Ðộc đáo khăn "cẳn ná" của người Nùng
- Thứ hai - 01/08/2022 08:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trang phục truyền thống của người Nùng được phân biệt dựa theo lứa tuổi và giới tính, phong phú về chất liệu và chủng loại. Về cơ bản, trang phục dân tộc Nùng An ở Cao Bằng có những điểm tương đồng với các nhóm dân tộc Nùng ở nhiều địa phương khác, một bộ trang phục hoàn chỉnh của cả nam và nữ gồm có áo, quần, thắt lưng, khăn đội đầu, túi vải thêu, đồ trang sức bằng bạc… Quần áo trẻ em cũng có sự khác biệt, nét khác biệt đó thể hiện ở áo, quần, mũ độ đầu. Trong đó chiếc mũ được trang trí khá cầu kỳ với những hoa văn, họa tiết sặc sỡ, đẹp mắt…
Việc thêu thùa với con gái người Nùng An rất được coi trọng. Nhìn vào từng đường kim mũi chỉ có thể biết được đâu là cô gái khéo léo, đảm đang. Khi về nhà chồng họ sẽ mang theo chăn, gối tự làm và coi đó như "của hồi môn" cho hạnh phúc lứa đôi. Họa tiết thổ cẩm được phối hợp giữa nhiều màu chỉ, thêu riêng từng màu. Tất cả họa tiết thổ cẩm đều được thêu tay trên nền vải chàm truyền thống. Đó là sự cách điệu họa tiết hình hoa lá, mặt trời... Phụ nữ Nùng An thường dùng khăn đội đầu hằng ngày, kể cả trong hoạt động bình thường và nhưng dịp lễ, Tết quan trọng.
Khi đứa trẻ mới lọt lòng, người Nùng quấn trẻ bằng quấn áo cũ của bố mẹ. Khi đứa trẻ được một, hai tuổi, người Nùng cắt quần áo đơn giản theo một kiểu chung, không phân biệt nam hay nữ. Khi lên 9 - 10 tuổi, người mẹ bắt đầu cắt may quần áo từ những mảnh vải chàm nhằm phân biệt giới tính nam, nữ cho con. Độ tuổi này, các bé gái bắt đầu học may, thêu hoa văn trên quần áo và quấn đầu đội khăn như người lớn. Thông thường, người phụ nữ Nùng An đội khăn theo từng lớp, có 3 lớp chính gồm "heo ráu", "heo cẳn" và "chùm cẳn".
"Heo ráu" là lớp vải trong cùng, chạm tóc. Vải được dùng là vải thô, có màu xanh nước biển, rộng 20 cm, dài 40 cm. Phần vải được quấn chặt để giữ tóc, được quấn theo chiều kim đồng hồ và quấn một vòng quanh đầu. "Heo ráu" có công dụng là giữ và làm gọn tóc của người phụ nữ Nùng An.
Sau "heo ráu" chính là "heo cẳn". Đây là bước tạo hình chiếc khăn trên đầu người phụ nữ. "Heo cẳn" là phần vải chàm thô được nhuộm chàm, rộng 40 cm, dài 60 cm. "Heo cẳn" được quấn quanh đầu 2 vòng, một nửa đầu phía trước không bị che kín, trước trán thì gọn gàng, phía sau đầu, vải quấn phải nhô cao. Phần vải "heo cẳn" được đánh giá là khéo léo khi chùm kín hết phần tóc phía sau nhưng vẫn để lộ ra "heo ráu".
Cuối cùng là lớp vải bên ngoài, hay còn gọi là "chùm cẳn". "Chùm cẳn" có kích thước gấp đôi "heo ráu". Sau khi tóc đã được định hình ở bước "heo ráu" thì "chùm cẳn" chính là bước chỉnh sửa, tạo điểm nhấn cho mái tóc. "Chùm cẳn sẽ có kích thước gấp đôi "heo cẳn" và phải là vải chàm. Để quấn "chùm cẳn", mảnh vải chàm sẽ được gấp lại 1/3 và định hình ở giữa đỉnh đầu, cách trán 8 - 10 cm. Phần vải còn lại được gấp gọn gàng theo hướng bên trái trước, bên phải sau. Bên trái sẽ gấp cố định sau gáy, phần vải bên trái là phần vải đuôi trơn, được quấn giấu kín, tạo thành rãnh gấp sau đầu. Sau khi đã cố định phần vải bên trái, phần vải bên phải sẽ được quấn chồng lên trên, lệch sang một phía, thẳng từ dưới tai trái lên sau đó được cố định bên trong rãnh vải đã quấn từ trước để không làm lộ nếp gấp. Phần đuôi vải được lộ ra bên ngoài, phía đuôi tua rua chính là điểm nhấn của chiếc khăn đội đầu.
Chiếc khăn đội đầu được tạo hình hoàn chỉnh khi phần vải phải che hết nửa đầu sau, tóc không rơi vãi, chắc chắn trong hoạt động sinh hoạt, vui chơi, giải trí... Người Nùng An quan niệm rằng, trong nhà có người con gái đủ tuổi trưởng thành, chuẩn bị đến tuổi kết hôn là khi đã biết quấn khăn đội đầu, nên người phụ nữ Nùng An không phân biệt trước hay sau khi lấy chồng mới dùng khăn đội đầu.
Ngoài những chi tiết chính của bộ trang phục dân tộc, phụ kiện cũng là món đồ không thể thiếu trong trang phục của người Nùng. Trang sức của người Nùng chủ yếu bằng bạc trắng, nam giới thường đeo vòng tay bằng bạc, nhẫn bạc, phụ nữ đeo khuyên tai, kiềng cổ, vòng tay, nhẫn và đeo bộ xà tích ở ngang lưng.
Có thể nói, trang phục truyền thống của dân tộc Nùng không chỉ là sản phẩm vật chất của con người mà còn là niềm tự hào, tình yêu với quê hương của đồng bào dân tộc Nùng. Việc lưu giữ những nét đẹp truyền thống trong trang phục của đồng bào Nùng góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nói chung của đồng bào các dân tộc.