầy Tào 1
Thầy Tào thực hiện lễ khấn ở miếu thổ công xin phép được tổ chức Lễ hội.

Thành phần tham gia nghi lễ gồm: 2 thầy Tào, 1 thầy phụ trách lễ thần ở miếu thổ công và 1 thầy phụ trách lễ xuất nhập hồn Nàng Hai ở lán Hai. Trước khi diễn ra Lễ hội, 1 thầy Tào làm lễ tại miếu thổ công của xóm để xin phép được tổ chức Lễ hội.
 
3 IMG 9624

Lán Hai là không gian chính của Lễ hội.

Sau khi thực hiện lễ ở miếu thổ công, đoàn tiến về lán Hai. Lán Hai là không gian chính của Lễ hội. Lán được làm bằng tre, cây, lá trên rừng. Trong lán có hoa rừng bó thành từng chùm, treo lên sào, đây là sào hoa dâng lên mẹ Trăng.
 
4 IMG 9811 thầy tào 2
Thầy Tào thực hiện các nghi lễ xuất nhập hồn trong lán Hai và mâm hương dâng lễ mẹ Trăng.

Mâm hương dâng lễ mẹ Trăng trong lán Hai là hai bát gạo có cắm con chim én gấp bằng giấy và thắp hương. Hình chim én gấp bằng giấy là sứ giả đưa tin giữa cõi trần với mường trời, là biểu tượng của sự trường tồn, bình an, tốt lành. Chim én đến cũng là xuân đã về, báo hiệu mùa sinh sôi, nảy nở của muôn loài. Ngoài ra, mâm lễ còn có bánh Hai, bánh Quánh, Thúc théc (bỏng gạo). Theo thầy Tào Nông Văn Tậư (thầy Tào phụ trách phần lễ ở lán Hai), Thúc théc tượng trưng cho hạt giống của Nàng Hai ban phát cho trần gian.
 
5 IMG 9605
Lễ vật dâng mẹ Trăng trước lán Hai.
 
Lễ vật dâng mẹ Trăng gồm: 1 con lợn thịt, 1 con gà, những chiếc thuyền làm bằng gỗ được trang trí đẹp mắt. Đặc biệt, mỗi hộ dân trong xóm mang đến một chiếc làn đựng hai hoặc bốn bát xôi đăm đeng (xôi cẩm, xôi đen) đắp thành ngọn đến dâng mẹ Trăng. Các lễ vật được đặt trang trọng vào giữa sân hội có hàng rào bao quanh và được che bằng những tấm vải đen trắng. Những tấm vải này được coi như những “cây cầu phép” để đưa lễ vật lên mường trời.
 
6 IMG 9590, lễ hương
Nàng Cường, nàng Sở lấy quạt che mặt trong quá trình làm lễ.
 
Nhân vật trung tâm của Lễ hội Nàng Hai là hai nàng Cường và Sở (Cường mặc áo màu vàng, đội khăn vàng; Sở mặc áo màu đỏ, đội khăn đỏ). Hai người được chọn là những thiếu nữ trẻ đẹp, hát hay, thông qua các bài hát để mời Nàng Hai trên trời xuống nhập hồn vào Cường, Sở vui hội trần gian. Hai nàng Cường, Sở thường lấy quạt che mặt trong quá trình làm lễ.
 
7 IMG 9720 dẫn đoàn
Đoàn người thực hiện điệu múa, lời hát, một nửa theo nàng Cường, một nửa theo nàng Sở.
 
Khi Nàng Hai nhập hồn vào Cường, Sở, các lời ca, tiếng hát, điệu múa diễn xướng tập thể của người Tày diễn ra trong không khí tưng bừng. Đoàn người thực hiện điệu múa Hai, múa quạt đi vòng quanh khu vực lán Hai trước đông đảo du khách và nhân dân về chảy hội. Người làm nhiệm vụ dẫn hát là mẹ Tam. Mẹ Tam hát trước, hai mẹ Cốc, Cường, Sở, các mụ Nàng, mụ Nọi (các nàng hầu, gồm 15-20 thiếu nữ giúp việc cho Cường, Sở) hát theo sau. Hai người đi đầu đoàn hát múa cầm hai cành trúc dài là hai cụ Tiến (hai người này là em trai của các Nàng Hai, theo chị xuống trần gian, làm nhiệm vụ bảo vệ, dọn đường cho đoàn hành lễ trên đường lên mường trời). Sau cụ Tiến là hai mẹ Cốc, Cường, Sở và các mụ Nàng, mụ Nọi, một nửa theo nàng Cường, một nửa theo nàng Sở.
 
8 IMG 9666 điệu múa thể hiện
Các điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển diễn tả các hành động trong lao động sản xuất của đồng bào dân tộc Tày.
 
Buổi chiều 18/3 Âm lịch là thời gian diễn ra các hoạt động chính của Lễ hội Nàng Hai. Với nhiều nghi thức cầu mùa, thầy Tào lần lượt làm lễ để dẫn dắt đoàn người đi qua 12 cửa mường trời thông qua các bài hát, múa. Nội dung các bài hát xướng lượn Hai mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, như: “Thóc nàng ban giống vàng giống ngọc/ Lá to như lá móc/ Bông lớn như buồng cau/ Đồng người lấy rổ đi đựng/ Đồng hội Hai lấy đụn kho đi đựng…”. Những động tác múa quạt rất uyển chuyền, kết hợp nhịp nhàng giữa tay và chân. Các bài múa diễn tả hành động trong cuộc sống lao động sản xuất, lấy đồ lễ, các loại hoa, bánh Quánh, bánh Hai... Các nghi thức diễn xướng tập thể trong Lễ hội Nàng Hai diễn tả hành trình lên mường trời xin các mẹ trăng cầu phúc, cầu mùa, mang màu sắc tâm linh huyền bí, khiến du khách như bị mê hoặc, lôi cuốn theo các bài ca, điệu múa.
 
9 IMG 9842 dỡ trại tiễn Hai
Thầy Tào và các thành viên thực hiện Lễ tiễn Hai.
 
Khoảng 16h chiều là thời gian thực hiện Lễ tiễn Hai (tiễn mẹ Trăng về trời), lời các bài hát trước lúc chia tay mẹ Trăng và Nàng Hai là những lời dặn dò, hẹn ước năm sau, thể hiện sự quyến luyến: “Hoa lê nở trắng đầu cành/ Lễ hạ điền nay đã tới nhanh/ Giục giã Nàng Hai về cung quảng/ Hẹn sang năm trở lại đồng xanh…”. Sau đó, thầy Tào và đoàn người sẽ dỡ lán Hai, các đồ lễ dâng cúng được đưa ra bờ suối.
10 Tha thuyen, tha hoa

Nghi thức thả hoa, thả thuyền.

Trên đường ra suối, đoàn người vừa đi vừa hát. Đến bờ suối, thầy Tào làm lễ để xuất hồn Nàng Hai ra khỏi Cường, Sở và làm lễ thả hoa, thả thuyền gỗ, các lễ vật dâng cúng mẹ Trăng, Nàng Hai xuống suối, Lễ hội kết thúc.
Lễ hội Nàng Hai xóm Chu Lăng - Bó Chàm, xã Kim Đồng, huyện Thạch An là một lễ hội độc đáo, đặc sắc, còn lưu giữ được các điệu múa, điệu hát dân ca, hát lượn của người Tày. Lễ hội Nàng Hai là lễ hội cầu mùa diễn ra trang trọng, mang tính nhân văn sâu sắc cần được bảo tồn và gìn giữ.

Tác giả bài viết: Hoài Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây