Trung tâm Văn hóa và thông tin du lịch

http://dulichcaobang.vn


Ðộc đáo chiếc "soỏng" của phụ nữ Mông đen

Mỗi dân tộc lại có cách thể hiện bản sắc văn hóa riêng. Với người Mông đen ở Cao Bằng, văn hóa dân tộc, sự độc đáo về bản sắc dễ nhận biết nhất chính là bộ trang phục của người phụ nữ. Mà hồn cốt trong bộ trang phục chính là chiếc "soỏng" hay còn gọi là "yếm".
mông đen
Chiếc soỏng (yếm) làm nổi bật và tôn lên vẻ đẹp của trang phục phụ nữ Mông đen.
Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục là một trong những điểm độc đáo để nhận biết và phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người. Trang phục của người phụ nữ Mông đen cũng không ngoại lệ. Không sặc sỡ với những màu sắc bắt mắt như các dân tộc Mông khác, bộ trang phục dân tộc của phụ nữ Mông đen mang sắc màu chàm đặc trưng cùng với những họa tiết và hoa văn riêng có. Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ, bộ trang phục dân tộc như được thổi hồn, trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống từ xưa vẹn nguyên cho đến ngày nay.

Bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Mông đen có nhiều chi tiết khác nhau như: váy, áo rời, quấn chân, thắt lưng, trang sức bạc… Nhưng điểm nhấn độc đáo nhất trong bộ trang phục của người phụ nữ Mông đen chính là chiếc yếm (tiếng dân tộc gọi là soỏng). Chiếc "soỏng" của phụ nữ Mông đen được chia làm 4 bộ phận chính gồm coóng (cổ yếm), sa khè soỏng (dây yếm), soỏng (thân yếm chính) và loỏng (họa tiết trên yếm).

Để hoàn thiện một chiếc soỏng, người phụ nữ Mông đen phải mất từ 1 - 2 tuần. Nguyên liệu để làm ra chiếc soỏng hoàn toàn bằng vải chàm và chỉ màu thêu, trước kia còn có thêm họa tiết trang sức bạc nay đã được người dân cải tiến vì hiện không còn nghệ nhân chạm khắc trang sức bạc thủ công truyền thống và cũng để bộ trang phục phù hợp hơn với xu thế phát triển hiện đại. Toàn bộ các chi tiết trong bộ trang phục của người phụ nữ Mông đen đều được làm thủ công, tỉ mỉ.

Phần đầu tiên của chiếc soỏng chính là coóng (cổ yếm). Đây là một trong những chi tiết quan trọng nhất của chiếc soỏng. Coóng là phần được may cẩn thận nhất. Coóng thường được may bằng vải đỏ viền chàm, có hình dạng giống hình chữ nhật khuyết một mặt, kích thước 15 x 45 cm. Phần giữa của coóng được may thêm một hình vuông nhỏ tạo thành điểm nhấn. Một phần phía cạnh nhọn đỉnh của coóng nối với sa khè soỏng (dây yếm) để buộc cố định soỏng sau gáy. Họa tiết chủ yếu trên coóng là những đường thẳng ngang có màu trắng, đỏ và xanh nước biển, đây cũng là ba màu sắc tượng trưng cho lửa, đất và nước, ba yếu tố quan trọng trong cuộc sống của người Mông đen.

Sa khè soỏng (dây yếm) là phần vải được may khéo léo thành hình vòng tròn (theo thiết kế yếm xưa) và hai đoạn dây dài mảnh (theo thiết kế ngày nay) có tác dụng cố định và giữ cho soỏng không bị tuột, rơi. Ngoài ra, soỏng còn là phần dây nối 2 góc vuông của phần soỏng để buộc về phía sau lưng người phụ nữ. Trước kia, phần soỏng được thiết kế may liền thành hình tròn vừa cổ và người phụ nữ phải mặc chui, ngày nay để phù hợp và tiện lợi hơn trong việc mặc, người phụ nữ Mông đen đã cải tiến sa khè soỏng thành 2 chiếc dây với độ dài từ 30 - 45 cm, buộc cố định sau cổ.

Loỏng (họa tiết thêu) trên yếm được người phụ nữ Mông đen thiết kế tỉ mỉ, hoàn toàn bằng thủ công với những họa tiết cây, cỏ, hoa, lá, núi non, con ngựa, mặt trời, con người… Họa tiết trên yếm được trang trí dọc phía 2 bên cạnh và 1/3 chiếc yếm phía trên ngực, phần từ cổ xuống đến ngực, lộ ra khỏi áo khoác.

Phía hai bên cạnh, dọc theo đường viền yếm, họa tiết được trang trí theo các dải màu khác nhau, yếm xưa gồm 5 dải (2 dải đỏ, 1 dài trắng, 1 dải xanh nước biển và trong cùng là dải hoa văn). Các dải màu đều có kích thước bằng nhau, từ 1 - 2 cm. Riêng dải hoa có kích thước gấp đôi và được xếp trong cùng. Mặt khác, yếm ngày nay chỉ còn được trang trí bởi 3 dải màu (dải hoa, dải lá và dải dích dắc hình đồi núi). Mỗi dải có kích thước bằng nhau từ 2 - 3 cm.

Phần còn lại của loỏng chính là 1/3 phía trên chiếc yếm, có dạng hình thang và được trang trí bởi 7 dải màu. Các dải màu này được xếp theo thứ tự hình bậc thang giống như ruộng bậc thang (nơi canh tác chủ yếu của đồng bào dân tộc Mông đen) ngoài thực tế. Trung tâm các dải là một dải vải có kích thước gấp đôi, được trang trí bởi 3 hình vuông khác nhau, hai bên cạnh là hình vuông được tạo thành bởi 2 hình tam giác úp ngược màu trắng đỏ, tượng trưng cho đất và lửa. Hình vuông trung tâm được thêu tay tỉ mẩn họa tiết bông hoa, tượng trưng cho cây cối. Dải giữa có nền màu xanh dương, tượng trưng cho nước. Bốn yếu tố: đất, nước, lửa và cây cối được khắc hoạ rõ nét mang ý nghĩa tượng trưng, mong cầu cuộc sống hài hòa giữa con người và các yếu tố bên ngoài, mong ước ấm no, thể hiện sự biết ơn mà thiên nhiên đem lại.

Phần cuối cùng chính soỏng (thân yếm) là bộ phận kết nối các chi tiết lại tạo thành chiếc yếm hoàn chỉnh, soỏng là một mảnh vải chàm được cắt thủ công thành hình vuông, tùy vào hình dáng của mỗi người lại có kích thước khác nhau. Dù là kích thước nào thì chiếc soỏng cũng phải được may vừa thân người phụ nữ, không được để lộ ngực, rốn và các bộ phận quan trọng khác trên cơ thể người phụ nữ Mông (ngoại trừ phần cổ).

Cầu kỳ, tỉ mỉ trong từng chi tiết, chiếc soỏng của người phụ nữ Mông đen chính là điểm nhấn độc đáo nhất của bộ trang phục. Vừa thể hiện văn hóa truyền thống đan xen giữa các yếu tố lịch sử, cuộc sống, vừa là sản phẩm trí tuệ, thể hiện tính sáng tạo của người phụ nữ Mông đen. Cùng với những bộ phận khác của bộ trang phục, chiếc soỏng của người phụ nữ Mông đen là bộ phận quan trọng, ẩn dấu nhiều giá trị văn hóa độc đáo, riêng có, cần được truyền thụ, bảo tồn, nghiên cứu, lưu trữ và phát triển.

Nguồn tin: baocaobang.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây